Ngân hàng Nhà nước đang xoa dịu một điểm bất lợi

Ngân hàng Nhà nước đang xoa dịu một điểm bất lợi

VND vẫn đang là một trong những đồng tiền ổn định nhất trước tác động lớn từ bên ngoài (Ảnh minh họa)

Không chỉ với lạm phát, điều này cũng đang trở nên quan trọng và giá trị với nhiều doanh nghiệp, sau một năm kỷ lục vay vốn nước ngoài.

Không ngoài dự báo, đầu tuần này giá xăng dầu trong nước tiếp tục nâng kỷ lục; trong đó, sau 6 lần tăng lên tiếp, giá xăng đã vượt mốc 32.000 đồng/lít.

“Như thường lệ” những tháng qua, giá xăng dầu sẽ có mặt trong dẫn giải của Tổng cục Thống kê (GSO) về các yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), theo hướng tăng lên.

Bên cạnh “mặt bằng” giá thế giới, tỷ giá USD/VND quy đổi để tính giá thành cũng là một yếu tố đáng kể. Yếu tố này vừa có bước tăng mạnh đáng chú ý, nhất là trong hơi hướng nhập siêu trở lại thời gian gần đây của nền kinh tế.

Kể từ năm 2016 đến nay, khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, tỷ giá USD/VND cơ bản ổn định kéo dài. Tại một số thời điểm tỷ giá này thậm chí rơi sâu, buộc nhà điều hành phải chặn mua ngoại tệ để tránh VND lên giá quá mạnh; cũng một số thời điểm có biến động ngược lại và nhà điều hành bán ra bình ổn.

Còn từ cuối tháng 4/2022 đến nay, tỷ giá USD/VND có đà tăng đột biến trên các thị trường. Đột biến, bởi mức thay đổi đã tách khỏi quãng ổn định và thậm chí giảm trong năm 2021; bởi mức độ tăng dồn trong một thời gian ngắn.

Dữ liệu giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cho thấy, cập nhật đến phiên 14/6, giá USD giao ngay đã lên mức 23.224 VND, tăng tới 1,9% so với đầu năm và phần lớn mức tăng này diễn ra từ tháng 4 đến nay.

Đó cũng là khoảng thời gian thị trường đón tác động quan trọng: Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở lại tăng lãi suất, và đã liên tiếp tăng hai lần cho đến tháng 5 vừa qua.

Phía trước, ngày 15 và 16/6 này, cuộc họp chính sách của Fed đang nóng trên toàn cầu, bởi thị trường lại chờ đợi một phán quyết nối tiếp về mức tăng lãi suất. Phần lớn dự báo trên thị trường quốc tế, cũng như qua công cụ đo kỳ vọng của CME Group đang mở ra hướng một mức tăng mạnh là 0,75 điểm phần trăm cho lần tăng này.

Thị trường chứng khoán, chỉ số USD Index, hay tỷ giá USD/VND cũng đang phản ánh kỳ vọng này. Các lần tăng trước đó, thị trường chứng khoán hồi phục mạnh sau khi Fed công bố chính thức, một phần được lý giải là thị trường đã phản ánh trước và hấp thụ xong tác động. Nhưng không hẳn vậy.

Với tỷ giá USD/VND, tác động có tính lâu dài hơn. Thực tế, chỉ số USD Index đã lên mức cao nhất (trên 105 điểm) kể từ giai đoạn những năm quanh 2000; đáng chú ý hơn là chênh lệch lãi suất VND với USD đã âm trên thị trường liên ngân hàng. Những điều này tác động lâu dài đến tỷ giá USD/VND.

Khoảng nửa tháng trở lại đây, lãi suất VND qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm mạnh về quanh 0,4%/năm, trong khi lãi suất USD qua đêm ổn định trên 0,9%/năm. Chênh lệch ở đây là đã âm lớn; ở các kỳ hạn ngắn như 1 – 3 tuần cũng đã thu hẹp rất sát. Lãi suất thấp hơn, hoặc không còn chênh lớn như trước, VND mất giá so với USD.

Phía trước, qua cuộc họp 15 à 16/6 này, dự kiến Fed có thêm đợt tăng nữa; lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục hấp thụ ngay lập tức, và chênh lệch lãi suất nói trên sẽ tiếp tục có thay đổi theo hướng bất lợi cho ổn định tỷ giá USD/VND.

Dĩ nhiên còn những yếu tố khác tác động đến tỷ giá. Ví như cân đối cán cân thường mại của Việt Nam những kỳ gần đây đã không còn thuận lợi như trước, thậm chí nhập siêu có dấu hiệu trở lại. Và quan trọng hơn là yếu tố kiểm soát, can thiệp của nhà điều hành.

Cho đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn bám sát, duy trì thông điệp để tạo tín hiệu cho thị trường, cũng như “kìm” biến động tỷ giá ở một mức độ nhất định.

Cụ thể, trước tác động từ bên ngoài, lãi suất USD liên tiếp tăng, chỉ số USD Index lên kỷ lục, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đều đặn “bắt nhịp” lên mức cao mới. Và ngày 11/5 vừa qua, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng đã nâng thêm 200 VND giá bán ra USD, từ 23.050 lên 23.250 VND.

Mức giá trên áp dụng cho phương thức bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng, dù nâng lên nhưng vẫn giữ thông điệp bình ổn lâu nay: Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ra ngoại tệ với mức thấp hơn, sâu hơn nhiều so với mức giá trần. Cụ thể như tính đến phiên 14/6, giá bán ra của Ngân hàng Nhà nước thấp hơn mức trần tới 532 VND.

Như vậy Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì thông điệp: sẵn sàng bán ra ngoại tệ với mức thấp (so với trần biên độ).

Có một điểm chung trong đợt tăng của tỷ giá USD/VND hiện nay với năm 2018: phản ánh các đợt tăng lãi suất của Fed; giữa năm 2018 tỷ giá có đợt tăng mạnh và Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp. Song nhìn lại, tỷ giá USD/VND hiện nay thậm chí còn thấp hơn cả mức của năm 2018 (năm 2018 cao điểm tỷ giá còn lên tới 23.650 VND).

Tuy vậy, với bước tăng gần 2% chỉ trong ba tháng qua, biến động của tỷ giá USD/VND được chú ý ở yếu tố góp thêm tác động đối với lạm phát; như trên, giá xăng dầu thêm nóng, trong khi giá nguyên vật liệu nhập khẩu thêm bất lợi khi đã tăng cao thời gian qua…

Với bối cảnh và áp lực trên, đặc biệt từ các tác động khách quan và lớn từ bên ngoài, mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước thêm thử thách. Nhưng, bên cạnh thông điệp sẵn sàng bình ổn nói trên, thực tế tỷ giá USD/VND vẫn khá ổn định; VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong biểu cập nhật ở trên.

Trước tác động của Fed dồn dập tăng lãi suất, USD Index tăng kỷ lục…, mức kiểm soát biến động dưới 2% cho đến nay, so với mức độ từ 5-10% phổ biến ở nhiều đồng tiền khác, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kìm được nhất định sức nóng của một yếu tố tác động đối với lạm phát.

Giá trị trên còn mở rộng hơn, khi mà Việt Nam vẫn đang có dư nợ vay nước ngoài đáng kể, và năm 2021 vừa qua chứng kiến kỷ lục doanh nghiệp Việt vay vốn nước ngoài (khoảng gần 6,5 tỷ USD). Nguồn vốn vay này có rủi ro chi phí quan trọng là tỷ giá – điểm mà Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực bình ổn bên cạnh mục tiêu kiểm soát tác động bất lợi của tỷ giá đối với lạm phát.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: