Thực tế các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đang kết dư hàng chục nghìn tỷ đồng (không tính Quỹ Bảo hiểm xã hội), nhiều quỹ hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực, song vẫn tồn tại. Năm 2019, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát và chỉ ra nhiều bất cập, nhưng trong một số luật mới, hoặc sửa đổi luật, các bộ vẫn thích đề xuất lập quỹ mới.
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra saoTại: Nghìn tỷ ‘chôn’ tại các quỹ ngoài ngân sách – Bài cuối: Chặn từ ý tưởng
-
Cần có các giải pháp chấn áp tín dụng đen để mang lại niềm tin cho thị trường.Tại: TS. Nguyễn Đình Cung: “Thị trường thiếu nguồn cung với khoản vay nhỏ”
Trước thực tế có nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhưng hoạt động kém hiệu quả, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đã chính thức đưa vào quy định quản lý, giám sát. Với quy định mới, các quỹ này phải được quy định trong luật, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ (chỉ hỗ trợ vốn điều lệ với một số trường hợp đặc thù). Hằng năm, các bộ ngành phải báo cáo quyết toán các quỹ gửi Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ sau đó trình Quốc hội.
Dù vậy, thực tế các luật chuyên ngành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đều “cài” việc lập quỹ tài chính. Mới nhất, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ TN&MT đề xuất lập Quỹ hỗ trợ người bị hạn chế khả năng lao động khi Nhà nước thu hồi đất (do UBND cấp tỉnh thành lập, Điều 94); Quỹ phát triển đất (Điều 103).
Hay như Quỹ tín thác bất động sản (REIT) đang được Bộ Xây dựng đề xuất đưa vào Luật Kinh doanh bất động sản chuẩn bị được sửa đổi, bổ sung. Bộ này lập luận, quỹ nhằm mục tiêu huy động vốn qua chứng chỉ quỹ, cổ phiếu… sau đó góp vốn vào dự án hoặc doanh nghiệp bất động sản, nhằm giảm phụ thuộc vào vốn ngân hàng.
Ngay tại Bộ Tài chính – cơ quan giám sát về việc lập và hoạt động các quỹ tài chính ngoài ngân sách cũng quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (QBOGXD). Sau nhiều năm hoạt động, có thời điểm quỹ kết dư cả chục nghìn tỷ đồng, nhưng nhìn lại vẫn không “bình ổn” giá xăng dầu được. Đặc biệt, hiện giá xăng dầu điều chỉnh theo kỳ 10 ngày, quỹ này thay vì để chia sẻ rủi ro, lại trở thành gánh nặng cho mỗi lần giá xăng dầu giảm. Đã có nhiều ý kiến đề xuất bỏ QBOGXD.
Khó dẹp “loạn quỹ”
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có trên 50 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó cấp trung ương quản lý trên 20 quỹ, địa phương quản lý khoảng 30 quỹ khác nhau. Các quỹ này có nhiều mục tiêu, như phát triển hạ tầng, hỗ trợ kinh doanh, khoa học công nghệ, môi trường, an sinh, trật tự xã hội, bình đẳng giới…
Trong dự thảo Thông tư Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương được giao quản lý quỹ ngoài ngân sách rà soát lại các quỹ. Từ đó, các cơ quan thực hiện cơ cấu, sáp nhập, dừng hoặc giải thể những quỹ hoạt động không hiệu quả; sai mục đích, trùng lặp mục tiêu; trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước…
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, vừa qua bộ này đã rà soát đồng loạt quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, sau đó giải tán một số quỹ không hiệu quả, hoặc mang tính chất chi thường xuyên, như: Quỹ bảo trì đường bộ; Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh; Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm… Tuy nhiên, theo vị này, vẫn còn nhiều quỹ không hiệu quả nhưng chưa bỏ được, do nằm trong các luật chuyên ngành, thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định, phải điều chỉnh luật mới bỏ được. “Khi xây dựng luật mới hoặc sửa đổi luật hiện hành, các bộ, ngành có xu hướng đưa thêm các quỹ mới vào”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Vừa qua, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương rà soát quỹ ngoài ngân sách, quỹ nào không hiệu quả, không cần thiết các bộ phải giải thể. Tuy nhiên, phần lớn quỹ này lập theo quy định của luật nên Bộ Tài chính cũng không thể yêu cầu bỏ. “Bộ Tài chính cũng chỉ có “1 tiếng nói”, xét về tài chính có thể thấy không hiệu quả, lãng phí, đề nghị không đưa vào luật. Tuy nhiên, các bộ quản lý ngành lại thấy cần thiết dưới góc độ quản lý nhà nước nên đưa ra nhiều lý lẽ để bảo vệ. Còn khi đi vào hoạt động có hiệu quả hay không lại là chuyện khác”, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Về giám sát hoạt động các quỹ ngoài ngân sách, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, theo quy định mới, việc cấp vốn điều lệ cho các quỹ từ ngân sách nhà nước được xếp vào hình thức đầu tư phát triển. Các quỹ chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công, các bộ quản lý trực tiếp, Bộ Tài chính không còn tham gia làm thành viên hội đồng quản lý quỹ. Hàng năm, các bộ ngành, địa phương quản lý quỹ có trách nhiệm báo cáo thu, chi, số dư quỹ cuối năm để Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội giám sát.
Nguồn: cafef.vn
TÁC GIẢ KHÁC
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
TS. Trương Văn Phước
Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia