Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hàng tốt có rất nhiều, nhưng hàng “lởm” cũng không ít và vì “vàng thau lẫn lộn”, nên rất cần có sự minh bạch để nhà đầu tư có cơ sở nhận diện.
Kênh dẫn vốn quan trọng
Liên quan đến những lùm xùm trên thị trường trái phiếu trong thời gian gần đây, thị trường đang có dấu hiệu chững lại do tâm lý “chim sợ cành cong” từ cả phía nhà phát hành, cũng như nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP FiinGroup, ở góc nhìn của một doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm liên quan đến các định chế tài chính đang làm ăn ở Việt Nam, thì vẫn còn rất nhiều trái phiếu doanh nghiệp tốt, bên cạnh những trái phiếu doanh nghiệp yếu. Nhưng làm thế nào để nhận diện, đánh giá được các mã trái phiếu này mới là vấn đề quan trọng.
Nhìn lại quá trình lịch sử có thể thấy, trái phiếu doanh nghiệp hình thành đã lâu, nhưng thực sự bắt đầu phát triển mới được 5 năm trở lại đây và bắt đầu tăng trưởng mạnh từ năm 2018 – 2019, sau đó đến 2020 – 2021 thì tăng trưởng rất mạnh. Có nhiều lý do dẫn đến điều này, nhưng trong bối cảnh COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng về dòng tiền, trong khi hệ thống ngân hàng Việt Nam năng lực tiền gửi, cũng như các kênh khác để cho vay dài hạn là rất thấp. Thông thường có rất ít người gửi tiền từ 3-5 năm, trong khi nhu cầu của các doanh nghiệp vay ngân hàng cho các dự án dài hơi rất nhiều, mà bản chất của ngân hàng là tập trung vào vốn ngắn hạn, vốn lưu động để phục vụ cho các doanh nghiệp vận hành trong ngắn hạn. Cho nên, kênh trái phiếu sẽ phát huy vai trò của nó trong dài hạn, nếu không có kênh này, thì những ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều đối với hệ thống tài chính nói chung, cũng như bối cảnh vĩ mô của Việt Nam.
“Đồng ý là có những doanh nghiệp làm không tốt, có những sự vụ đã vi phạm, nhưng trên bình diện chung, kênh trái phiếu doanh nghiệp đang có vai trò rất lớn. Chính vì sự tăng trưởng 30 – 40% trong năm qua là rất nóng, nên xảy ra những sự kiện như vừa rồi cũng là điều không quá khó hiểu. Đặc biệt, những người đầu tư vào trái phiếu thường chỉ quan tâm đến lãi suất là chính.
Cùng với đó, biểu lãi suất đã thay đổi nhiều trong hai năm trở lại đây, phụ thuộc vào các ngành, lĩnh vực như bất động sản, năng lượng hay chứng khoán, ngân hàng và cả xây dựng… Với mức lãi suất 8-9% trong khi gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất bình quân 5-6%, thì không có lý do gì mà không chuyển sang kênh trái phiếu. Đồng thời hai năm qua, kênh trái phiếu tăng trưởng mạnh nhưng kênh tiền gửi của hệ thống ngân hàng không tăng trưởng như mọi năm nữa, thậm chí có giai đoạn giảm cho đến khi kinh tế hồi phục vào bốn tháng đầu năm nay”, ông Thuân cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Thuân, thị trường vốn nào cũng có ba kênh chính đó là chứng khoán , tín dụng ngân hàng và trái phiếu. Đến nay, 3 kênh này đã khá cân bằng nên vai trò của trái phiếu là rất lớn. Vấn đề là, khi các nhà đầu tư tổ chức tham gia vào thị trường, thì đều có lập dự phòng rủi ro, mất vốn là điều bình thường, nhưng riêng các nhà đầu tư cá nhân thì chỉ nhìn vào lãi suất mà không có dự kiến, không có chuẩn bị cho việc mình bị mất tiền. Do đó, mọi người phải phải chuẩn bị tâm thế là khi sở hữu trái phiếu cũng có thể mất tiền bất cứ lúc nào, khi đó mới có thể thoải mái tham gia những thị trường như vậy.
Nhận diện trái phiếu để đầu tư
Đi vào phân tích cụ thể, Tổng giám đốc FiinGroup chia sẻ có ba điểm chạm trên cấu trúc vốn của trái phiếu bao gồm: Thứ nhất, là thị trường sơ cấp, là doanh nghiệp bán ra với hai hình thức chào bán ra công chúng có xin cấp phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kể cả không phải là doanh nghiệp đại chúng. Nếu doanh nghiệp nào cứ quảng cáo trên mạng mà không có giấy phép của Ủy ban chứng khoán Nhà nước thì đó đều là vi phạm pháp luật. Hai là hình thức phát hành riêng lẻ, theo quy định giới hạn trong 100 nhà đầu tư chủ yếu là các tổ chức và những nhà đầu tư chuyên nghiệp mới được mua.
Thứ hai, là thông qua các đơn vị phân phối cho nhà đầu tư như các công ty chứng khoán, ngân hàng thậm chí một số doanh nghiệp cũng mua và đi phân phối lại. Vấn đề này, nhà đầu tư cũng cần lưu ý là có mua đúng trái phiếu từ các đơn vị có chức năng phân phối hay không.
Thứ ba, là thị trường thứ cấp. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành thị trường thứ cấp tập trung, mà chỉ có khoảng 29 mã trái phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP HCM – là sàn giao dịch chính thức của Nhà nước được lập ra, còn lại gần 4000 các mã trái phiếu khác đang lưu hành trên thị trường thì chưa có nền tảng hệ thống giao dịch chính thức.
Thách thức đặt ra cho các nhà đầu tư hiện nay là những thông tin được công bố đại chúng từ các doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp liên quan công bố sẽ rất khó để đưa ra đánh giá một cách tin cậy, kể cả những người có chuyên môn. Ngay cả khi xếp hạng tín nhiệm, doanh nghiệp buộc phải chia sẻ thông tin rất mật, mặc dù công ty xếp hạng không công bố, nhưng dựa trên đó để đưa ra quan điểm còn thấy khó…
Để đánh giá được một trái phiếu hoặc một nhà phát hành rất phức tạp, đầu tiên, phải hiểu được năng lực hồ sơ kinh doanh và tài chính của ngành, tùy vào mức độ rủi ro, độ an toàn trong các ngành là khác nhau. Ví dụ trái phiếu ngành bất động sản sẽ rủi ro hơn ngành thực phẩm, hay ngành năng lượng tái tạo về cơ bản dài hạn ít rủi ro hơn, nhưng trước mắt vẫn có những thách thức nhất định về nguồn vốn. Mỗi ngành có đặc thù khác nhau chưa kể những thay đổi về pháp lý, môi trường kinh doanh, chất lượng quản trị doanh nghiệp, từ đó mới có thể đưa ra những vấn đề cơ bản đánh giá trái phiếu.
Tiếp theo là thẩm định tín dụng của đơn vị phát hành hoặc đơn vị đứng ra bảo lãnh, như về hiệu quả kinh doanh, đòn bẩy tài chính, chất lượng dòng tiền và đặc biệt ở Việt Nam, mức độ quản trị doanh nghiệp còn yếu nên kỷ luật tài chính doanh nghiệp và chất lượng quản trị doanh nghiệp sẽ phải rất lưu ý.
Một thực tế trên thị trường đó là, hàng tốt có rất nhiều, nhưng hàng “lởm” cũng không ít. Vấn đề của thị trường Việt Nam là không biết thế nào… vì vàng thau lẫn lộn, nên rất cần phải có sự minh bạch. Trong đó, cần các thông tin là đơn vị phát hành và thông tin trái phiếu, như mục đích phát hành, thông tin dự án đầu tư, thời gian dự kiến triển khai dự án càng dài rủi ro càng lớn, thời gian đáo hạn lãi suất…
“Một điểm mọi người hay quan tâm là tài sản đảm bảo, nhưng đối với cá nhân chúng ta không nên quan tâm quá nhiều vấn đề này, vì tài sản đảm bảo không có tác dụng trong việc đánh giá khả năng trả nợ, mà chỉ nằm trong trường hợp mất vốn thì tranh nhau tài sản đảm bảo như thế nào, còn nếu đã đầu tư thì không cần quan tâm đến tài sản đảm bảo.
Điểm mấu chốt và đáng chú ý hơn là cam kết thanh toán, mua lại, đặc biệt là bảo lãnh thanh toán, còn bảo lãnh phát hành chỉ là cam kết của đơn vị tư vấn, trong trường hợp không có người mua hết trái phiếu, thì họ sẽ mua để đảm bảo khả năng doanh nghiệp huy động đủ tiền để làm dự án đó. Nhưng với nhà đầu tư, liên quan đến tiền thì phải là bảo lãnh thanh toán. Tuy nhiên, bảo lãnh nên của các công ty bảo hiểm quốc tế và các ngân hàng, còn các doanh nghiệp với nhau thì không ổn”, ông Nguyễn Quang Thuân lưu ý.
Nguồn: cafef.vn