Ngành xây dựng nửa đầu năm: Doanh thu phục hồi nhưng giá vật liệu xây dựng bào mòn lợi nhuận

Ngành xây dựng nửa đầu năm: Doanh thu phục hồi nhưng giá vật liệu xây dựng bào mòn lợi nhuận

Trừ Xây dựng 47 do hoãn thi công và CII do mảng bất động sản, các doanh nghiệp xây dựng đều có doanh thu phục hồi trong nửa đầu năm nay.

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng cả nền kinh tế, trong đó bao gồm ngành xây dựng. Vì vậy, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, ngành xây dựng có khởi sắc.

Doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng doanh thu từ nền thấp

Sáu tháng đầu năm, Xây dựng Hòa Bình ( HoSE: HBC ) ghi nhận doanh thu 7.066 tỷ đồng, tăng gần 30%; Hưng Thịnh Incons ( HoSE: HTN ) có doanh thu 3.245 tỷ đồng, tăng trưởng 14%. So với đối thủ, Coteccons ( HoSE: CTD ) có mức tăng nhẹ hơn với 1,5%, đạt 5.195 tỷ đồng.

Nhóm xây dựng công nghiệp hạ tầng cũng chứng kiến điều tương tự. Vinaconex ( HoSE: VCG ) có mức tăng với gần 50% so với 6 tháng 2021. Fecon ( HoSE: FCN ), Hạ tầng Giao thông Đèo Cả ( HoSE: HHV ) và Cienco4 ( UPCoM: C4G ) tăng trưởng ít hơn so với Vinaconex.

Trong khi đó, Xây dựng 47 ( HoSE: C47 ) tạm dừng thi công thủy điện Hòa Bình và sân bay Long Thành vì lí do thời tiết và địa chất nên doanh thu sụt giảm hơn 50% (Bộ Công Thương đã cho phép thi công dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng trở lại từ 8/9. Mảng xây dựng của CII ( HoSE: CII ) có tăng trưởng, nhưng nguồn thu chính là kinh doanh bất động sản giảm gần 40% khiến doanh thu giảm trong nửa đầu năm.

Riêng với nhóm ngành xây dựng dân dụng, dù có tăng trưởng nhờ sự phục hồi của thị trường nhưng các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn. Theo Bộ Xây dựng, trong nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản tất cả các phân khúc đều rất hạn chế. Nguyên nhân là do việc siết chặt các thủ tục pháp lý của các dự án bất động sản và sự kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sự suy giảm của thị trường trái phiếu.

Ngoài vấn đề trên, doanh nghiệp xây dựng gặp phải một khó khăn khác: Xung đột Nga – Ukraina.

Giá vật liệu xây dựng bào mòn biên lợi nhuận

Xung đột Nga – Ukraina đẩy giá nguyên vật liệu xây dựng lên cao. Trong cơ cấu chi phí xây dựng, nguyên vật liệu chiếm đến 65 – 70% giá dự toán xây dựng công trình. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất trong 6 tháng đầu năm tăng 6,04% so với cùng kỳ. Điều này đã ảnh hưởng nhiều nhà thầu trong nước.

Biên gộp của Xây dựng Hòa Bình giảm từ 7,2% xuống 4,7% trong 6 tháng đầu năm. Trái với Xây dựng Hòa Bình, Hưng Thịnh Incons và Coteccons kiểm soát được chi phí vốn nên biên gộp tăng lần lượt từ 8,6% lên 9,6% và 4,9% lên 5,6%.

Giá vật liệu xây dựng tăng làm giảm biên lợi nhuận gộp của Vinaconex từ 14,5% xuống 13,6%. Điều tương tự cũng xảy ra với Fecon và Cienco 4. CII thậm chí kinh doanh dưới giá vốn với doanh thu mảng xây lắp duy tu công trình gần 263 tỷ đồng trong khi giá vốn mảng này 279 tỷ đồng. Ở nhóm này, Xây dựng 47 và Hạ tầng Giao thông Đèo Cả kiểm soát được chi phí nên có biên gộp tăng trưởng.

Một số doanh nghiệp sau đó cho biết đã có biện pháp để hạn chế ảnh hưởng của “bão giá” nguyên vật liệu. Xây dựng 47 có các hợp đồng thi công với chủ đầu tư uy tín, bố trí nguồn vốn đầy đủ, được cho phép điều chỉnh giá khi nhà nước thay đổi chính sách. Vì thế, khi có biến động tiền lương, giá cả vật tư, nhiên liệu, công ty này không có rủi ro biến động giá. Xây dựng Hòa Bình đã thương thảo với chủ đầu tư và có những điều khoản về tránh rủi ro trượt giá.

Về lợi nhuận, Coteccons và Xây dựng 47 dù kiểm soát được chi phí đầu vào nhưng những ảnh hưởng từ chi phí quản lý doanh nghiệp và việc tạm dừng thi công khiến lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ sụt giảm. Xây dựng Hòa Bình và Fecon vừa bị ảnh hưởng bởi chi phí nguyên vật liệu và các chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí lãi vay nên cũng chứng kiến điều tương tự. Các công ty còn lại tiết giảm được chi phí (Hưng Thịnh Incons, Cienco 4, Hạ tầng Giao thông Đèo Cả) hoặc doanh thu tài chính tăng đột biến (CII và Vinaconex) nên có lợi nhuận tăng trưởng.

Đơn vị: tỷ đồng

Triển vọng ngành xây dựng

VNDirect Research kỳ vọng giá bán thép sẽ tiếp tục giảm dần trong nửa cuối 2022 và năm 2023, tiếp nối đà kể từ tháng 4 (đã giảm hơn 14% kể từ đỉnh) và giúp giảm áp lực tỷ suất lợi nhuận gộp lên các doanh nghiệp xây dựng.

Trong khi đó, tiến độ đầu tư công hiện nay vẫn đang chậm, dù hết tháng 8 nhưng vẫn chưa đạt một nửa kế hoạch năm. Bộ Tài chính ước giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm hơn 212.227 tỷ đồng, tương đương 35,5% kế hoạch năm. Hiện, 35/51 bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Một số dự án giao thông trọng điểm (gồm Mai Sơn – QL 45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây) đều đang bị chậm tiến độ.

Tuy nhiên, giá vật liệu xây dựng giảm sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thi công của các dự án đầu tư công. VNDirect Research dự báo vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 tăng 20-30% so với thực tế thực hiện trong năm trước, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng cao so với mức nền thấp của cùng kỳ.

VNDirect Research nhận định các chủ đầu tư bất động sản nhà ở vẫn có thể gặp thách thức trong việc huy động vốn nửa cuối năm 2022 khi Chính phủ yêu cầu cẩn trọng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi rủi ro vi phạm ngày càng tăng trong các đợt phát hành và đấu giá quyền sử dụng đất. Lãi suất vay mua nhà có thể tăng tiếp 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022.

VNDirect Research dự phóng nguồn cung căn hộ mới tại TP HCM sẽ giảm 20-30% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và đạt 5.000 – 6.000 căn. Tuy nhiên, nhìn chung nguồn cung mới sẽ phục hồi vào năm 2022 – 2023 sẽ tăng trưởng trở lại từ mức nền thấp 2020 – 2021. Nguồn cung nhà liền thổ tiếp tục khan hiếm trong năm 2022.

Đối với thị trường Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới có thể tăng lần lượt 50% và 20% lên 25.600 căn và 30.000 căn vào năm 2022 và năm 2023. Trong khi đó, nguồn cung nhà liền thổ ở Hà Nội sẽ đi ngang ở mức 2.500 căn trong năm 2022.

Dù vậy, giá trị hợp đồng trúng thầu chuyển tiếp (backlog) của các doanh nghiệp xây dựng đang tiếp tục tăng kể từ cuối năm 2021. Tính đến hết quý II, Coteccons có lượng backlog 35.000 tỷ đồng (cao nhất lịch sử), Xây dựng Hòa Bình 26.500 tỷ đồng trong khi cuối năm 2021 là 16.000 tỷ đồng. Đối với Hưng Thịnh Incons, nhà thầu này lên kế hoạch backlog đến năm 2026 đạt 100.000 tỷ đồng, gấp 4 lần sau 5 năm.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: