Nóng trong tuần: Cẩn trọng khi “ôm đất” chờ quy hoạch

Sẽ có thêm hàng nghìn hecta “đất vàng, đất bạc” dọc Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội; Lo doanh nghiệp bất động sản “tắc thở” khi tín dụng siết chặt; Chưa chốt Hóc Môn lên quận hay thành phố, tránh bàn nhiều gây sốt đất; Mệt mỏi với các dự án “bán lúa non”… là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Chưa chốt Hóc Môn lên quận hay thành phố, tránh bàn nhiều gây sốt đất

Theo lãnh đạo TP.HCM, đề xuất Hóc Môn lên quận hay thành phố trong thời gian tới vẫn đang được thành phố xem xét, chưa quyết định. Thời điểm này không bàn quá nhiều về vấn đề này để tránh gây hệ luỵ sốt đất, người dân không được hưởng lợi gì.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh quỹ đất trung TP.HCM đang gần cạn, giá nhà đất quá cao thì chiến lược phát triển đô thị vệ tinh ở vùng ven là tất yếu. Xu hướng này vừa giảm tải cho khu vực trung tâm, vừa kích thích tiềm năng của các khu vực còn nhiều dư địa về quỹ đất, giá rẻ. Thu hút doanh nghiệp về đâu tư khu đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua đó nâng cao chất lượng đời sống cho người dân hiện hữu và kéo lượng lớn người dân từ các khu vực đông đúc về đây sinh sống.

Sẽ có thêm hàng nghìn hecta “đất vàng, đất bạc” dọc Vành đai 3 TP.HCM, Vành đai 4 Hà Nội

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và Vành đai 4 vùng thủ đô không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.

Khi tuyến đường này hình thành thì các vùng lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng. Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đại biểu đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này.

Mệt mỏi với các dự án “bán lúa non”

Góp vốn, đặt chỗ mua đất nền dự án bất động từ sớm, từ xa để rồi phải rong ruổi khắp nơi cầu cứu chính quyền các cấp đôn đốc chủ đầu tư sớm bàn giao đất và sổ đỏ. Đó là câu chuyện đang xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Nhiều nhà đầu tư vì cả tin vào những lời cam kết ngọt ngào đến từ các đơn vị môi giới và chủ đầu tư nên đã mạnh dạn xuống tiền góp vốn, đặt chỗ để mua các sản phẩm đất nền dự án từ rất sớm. Thậm chí, có trường hợp góp vốn mua đất nền từ khi các dự án có hồ sơ pháp lý chưa đảm bảo, chưa được Nhà nước giao đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa được đầu tư hoàn thiện, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước… Sự “mạnh dạn” kể trên không những không mang lại kết quả tích cực nào mà còn khiến nhiều người phải khổ sở, đang chạy vạy khắp nơi để đòi chủ đầu tư giao đất, giao sổ đỏ.

Phó thủ tướng “chốt” siết hay không siết cho vay bất động sản

Về kiểm soát tín dụng và các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định. Đây là chủ trương đầy đủ, xuyên suốt của chính phủ trong thời gian qua.

Lâm Đồng ngăn chặn lợi dụng tách thửa đất để biến tướng đầu tư các dự án bất động sản

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng vừa phát đi hàng loạt Công văn yêu cầu quản lý và sử dụng đất đai đối với trường hợp giải quyết hồ sơ chia tách hình thành nhiều thửa đất mới trên địa bàn các huyện, thành phố.

Đơn cử, tại Công văn số 1238/STNMT-VPĐKĐĐ, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, đề nghị chia tách thửa đất của người sử dụng đất tại huyện Lâm Hà là đảm bảo điều kiện giải quyết theo quy định tại Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND ngày 1/11/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Lo doanh nghiệp bất động sản “tắc thở” khi tín dụng siết chặt

Theo ông Châu, hiện nay doanh nghiệp bất động sản có các kênh huy động vốn chính gồm: Vốn sở hữu, vốn tín dụng từ ngân hàng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn FDI chảy vào thị trường theo con đường liên doanh liên kết.

Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm từ 15 – 20%. Còn 80 – 85% còn lại phải huy động từ các kênh khác. Nhưng từ sau khi có Nghị định 20 của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản chỉ được vay để thực hiện dự án khi đã có đất, không được vay tiền để mua đất. Thông tư 20 cũng không cho cá nhân, hộ gia đình vay mua nhà ở xã hội. Người mua nhà ở xã hội chỉ còn một kênh duy nhất là vay ở ngân hàng chính sách xã hội.

Hơn 2,2 triệu tỷ đồng của ngân hàng đang đổ vào bất động sản, chủ ngân hàng có lo?

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt hơn 2,288 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm 20,44% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Trong đó, tỷ ệ nợ xấu là 1,62% (tương đương khoảng 37.000 tỷ đồng).

NHNN đánh giá đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro đối với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát. Ngoài ra, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.

Nguồn: cafeland.vn

Bài viết cùng chủ đề: