Giá vật liệu xây dựng tăng đột biến tác động lớn đến nhiều dự án trọng điểm quốc gia (ảnh minh họa)
Tất cả cùng tăng
Tại Công văn số 3192/BGTVT-CQLXD gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, thời gian qua, giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng sử dụng tại các dự án xây dựng công trình giao thông nói riêng có biến động lớn.
Sự thiếu hụt về nguồn cung và giá một số loại nhiên, vật liệu tăng cao, nhất là giá xăng dầu và thép tăng đột biến, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Điều này cũng gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, đặc biệt đối với các gói thầu, dự án lớn.
Bộ Giao thông Vận tải dẫn báo cáo của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải và các Ban quản lý dự án cho biết từ quý 4.2020 đến quý 1.2022, các loại vật liệu, nhiên liệu có biến động giá lớn, đặc biệt là đất, đá, nhựa đường, xi măng, sắt thép, xăng, dầu.
Đất đắp nền đường tăng khoảng 30-40%, cát tăng khoảng 25%, đá tăng khoảng 25-30%, nhựa đường tăng khoảng 15-20%, xi măng tăng khoảng 20-25%, thép tăng khoảng 30-40% – một số thời điểm tăng trên 80%, dầu Diezel tăng khoảng 30-50% – một số thời điểm tăng đến 90%.
Với tình hình biến động giá nêu trên, giá thành xây dựng của gói thầu xây lắp dự kiến tăng khoảng 12-18%. Trong khi đó, giá trị bù giá theo chỉ số giá do địa phương công bố được khoảng từ 8-12%.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, thời gian vừa qua, việc triển khai đồng loạt nhiều dự án có quy mô và có nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng với khối lượng lớn, thi công trong thời gian ngắn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung vật liệu, khiến mức giá tăng cao.
Nhiều địa phương ban hành thông báo giá, chỉ số giá chưa kịp thời, chưa đầy đủ các loại vật liệu cho công trình giao thông và giá vật liệu chưa phản ảnh đúng mặt bằng giá thị trường.
Nhiều loại vật liệu biến động giá liên tục, trong thời gian ngắn, trong khi nhiều địa phương ban hành thông báo giá, chỉ số giá theo quý (thường là quý sau mới công bố giá của quý trước, thậm chí chậm hơn). Do đó, thông báo giá, chỉ số giá có độ trễ và không phản ảnh đúng mức độ biến động giá thị trường.
Hay thông báo giá của các địa phương chưa đầy đủ, chỉ số giá vật liệu của địa phương được xây dựng chung trên cơ sở mức bình quân cho nhiều lĩnh vực xây dựng nên có giá bình quân thấp hơn so với yêu cầu đối với công trình giao thông (có yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù hoặc cao hơn).
Điều này đã gây khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong quá trình triển khai dự án, như khó khăn đối với quản lý chi phí, khó khăn đối với tiến độ thi công và quản lý hợp đồng.
Không chỉ dự án trọng điểm quốc gia, mà các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh cũng bị ảnh hưởng Ảnh: Lê Phước Bình
Dự án công, tư đều ‘khóc’
Bộ Giao thông Vận Tải cho biết thêm, đối với gói thầu xây lắp thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ, trong giá thành xây dựng, tỷ trọng chi phí vật liệu chiếm từ 50-65%. Một số gói thầu chiếm trên 65% như dự án Mỹ Thuận – Cần Thơ, Nha Trang – Cam Lâm, Nghi Sơn – Diễn Châu.
Tùy đặc điểm, tính chất kỹ thuật của từng gói thầu, tỷ trọng chi phí của các loại vật liệu sẽ khác nhau.
Các vật liệu chiếm tỷ trọng lớn gồm đất đắp, cát, đá các loại, sắt thép, nhựa đường. Theo đó, tỷ lệ giá trị đất đắp chiếm trên 20% như dự án Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Nhựa đường chiếm trên 10% như dự án Mai Sơn – QL.45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây.
Một số gói thầu có công trình cầu và hầm lớn, tỷ lệ sắt thép chiếm giá trị trên 10% như dự án Mai Sơn – QL45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2.
Không riêng gì những dự án trọng điểm quốc gia, những dự án trọng điểm tại các tỉnh, thành phố cũng chung số phận.
Đơn cử, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cho phép điều chỉnh giá vật liệu chủ yếu đối với hợp đồng đơn giá cố định do biến động giá bất thường.
Ban quản lý này cho biết, thời gian qua, trước tác động bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột xảy ra ở một số quốc gia… giá cả nhiên liệu, vật liệu xây dựng liên tục tăng, vượt ngoài khả năng dự báo.
Một số thời điểm, giá vật liệu (thép, xi măng, cát, đá, nhựa đường…) trên thị trường tăng hơn 30%. Riêng giá xăng dầu hiện nay đã tăng khoảng 60% so với thời điểm đầu năm, khiến cho chi phí các ca máy thi công trên các công trường xây dựng bị đội lên rất cao.
Trong năm 2021, Ban quản lý này đã ký một số hợp đồng xây lắp có giá trị lớn, thời gian thực hiện hơn 2 năm theo hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định của các dự án vay ODA.
Biến động giá tăng quá lớn đã gây khó khăn cho các nhà thầu xây lắp, một số nhà thầu tổ chức thi công cầm chừng hoặc gần như dừng thi công để chờ giá vật liệu thị trường bình ổn trở lại vì càng thi công càng lỗ.
Trong khi thị trường biến động ngày càng tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án nạo vét sông Cổ Cò và xây dựng các công trình cầu bắc qua sông.
Trong khi các dự án đầu tư công bị ảnh hưởng nghiêm trọng như nêu trên, thì các dự án đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước, nhất là các dự án bất động sản cũng đứng trước nhiều nỗi lo dự án chậm tiến độ, giá bất động sản sẽ tăng.
Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Xuân Phú Hải đã công văn gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam xin chấp thuận điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án khu du lịch quy mô 2.772 tỉ đồng, với lý do thị trường vật liệu xây dựng có biến động và tăng giá liên tục, đặc biệt là giá thép và xăng dầu.
Trong Công văn số 625/SXD-QLN&BĐS, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cũng cho biết do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, biến động giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến việc triển khai đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn.
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi dự báo bất động sản trong thời gian tới sẽ tăng giá vì chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao, vật liệu xây dựng và các yếu tố đầu tư xây dựng đều tăng, khung giá đất trong năm 2021 được điều chỉnh tăng. Ngoài ra, thủ tục trong quá trình triển khai thực hiện dự án kéo dài do vướng mắc quy định pháp luật dẫn đến tăng chi phí đầu tư.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Công văn số 2360/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc biến động giá nhiên, vật liệu đối với các dự án công trình xây dựng giao thông. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông. Đồng thời, các địa phương phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc hướng dẫn việc thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều giá hợp đồng do ảnh hưởng biến động giá vật liệu đối với các dự án đang triển khai theo quy định của pháp luật. Cùng với đó nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và khẩn trương thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá các vật liệu xây dựng công trình giao thông nói chung và các dự án giao thông trọng điểm quốc gia theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký. |
Nguồn: cafeland.vn