Ngân hàng Nhà nước ngày càng thắt chặt tiền tệ?

Ngân hàng Nhà nước ngày càng thắt chặt tiền tệ?

Dù chưa tăng lãi suất điều hành nhưng những động thái gần đây của NHNN đang mang hơi hướng của chính sách tiền tệ thặt chặt.

Những tuần giao dịch cuối tháng 6 và đầu tháng 7 chứng kiến một loạt động thái can thiệp của Ngân hàng nhà nước (NHNN) trên thị trường tiền tệ.

Bắt đầu từ ngày 21/6, nhà điều hành đã mở lại kênh hút thanh khoản thông qua công cụ tín phiếu sau 2 năm liên tục duy trì ở tình trạng đóng băng. Đây là bước đi đặc biệt của NHNN khi trước đó liên tục ”buông” kênh này nhằm duy trì thanh khoản hệ thống, chủ động giữ lãi suất siêu thấp trong và sau đại dịch Covid.

Sau khi liên tục thực hiện 10 phiên chào thầu thành công, tổng lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tính đến hết ngày 4/7 ở mức 114.140 tỷ đồng, tương ứng với số tiền mà cơ quan quản lý đã hút ròng ra khỏi thị trường.

Đáng chú ý, khi lượng tín phiếu có kỳ hạn 7 ngày phát hành vào tuần đầu tiên lần lượt đáo hạn, NHNN lập tức bổ sung bằng lượng tín phiếu mới với khối lượng lớn hơn và kỳ hạn dài hơn là 14 ngày. Tính đến hết phiên 4/7, số tín phiếu kỳ hạn 14 ngày đã chiếm gần một nửa tổng lượng lưu hành.

Động thái này cho thấy định hướng kéo dài thời gian hút tiền của nhà điều hành trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn rất dư thừa, thể hiện qua việc lãi suất trúng thầu tín phiếu thấp hơn nhiều lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn.

Không chỉ kéo dài thời gian trả lại tiền cho thị trường, NHNN tiếp tục có thêm động thái tác động trực tiếp lên thanh khoản tiền VND trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể, cơ quan này đã chuyển từ phương thức bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay từ ngày 4/7.

Theo giới phân tích, ngoài mục tiêu chính là tăng tăng khả năng can thiệp vào thị trường để bình ổn tỷ giá, hành động của NHNN còn giúp giảm lượng thanh khoản tiền Đồng ngay lập tức, không phải chờ đến thời hạn thanh toán như trước.

Trước đó, dù NHNN đã liên tục bán ngoại tệ kỳ hạn nhưng nhu cầu mua từ các thành viên vẫn lớn, khiến tỷ giá liên tục leo thang. Theo ước tính của các công ty chứng khoán, cơ quan quản lý đã bán ra khoảng 10 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối theo qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang. Điều này đồng nghĩa một lượng lớn tiền Đồng sẽ bị hút khỏi thị trường trong một vài tháng tới.

”Việc chuyển sang bán ngoại tệ giao ngay sẽ góp phần giúp hút về lượng VND tương ứng trong bối cảnh thanh khoản dư thừa trong hệ thống dẫn đến việc NHNN phải quay trở lại phát hành tín phiếu để hút tiền trong 2 tuần gần đây”, Chứng khoán Bản Việt nhận định.

Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện NHNN cho biết cơ quan này sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn. Như vậy, lượng VND bị hút về qua kênh ngoại tệ trong thời gian tới có thể tiếp tục gia tăng, thanh khoản nội tệ vì thế sẽ bớt dồi dào hơn.

Theo SSI Research, thông điệp của NHNN đối với điều hành chính sách tiền tệ trong nhiều năm trở lại đây là chủ động và linh hoạt, và trên thực tế, động thái nhanh chóng hút tiền về của NHNN là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên đồng VND và cũng các giúp NHTM giải quyết vấn đề thừa thanh khoản tiền Đồng.

NHNN trong cuộc họp đầu năm đã phát tín hiệu không tăng lãi suất điều hành trong năm 2022 nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau Covid. Tuy nhiên, áp lực về lạm phát và việc đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách của các NHTW lớn đã tạo áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

”Các động thái vừa qua của NHNN trên hoạt động thị trường mở, nghiệp vụ mua/bán ngoại tệ và trần tín dụng đã nghiêng hơn nhiều về phía thắt chặt mặc dù điều này cần được quan sát thêm”, SSI Research nhận định.

Sức ép tăng lãi suất điều hành ngày càng lớn

Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán VnDirect nhận định lạm phát cao hơn dự kiến của Việt Nam có thể cản trở tăng trưởng kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên siết chặt hơn. Theo đó, NHNN sẽ có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ phù hợp nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ “phù hợp”, không thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường vì: (1) Mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong các tháng tới, chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 được dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mục tiêu 4%. (2) Cầu trong nước vẫn yếu và chưa phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và (3) NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế.

”Đối với lãi suất điều hành, nếu có đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý IV/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%”, báo cáo VnDirect cho biết.

Đồng quan điểm với VnDirect, nhiều tổ chức phân tích cũng dự báo NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Theo các chuyên gia HSBC, tình trạng giá năng lượng cao và kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả chung đi lên, khiến lạm phát có lúc vượt trần 4% trong nửa sau năm 2022. Với tình hình này, NHNN có thể phải tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý III/2022, trước khi tăng lãi suất ba lần (mỗi lần 0,25 điểm %) trong năm 2023.

Trong báo cáo công gần gần đây, Chứng Khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cũng đưa ra quan điểm rằng NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ thông qua tăng lãi suất 0,5 điểm % để duy trì tăng trưởng vừa phải, bất chấp rủi ro lạm phát tăng và FED quyết liệt hơn. Tuy nhiên mọi việc thắt chặt (nếu có) sẽ chỉ được thực hiện vào giai đoạn cuối năm.

”Mức tăng 50 điểm cơ bản sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 4,5%, mức vẫn còn phù hợp theo các tiêu chuẩn lịch sử, khi so với tỷ lệ này trước khi xảy ra đại dịch cho đến tháng 2/2020 là 6%”, MBKE cho biết.

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận điều hành tiền tệ “cũng đang chịu áp lực” trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng cao, nhưng Việt Nam phải ổn định, thậm chí giảm.

“Chúng tôi phải cân đối hài hoà các giải pháp, công cụ, kể cả giải pháp điều hành tín dụng, tỷ giá… để có lợi nhất cho ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhưng không chủ quan lạm phát”, bà Hồng nói.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: