Chỉ trong 2 tháng cuối năm ngoái, thị giá CEO tăng gấp 8 lần lên 100.000 đồng. Một lượng lớn cổ phiếu cũng đã được pha loãng ra thị trường trước và sau đà tăng shock này.
CEO: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
“Cách” cổ phiếu CEO được pha loãng
Cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn CEO chốt phiên 22/9 tăng nhẹ 1,9% lên mức 27.000 đồng/CP, giảm khoảng 27% so với trung tuần tháng 8/2022. Nếu tính từ mức đỉnh lịch sử 100.000 đồng/CP vào đầu năm nay, CEO đã mất đến 73% giá trị, là một trong những mã đại chúng có mức giảm lớn nhất.
CTCP Tập đoàn CEO được thành lập năm 2001 với tên gọi ban đầu là Công ty TNHH Thương mại, Xây dựng và Công nghệ Việt Nam (Viteco).
Sau hơn 2 thập kỷ hình thành và phát triển, CEO Group tới nay là nhà phát triển có vị trí trên thị trường bất động sản Việt Nam, với nhiều dự án có tiếng đã và đang triển khai trên cả nước, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, điển hình là Sonasea Vân Đồn Harbor City quy mô 358ha ở Quảng Ninh, hay Sonasea Villas & Resort 132ha, Sonasea Residence 160ha ở Phú Quốc, Kiên Giang, cùng nhiều dự án khác.
Quỹ đất cũng là chủ đề thu hút sự chú ý đặc biệt của nhà đầu tư vào cuối năm ngoái, đi kèm đà tăng đột biến của cổ phiếu CEO trên sàn HNX.
Khởi đầu từ mức giá 12.500 đồng/CP phiên 8/11/2021, CEO có chuỗi 10 phiên tăng trần, kéo thị giá tăng gấp 2,5 lần lên 13.500 đồng/CP phiên 11/9/2021, trước khi tiếp tục tăng thêm nhiều nhịp nữa, lên đỉnh 100.000 đồng/CP vào phiên 10/1/2022, đẩy giá trị vốn hoá ngót nghét 26.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ sau khoảng 2 tháng, CEO đã ghi nhận mức tăng tới 8 lần, đó là chưa kể đòn bẩy margin. Nhà đầu tư thời điểm đó như “phát điên” với đà tăng không tưởng của mã cổ phiếu này, khi cứ vào phiên ra là tăng trần cứng, tài khoản nhân 2-3 lần chỉ trong thời gian ngắn với không ít những phiên trần tắt thanh khoản.
Cùng với đó, trên các diễn đàn chứng khoán, các topic về CEO mọc ra như nấm sau mưa, với những dự báo CEO có thể lên tới 500-700.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng/CP.
Đà tăng điên của CEO, cũng như loạt cổ phiếu bất động sản đình đám như DIG, L14… đạt đỉnh vào đầu năm nay, trước khi đảo chiều nhanh chóng sau sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm.
Tiếp đó, các sự kiện như khởi tố vụ án liên quan đến cổ phiếu FLC, vụ án trái phiếu Tân Hoàng Minh tiếp tục nhấn sâu cổ phiếu CEO. Mã này từng về đáy 21.500 đồng phiên 22/6, và như đã biết, hiện đang giao dịch quanh 27.000 đồng/CP.
Theo quan sát của Nhadautu.vn , một lượng lớn cổ phiếu CEO có dấu hiệu đã được các “tay chơi” lớn phân phối ra thị trường sau một giai đoạn mua gom trong thời kỳ VN-Index giảm sâu do dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, phần nào có thể thấy rõ qua số lượng cổ đông tăng đột biến, và tỷ lệ cổ phần tham dự các đại hội đồng cổ đông.
Tại ĐHĐCĐ thường niên (AGM) ngày 15/3/2019, tỷ lệ cổ phần tham dự là 66,15%, thì tới AGM ngày 22/6/2020 tăng mạnh lên 80,18% – cũng là mức cao nhất trong nhiều năm qua. Số lượng cổ đông của CEO Group khi đó là 2.374 cá nhân/tổ chức.
2 năm sau, sau nhiều nhịp tăng giảm, và đặc biệt là nhịp tăng “shock” 800% vào cuối năm ngoái, CEO đã trở thành một cổ phiếu “quốc dân”, với số lượng cổ đông tăng 18 lần, lên tới 42.765 chốt ngày 28/3/2022, tăng mạnh 16.331 so với ngày 31/12/2021 – vùng đỉnh của CEO.
Tỷ lệ cổ phần tham dự AGM ngày 29/4/2022 chỉ còn 56,45%, trước khi tiếp tục giảm mạnh về còn 50,8% theo Biên bản kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào ngày 30/8/2022 vừa qua. Số lượng cổ đông của CEO lúc này đã lên tới 49.918 cá nhân/tổ chức – là một trong những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn nhất cả nước.
Thông thường, tham gia các ĐHĐCĐ hay bỏ phiếu lấy ý kiến bằng văn bản thường là nhóm chủ, cổ đông lớn, chi phối. Cổ đông nhỏ lẻ, đầu tư ngắn hạn không không có nhiều động lực tham dự. Bởi vậy, tỷ lệ cổ phần tham dự các ĐHĐCĐ được xem là một thước đo đánh giá mức độ pha loãng của một công ty đại chúng.
Từ AGM 2020 tới đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vừa qua, nếu tính theo cách này, có khoảng 30% cổ phần, tương đương khoảng 77 triệu cổ phiếu CEO đã được “pha loãng” ra thị trường. Các tay chơi/cổ đông lớn, bởi vậy chắc hẳn đã thu về khoản lợi nhuận không nhỏ, nhất là sau giai đoạn “gom” hàng giá rẻ trước đó.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán còn mở ra cơ hội tăng vốn cho CEO Group. ĐHĐCĐ thường niên năm nay của CEO Group đã thông qua kế hoạch chào bán 257,3 triệu cổ phiếu, chủ yếu là phát hành mới cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/CP.
Ngày 23/8/2022, HĐQT CEO Group đã có Nghị quyết thông qua hồ sơ đăng ký chào bán 257,3 triệu cổ phần theo phương án nêu trên.
CEO Group làm ăn thế nào?
Nửa đầu năm 2022, CEO Group đạt doanh thu hợp nhất 718 tỷ đồng, lãi sau thuế 69,6 tỷ đồng, tương đương lần lượt 24% và 23% so với kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ thường niên thông qua.
Giai đoạn 2013 – 2019, CEO chứng kiến tốc độ tăng trưởng khá nhanh, các chỉ tiêu quan trọng như tổng tài sản, vốn cổ phần, doanh thu, lợi nhuận ổn định đi lên và đạt đỉnh trong năm 2019, với tổng doanh thu kỷ lục 4.550 tỷ đồng, lãi sau thuế 607,8 tỷ đồng, EPS 2.290 tỷ đồng, tổng tài sản 8.037 tỷ đồng, vốn điều lệ 2.573 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là một tỷ lệ không nhỏ lợi nhuận trong cơ cấu hợp nhất của CEO Group thuộc về cổ đông thiểu số trong các công ty con, với số tuyệt đối 160 tỷ đồng năm 2019, chiếm 26% tổng lợi nhuận sau thuế toàn Group; con số này với các năm 2017-2018 thậm chí còn lên tới 40 – 44,7%. Nguyên nhân là tại nhiều doanh nghiệp dự án của CEO Group có một tỷ lệ lớn cổ phần thuộc về cổ đông khác, sẽ được Nhadautu.vn đề cập chi tiết hơn trong một dịp khác.
Trở lại với tình hình kinh doanh của CEO Group, chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp này chịu lỗ 103,3 tỷ đồng trong năm 2020, trước khi báo lãi nhẹ trở lại trong năm 2021. Số dư nợ vay cũng được giảm mạnh từ 2.340 tỷ đồng năm 2019 về còn 1.740 tỷ đồng cuối tháng 6/2022, tổng tài sản hợp nhất là 7.514 tỷ đồng.
Tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư ngày 9/8 vừa qua, Chủ tịch HĐQT CEO Group ông Đoàn Văn Bình khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 300 tỷ đồng trong năm nay. Ông Bình cho biết tập đoàn có hơn 1.000ha đất, đã phát triển 300ha và còn khoảng 700ha. Trong 5 năm tới, CEO Group sẽ mở rộng ra mảng khu công nghiệp, đặt mục tiêu đứng trong Top 20 các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam, phát triển thêm quỹ đất 1.000ha tại các địa bàn tiềm năng trên cả nước.
Về kết quả kinh doanh, Chủ tịch Đoàn Văn Bình hé lộ mục tiêu doanh thu tổng thể 30.000 tỷ đồng, bình quân 1 năm 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận 600 tỷ đồng.
Ai sở hữu CEO Group?
Như đã đề cập, sau giai đoạn pha loãng rất mạnh, tỷ lệ cổ phần bỏ phiếu tại đợt lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào cuối tháng 8 vừa qua chỉ là 50,8% – thấp nhất trong lịch sử hoạt động của CEO Group, và chỉ nhỉnh hơn túc số tối thiểu 50% theo Điều lệ hiện hành của doanh nghiệp này.
Dù có số lượng cổ đông nhỏ lẻ rất lớn, song quyền chi phối CEO Group không khó để thấy, đều nằm trong tay Chủ tịch Đoàn Văn Bình và các cộng sự. Vị doanh nhân sinh năm 1971 hiện là cổ đông lớn duy nhất, trực tiếp sở hữu 70,5 triệu cổ phần, tương đương 27,4% vốn cổ phần CEO. Em trai ông – ông Đoàn Văn Minh hiện là Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT, vợ ông – bà Đỗ Phương Anh đảm trách vai trò Phó TGĐ.
Tới cuối năm 2021, Báo cáo thường niên của CEO Group thể hiện 100% lãnh đạo trong HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và Ban kiểm soát đều đã có nhiều năm công tác tại CEO Group, trong đó có những người đã gắn bó với Chủ tịch Đoàn Văn Bình tới 15-20 năm.
Nguồn: cafef.vn