Ngân hàng phải “đào” tăng trưởng tín dụng

Ngân hàng phải “đào” tăng trưởng tín dụng

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “rắn” trong hướng nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng thương mại muốn tăng mạnh hơn thì phải tự… giảm dư nợ.

Thực tế đó không nghịch lý. Với điều kiện cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, sau khi đã lấp gần đầy nửa đầu năm, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ buộc phải giảm dư nợ để tăng thêm tín dụng.

Nói cách khác, các NHTM sẽ phải tự “đào” không gian tăng trưởng tín dụng từ chính nền mình đang đứng, phần cần “đào” bớt đi để thấp đi chính là nợ xấu.

Có hiện tượng “đấu giá” lãi suất, chịu phạt để có vốn

Hiện tượng một số NHTM tạm dừng cho vay mới một số lĩnh vực và nhóm khách hàng nổi lên từ tháng 4/2022. Căng thẳng này vẫn kéo dài cho đến nay.

Trực tiếp làm việc với một số cán bộ tín dụng, thông tin nhận được cho đến đầu tháng 8 này tại một ngân hàng lớn cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng vẫn rất thụ động tại chi nhánh. Họ không thể cam kết chắc chắn thời điểm giải ngân cho khoản vay mới, mà thụ động chờ cân đối rồi mới xem xét xử lý cho khách hàng.

Trong khi đó, giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở phía Nam cho biết, đến nay đã là ba tháng họ phải cân đong từng khoản cho vay mới.

“Gần đây có hiện tượng ngân hàng lựa chọn các khách hàng cùng lĩnh vực, cùng điểm tín dụng, nhưng ai chấp nhận trả lãi suất cao hơn thì ưu tiên cho vay mới khách hàng đó”, giám đốc chi nhánh trên cho biết, như “đấu giá” lãi suất cho vay vậy, để có vốn kịp thời.

Cũng vì tính kịp thời, giám đốc chi nhánh trên chia sẻ với người viết, đi gặp gỡ khách hàng thấy họ bí bách nhưng khó hỗ trợ được. Bí bách nằm ở nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng bởi hai năm COVID-19, nợ được cơ cấu không bị chuyển nhóm thành nợ xấu nhưng thực chất đã quá hạn; nay họ dần phục hồi, nguồn tiền dần tái tạo và có khả năng trả nợ, nhưng lại lo trả rồi thì không hoặc khó vay vốn mới để duy trì phục hồi.

Người trong cuộc trên chia sẻ: “Thậm chí chúng tôi lo một số khách hàng vì sợ không được vay mới do ngân hàng hết “room”, nên họ đành liều chấp nhận giữ nguồn lẽ ra để trả nợ cũ cho yêu cầu vốn trước mắt, cố gắng xin cơ cấu nợ tiếp dù gần như không thể hoặc chịu lãi phạt”.

Tình huống trên còn phải xem xét, bởi lãi phạt quá hạn các ngân hàng áp dụng khá phổ biến hiện nay là 150% lãi suất cho vay. Với những khoản ngắn hạn, nếu trong diện được ưu tiên, lãi suất khoảng 4,3%/năm, hoặc một số lĩnh vực vay ngắn hạn quanh 7%/năm, thì việc chấp nhận bị phạt như trên thành lãi suất 6,5% hay 10,5%… hẳn doanh nghiệp sẽ tính toán khi bức thiết vốn.

Về phía chính sách, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vừa có thông tin nêu rõ: Thời gian qua, một số NHTM phản ánh hết “room” tín dụng là do họ tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết “room” mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số ngân hàng xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao…

Thực tế, chỉ sau 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã lên tới 9,35%, cao nhất trong chục năm qua.

“Tài nguyên” hơn 637 nghìn tỷ đồng

Ở kỳ cập nhật tình hình hoạt động nửa đầu năm nay, một số NHTM gặp gỡ nhà đầu tư. Câu hỏi chung nhà đầu tư đặt ra vẫn là triển vọng và khi nào được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

NHTM không thể tự trả lời câu hỏi này. Họ chỉ kỳ vọng trong vài tháng tới sẽ được nới, cộng thêm 3-5 điểm phần trăm trên chỉ tiêu được giao bước đầu hồi đầu năm.

“Nhiều quốc gia trên thế giới không áp dụng cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như vậy, mà họ quản lý theo thông lệ Basel II, Basel III. Theo đó, phân khúc và mức độ rủi ro quy định sẽ điều chỉnh hoạt động và mức độ cho vay của mỗi ngân hàng, theo các giới hạn kỹ thuật đã định trong các thông lệ đó”, Tổng giám đốc một NHTM trả lời.

Ông cũng cho rằng, NHNN có thể khó đoán định những biến động, phát sinh khó lường trong tương lai, nhất là với lạm phát, nên mới thực hiện cơ chế giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một cách chặt chẽ như hiện nay.

Các NHTM đã có cả chục năm thực hiện và thích nghi với cơ chế này. Như năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có những phát sinh và không còn bùng nổ như hai năm trước, họ có thể chuyển dịch bớt vốn ở đây sang tập trung cho tín dụng thông thường.

Nhưng, ở một khía cạnh khác, việc NHNN áp cơ chế chặt chẽ nói trên sẽ thúc đẩy hơn nữa các NHTM kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng tín dụng, cùng đó thúc đẩy hơn nữa hiệu quả xử lý nợ xấu.

Theo đó, để tăng trưởng tín dụng cao hơn, các ngân hàng phải giảm bớt nền cao khê đọng ở nợ xấu. Nợ xấu vẫn nằm trong mẫu số tổng dư nợ để tính tăng trưởng, giảm được cấu phần này ngân hàng có động lực tăng tín dụng ở cả hai chiều.

Theo số liệu NHNN cập nhật tại diễn đàn Quốc hội tháng 5 vừa qua, tổng lượng vốn khê đọng ở nợ xấu, nợ VAMC, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nợ cơ cấu lại mà không chuyển nhóm… đến tháng 3/2022 là 5,76%; nhân với hơn 11 triệu tỷ đồng tổng dư nợ toàn hệ thống thì “tài nguyên” khê đọng ở đây lên tới 637.482 tỷ đồng.

Xét một cách cơ bản, cứ 1 đồng cho vay bị ngã xuống thành nợ xấu, ngân hàng sẽ buộc phải cho vay mới khoảng 50 đồng một cách an toàn để bù lại 1 đồng ngã xuống đó (tương đối theo lãi biên khoảng 2% thu được). Tương quan này cho thấy áp lực đẩy tín dụng rất lớn tại các NHTM, để bù đắp lượng vốn đã ra đi mà không/chưa thể quay về vì nợ xấu cũng như để tạo động lực có lãi.

Áp lực đó càng lớn hơn khi nợ xấu đang có xu hướng gia tăng khá mạnh. Thống kê số liệu báo cáo tài chính quý 2/2022 của 27 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ xấu nội bảng của họ ở mức gần 146,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm. Như vậy, qua nửa đầu năm, nhìn chung các nhà băng không những chưa “đào” được thêm không gian tăng trưởng tín dụng ở tài nguyên nợ xấu, mà còn bị dày thêm ở nguồn vốn đã ngã xuống.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: