Năm 2022 đang trở thành một năm “tàn bạo” đối với thị trường chứng khoán toàn cầu, khi giá cổ phiếu trượt dốc thê thảm bởi hàng loạt mối lo ngại, từ lạm phát cao ngất trời đến thái độ “diều hâu” của Ngân hàng trung ương Mỹ và các ngân hàng đồng cấp khác, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám.
Chứng khoán toàn cầu lao dốc, cổ phiếu công nghệ và ngân hàng dẫn đầu đà giảm
Chứng khoán Mỹ tuần qua đã giảm nhiều chưa từng có kể từ tháng 1/2022, với phiên kết tuần giảm thê thảm bởi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 5 mạnh hơn dự kiến, làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất mạnh hơn so với dự kiến.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên thứ Sáu (10/6) giảm 2,73% xuống 31.392,79; S&P 500 mất 2,91% xuống 3.900,86; và Nasdaq Composite giảm 3,52% xuống 11.340,02. Tính chung cả tuần, cả 3 chỉ số đều giảm nhiều nhất kể từ ngày 21/1, với Dow giảm 4,58%, S&P 500 giảm 5,06% và Nasdaq giảm 5,60%.
Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã mất 18,2%, còn so với mức cao nhất của năm đạt được vào ngày 3/1, chỉ số này hiện đã mất 19%. Những cổ phiếu đang dẫn đầu xu hướng giảm là Microsoft, Amazon và Apple.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 đã tăng 1,0% so với tháng liền trước, sau khi tăng 0,3% trong tháng 4 (cao hơn mức dự báo của các nhà phân tích là tăng 0,7%). So theo năm, CPI tháng 5 đã tăng 8,5%, mức cao chưa từng có kể từ 1981, và cao hơn mức 8,3% của tháng 4, làm xóa tan kỳ vọng rằng lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh. Đây cũng chính là lý do khiến xu hướng giá cổ phiếu giảm không chỉ dừng lại ở Mỹ mà lan khắp toàn cầu, với chỉ số MSCI toàn cầu phiên 10/6 giảm 2,79%, trong đó chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 0,9%, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 2,7, với toàn bộ các lĩnh vực đều giảm, trong đó chỉ số của ngành ngân hàng giảm 4,8%. Cổ phiếu của riêng khu vực đồng euro giảm 3,1% trong phiên này.
Bài học từ lịch sử
Nhìn lại lịch sử ở bất cứ giai đoạn nào có bối cảnh tương tự như hiện tại đều thấy thị trường chứng khoán giá xuống đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư có thể gặp nhiều đau đớn hơn nữa.
Theo Sam Stovall, chiến lược gia trưởng về đầu tư của CFRA, chỉ số S&P 500 đã giảm trung bình 32,7% kể từ năm 1946, bao gồm cả mức giảm gần 57% trong suốt thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.
Trung bình phải mất hơn một năm để chỉ số này chạm đáy trong thị trường giá xuống, và sau đó khoảng hai năm nữa để trở lại mức cao trước đó, kết quả theo dõi của CFRA cho thấy. Trong số 13 thị trường “gấu” (xuống giá) kể từ năm 1946, tỷ lệ quay trở lại mức hòa vốn đã thay đổi, chỉ mất từ ba tháng đến lâu nhất là 69 tháng.
Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 114% so với mức thấp nhất vào tháng 3 năm 2020 do các cổ phiếu được hưởng lợi từ các chính sách khẩn cấp được áp dụng nhằm giúp ổn định nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, xu hướng tăng đã bị đảo ngược vào đầu năm 2022 khi Fed ngày càng trở nên “hiếu chiến” hơn và báo hiệu rằng họ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn dự kiến để chống lại lạm phát gia tăng. Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong năm nay và khả năng sẽ có nhiều đợt tăng sắp tới đã đè nặng lên cổ phiếu và trái phiếu.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố sẽ tăng lãi suất cao khi cần thiết để “giết chết” lạm phát, nhưng cũng tin rằng các nhà hoạch định chính sách có thể hướng nền kinh tế đến cái gọi là “hạ cánh mềm”. Nhưng dữ liệu lạm phát tháng 5 đã khiến niềm tin đó bị lung lay. Thêm vào sự bất ổn là cuộc chiến ở Ukraine, đã khiến giá dầu và các mặt hàng khác tăng vọt.
Mặc dù vậy, một số lĩnh vực trên thị trường chứng khoán đã thoát xu hướng “gấu”. Đó là cổ phiếu ngành năng lượng – đã tăng vọt trong năm nay, cùng với giá dầu, trong khi cổ phiếu của nhóm các dịch vụ tiện ích cũng tăng, trái với xu hướng giảm chung của toàn thị trường.
Trái với năng lượng, cổ phiếu của các công ty công nghệ và các công ty đã từng tăng trưởng cao khác năm nay bị ảnh hưởng nặng nề. Những cổ phiếu đó – đã từng rất được ưa chuộng ở phần lớn những giai đoạn thị trường tăng giá trong thập kỷ qua – đặc biệt nhạy cảm với lợi suất tăng.
Một số công ty lớn nhất trong số này, chẳng hạn như Tesla và chủ sở hữu Facebook Meta Platforms, cũng có trọng số lớn trong chỉ số S&P 500.
Các nhà đầu tư đã xem xét các số liệu khác nhau để xác định khi nào thị trường sẽ tăng, bao gồm Chỉ số Biến động Cboe, còn được gọi là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall. Mặc dù chỉ số này được nâng lên so với mức trung bình dài hạn, nhưng hiện vẫn thấp hơn mức đạt được trong các đợt bán tháo lớn trước đây.
Tham khảo: Refinitiv
Nguồn: cafef.vn