Ông Phan Dũng Khánh cho rằng nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật vẫn có thể mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư mua được ở vùng giá thấp. Tuy nhiên, cơ hội thật sự có thể sẽ vào giai đoạn năm 2023.
Tại Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8 mới đây, T.S Vũ Đình Ánh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường – giá cả, Bộ Tài Chính và ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank đã đưa ra những đánh giá về tác động của lạm phát, tăng trưởng kinh tế cũng như biến động của thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2022.
Theo T.S Vũ Đình Ánh, kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 rất tích cực với tăng trưởng GDP quý 2 trên 7,7%, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Mức phục hồi cho thấy Việt Nam đã thoát khỏi tác động tiêu cực của đại dịch trong suốt hai năm qua. Điều quan trọng hơn là Việt Nam tăng trưởng ở cả ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Với lĩnh vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã phục hồi và quay trở lại tốc độ tăng trưởng tới hai con số, đây là một động lực rất quan trọng tăng trưởng kinh tế nói chung. Bên cạnh đó, đường bộ hay hàng không cũng đã phục hồi rất mạnh mẽ, khu vực nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng và trở thành bệ đỡ của nền kinh tế. Tổng cầu tiêu dùng sau khi đã sụt giảm hay thậm chí có những thời điểm âm vào năm 2020, sang đến nửa đầu của năm 2022 tổng cầu tiêu dùng đã tăng trở lại với tốc độ giống như trước đại dịch. Những điều này đã hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp cho các doanh nghiệp phục hồi và là minh chứng vì sao số lượng các doanh nghiệp đăng ký mới tăng trở lại một cách kỷ lục trong nửa đầu năm 2022.
Bên cạnh đó, lĩnh vực đầu tư cũng có sự phục hồi. Yếu tố tiếp là trong suốt năm 2020-2021, mặc dù thị trường thế giới có những biến động bất lợi, đứt gãy các chuỗi cung ứng hay giá vận tải tăng rất cao, tuy nhiên Việt Nam vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu với tốc độ tăng lên tới hai con số. Nửa đầu của năm 2022, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng tới 17%, và thặng dư thương mại ở mức trên 700 triệu USD. T.S Vũ Đình Ánh cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy là tín hiệu rất tốt cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ở mức 6-6,5% hay thậm chí sẽ còn tăng trưởng cao hơn mục tiêu đó.
Ông Vũ Đình Ánh cũng đánh giá việc kiềm chế lạm phát chỉ ở mức 2,44% trong nửa đầu năm 2022, dù cho lạm phát các nước tăng mạnh là một thành công đáng kể.
Nhiều thách thức trong nửa cuối năm, tăng trưởng GDP vẫn trên 6,5%
Theo T.S Vũ Đình Ánh, dù thuận lợi trong nửa đầu năm nhưng trong nửa cuối 2022, sẽ dần xuất hiện một số thách thức. Đầu tiên là tăng trưởng kinh tế, mặc dù nửa đầu năm tăng trưởng ngoạn mục nhưng bên cạnh những nỗ lực của chúng ta thì còn một điểm là nền thấp trong 2 năm trước đó. Một yếu tố quan trọng nữa liên quan đến sự lệch pha của kinh tế Việt Nam. Năm 2021, kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,6%, trong khi Việt Nam tăng trưởng 2,38%. Khi Việt Nam bắt đầu tăng trưởng cao, kinh tế toàn cầu lại đối mặt với vấn đề suy thoái.
Ngoài ra, năm 2020-2021 khi lạm phát toàn cầu đã lên tới trên 3% thì lạm phát Việt Nam lại chưa bao giờ thấp tới vậy. Điều này cho thấy Việt Nam không chỉ lệch pha tăng trưởng mà còn lệch pha cả về lạm phát. Điều này có thể gây ra lạm phát cao ở Việt Nam vào nửa cuối của năm 2022.
Chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay có thể đạt được, thậm chí cao hơn. Việt Nam hiện có chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội trị giá 348.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện tốt gói này, không chỉ liên quan đến câu chuyện tăng trưởng năm 2022-2023 và thậm chí còn 5 năm hay 10 năm sau đó. Tuy nhiên bên cạnh những lạc quan về vấn đề tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng có mối lo ngại liên quan đến lạm phát toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng.
Liên quan đến vấn đề về nhập khẩu lạm phát, T.S Vũ Đình Ánh cho biết khi giá nhiều nguyên nhiên vật liệu tăng lên tới hàng chục phần trăm, trong khi phần lớn các nguyên nhiên vật liệu chúng ta đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc giá thế giới tăng mà Việt Nam phải nhập khẩu lạm phát sẽ đẩy giá thành sản xuất cũng như là giá bán cuối cùng tăng lên, tạo ra lạm phát ở Việt Nam. Những yếu tố khác là lạm phát do cầu kéo. Phục hồi tiêu dùng có thể sẽ tạo ra lạm phát do cầu kéo…
Ngoài ra, Thế giới bắt đầu tăng lãi suất, giá trị của USD hay tỷ giá hối đoái của các đồng tiền khác so với đồng USD hầu hết đều mất giá. Trước bối cảnh đó, đồng tiền Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 một lần nữa không những không mất giá mà vẫn còn lên giá khoảng 0,2%. Trong khi năm 2020 và cả năm 2021, đồng tiền Việt Nam vẫn lên giá so với đồng USD. Việt Nam đang đối mặt với áp lực điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong bối cảnh phải giữ được lãi suất ít nhất là không tăng và hỗ trợ cho phục hồi phát triển kinh tế. Do đó, Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh một bước nhất định để giảm giá đồng tiền.
Chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ trên dưới 7%, lạc quan thì trên 7% nhưng chắc chắn vượt 6,5%. Về lạm phát, điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách soát, nhưng có thể sẽ dao động từ 5-6%.
Thị trường chứng khoán sẽ biến động ra sao trong nửa cuối 2022?
Về tác động tới thị trường chứng khoán, ông Vũ Đình Ánh cho biết khi lạm phát cao, các nước phát triển sẽ lựa chọn chống lạm phát bằng chính sách tiền tệ và trọng tâm là chính sách lãi suất. Khi tăng lãi suất, dòng tiền giá rẻ sẽ không còn. Vấn đề thứ hai, khi lãi suất tăng dòng tiền sẽ có thể quay trở lại những nền kinh tế đang có mức lãi suất hấp dẫn hơn, sẽ rất bất lợi cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán cũng như các nhà đầu tư chứng khoán.
Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp, các công ty niêm yết đều có triển vọng tăng trưởng khá tốt. Nói cách khác, hàng hóa trên thị trường sẽ có chất lượng hơn, có giá trị tốt hơn khi họ tăng trưởng hơn trong nửa cuối năm 2022. Nhưng những yếu tố sẽ tác động ngược, như Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo về câu chuyện tăng lãi suất điều hành và theo đó lãi suất có thể không những không giảm được mà sẽ tăng.
Vấn đề thứ hai là câu chuyện về tỷ giá hối đoái, độ mở nền kinh tế quá lớn, do đó tỷ giá có thể sẽ duy trì ở mức chấp nhận được, có thể giảm giá cỡ từ 1%-2%, không ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Vấn đề thứ ba, nếu trong nửa đầu của năm 2022, một loạt sai phạm trên thị trường chứng khoán đã bị cơ quan quản lý xử lý và sắp tới có thể có những xử lý tiếp. Sự lành mạnh của thị trường chứng khoán đang là một trong những mục tiêu của các cơ quan chức năng. Như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đôi chút tới thị trường chứng khoán, nhưng sẽ tạo ra cơ sở tốt để thị trường phục hồi và phát triển lành mạnh cho giai đoạn sau năm 2022 cũng như những triển vọng về nâng hạng.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng hiện đang có tín hiệu tích cực khi nhà đầu tư nước ngoài dần trở lại mua ròng, đó là bệ đỡ cho thị trường, cải thiện tâm lý cho nhà đầu tư cũng như thị trường chung. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải thận trọng trong lúc này. Như năm ngoái gần như mua mã nào cũng lời. Vấn đề của nhà đầu tư lúc đó là lời ít hay lời nhiều, chớp mắt một cái chúng ta đã mua được hàng chục mã có thể sinh lời.
Tuy nhiên hiện nay chúng ta “chớp” như vậy sẽ gây lỗ lớn. Một tin tốt mang tính chất về mặt kỹ thuật nhiều hơn là thị trường liên tục đi xuống, đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, thì trong giai đoạn cuối năm vẫn có những giai đoạn phục hồi. Dĩ nhiên phục hồi ở đây, nhà đầu tư cần lưu ý là phục hồi từ mức thấp, và khó có thể ngay lập tức trở lại đỉnh 1.500 điểm.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng nhịp phục hồi mang tính kỹ thuật vẫn có thể mang lại lợi nhuận tốt cho các nhà đầu tư mua được ở vùng giá thấp. Tuy nhiên, cơ hội thật sự có thể sẽ vào giai đoạn năm 2023 khi các chính sách ổn định hơn, nền kinh tế vĩ mô vững chắc, dòng tiền ổn định, cơ hội nâng hạng của thị trường rõ ràng hơn, khiến cho dòng tiền đổ vào thị trường mạnh hơn.
Cũng theo ông Khánh, trong giai đoạn hiện nay, nhà đầu tư nên giao dịch thận trọng và hạn chế tối đa sử dụng đòn bẩy, cũng như giữ một tỷ trọng tiền mặt và không nên “full” cổ phiếu, phải có một tỷ trọng tiền mặt nhất định trong danh mục đầu tư để chờ đợi các cơ hội.
Nguồn: cafef.vn