Cuộc đua lãi suất vẫn chưa dừng lại khi đến đầu tháng 7, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm lên ngưỡng mới, mức điều chỉnh cao nhất lên tới 0,9%-1,2%/năm.
Theo khảo sát của chúng tôi, bước sang tháng 7 có thêm nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất. Cụ thể có khoảng 10 ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài với mức điều chỉnh tương đối cao, thậm chí đến 0,9-1,2%/năm.
Cụ thể, kỳ hạn 1-3 tháng có thêm nhiều ngân hàng chào mức trần lãi suất, mức tăng phổ biến là 0,1%/năm. Theo đó, nhiều nhà băng vẫn tiếp tục duy trì mức trần lãi suất 4% do NHNN quy định cho kỳ hạn này như SCB, NamABank, Kienlongbank, VietABank, PVCombank, GPBank, Sacombank và ngoài ra có thêm sự gia nhập của SHB, VIB, MSB khi tăng lãi suất của kỳ hạn này lên mức tối đa trong đợt này (áp dụng cho hình thức gửi trực tuyến).
Đối với các ngân hàng thuộc nhóm Big 4, lãi suất khi gửi tiết kiệm 3 tháng dao động trong khoảng 3,3-3,4%. Cụ thể lãi suất của Vietcombank là 3,3%/năm; 3 ngân hàng còn lại đều 3,4%/năm.
Từ kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động giữa các nhà băng có sự chênh lệch tương đối lớn. Lãi suất cao nhất cho kỳ hạn này ở ngân hàng CBBank với 6,8%/năm. Tiếp ở nhóm sau là BacABank với 6,35%/năm, BaoVietBank là 6,2%/năm, VIB là 6,1%/năm…
Riêng đối với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn này cũng cao hơn so với hình thức gửi tại quầy. Khi gửi tiền online kỳ hạn 6 tháng, khách hàng có thể được hưởng lãi suất 6,85%/năm của SCB; 6,45%/năm của BacABank,…
Đối với những kỳ hạn gửi dài hơn, các nhà băng cũng ưu ái hơn cho khách hàng gửi tiết kiệm khi phần lớn đều tăng lãi suất thêm từ 0,3%/năm trở lên. Hiện có khoảng 16 ngân hàng đang có mức lãi suất từ 6% trở lên cho kỳ hạn 12 tháng. Vị trí dẫn đầu không thể thiếu gương mặt thân quen của SCB với lãi suất cao nhất là 7,3%/năm cho cả hình thức gửi tại quầy và gửi online. NamABank tiếp tục duy trì mức lãi suất 7,2%/năm đối với hình thức gửi trực tuyến, CBBank là 7,15%/năm cho hình thức gửi tại quầy. Ngoài ra, một số ngân hàng khác có mức lãi suất dưới 7% như BacABank (6,8%/năm), BaoVietBank (6,65%), VietABank (6,6%/năm), VietCapital Bank (6,4%)…
Với các kỳ hạn trên 12 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng cao nhất khi áp dụng mức lãi suất 7,55%/năm đối với khách hàng gửi từ 18-36 tháng. Đây cũng là mức lãi suất ngân hàng cao nhất được ghi nhận vào đầu tháng 7.
Một ngân hàng thuộc nhóm Big 4 là Agribank trong đầu tháng 7/2022 đã điều chỉnh tăng lãi suất 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng, qua đó nâng lãi suất huy động tại các kỳ hạn lên mức 5,6%/năm.
Trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này, ACB là một trong những ngân hàng có sự thay đổi nhiều nhất. Với hình thức gửi tại quầy, nhà băng này tăng 0,9%/năm cho kỳ hạn 1 và 9 tháng; 0,6%/năm cho kỳ hạn 3 và 12 tháng; 0,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Mặc dù điều chỉnh tương đối đáng kể nhưng mặt bằng lãi suất của ACB trước đó tương đối thấp nên ngân hàng này chưa thể vươn lên vị trí top các ngân hàng có lãi suất cao nhất.
Đáng chú ý, TPBank sau một thời gian dài đứng ngoài cuộc đua tăng lãi suất thì nay ngân hàng này cũng đã điều chỉnh tăng 0,2%/năm cho hầu hết các kỳ hạn, áp dụng cho cả 2 hình thức trực tuyến và online.
Cuộc đua lãi suất vẫn chưa hết “nóng” khi đã có 10 ngân hàng đưa ra mức lãi suất trên 7%/năm. Lãi suất huy động tăng khiến tiền gửi nhàn rỗi chảy mạnh trở lại ngân hàng. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 81,8% huy động tiền gửi của các ngân hàng dự phóng sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Trong báo cáo gần đây của VNDirect, các chuyên gia nhận định lãi suất tiền gửi đã tăng trở lại kể từ tháng 5/2022. Trong năm nay, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp và sẽ bắt đầu tăng trở lại do nhu cầu huy động vốn lên cao dựa trên tín dụng tăng trưởng, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản, chứng khoán…và nhất là áp lực lạm phát.
Theo dự đoán của các nhà phân tích, lãi suất có thể được nâng lên 30-50 điểm cơ bản trong năm 2022. Riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tại các NHTM sẽ tăng lên mức bình quân 5,9-6,1%/năm vào cuối năm nay, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8% một năm giai đoạn trước dịch bệnh.
Sự kiện:
Dịch chuyển dòng tiền
Xem tất cả >>
- Trung bình mỗi tài khoản thanh toán của người dân hiện có bao nhiêu tiền?
- Cuộc đua lãi suất huy động vì sao vẫn chưa hạ nhiệt?
- Vì sao lãi suất tiền gửi “dậy sóng”?
- Lượng lớn trái phiếu đáo hạn và tín dụng bị kiểm soát, doanh nghiệp BĐS xoay sở dòng tiền trả nợ như thế nào?
- Lãi suất huy động tăng, người dân đua nhau gửi tiền ngân hàng
Nguồn: cafef.vn