Nóng trong tuần: Lo sốt đất vì hạ tầng “trên giấy”

Làm sao chặn “điệp khúc” cứ đề xuất hạ tầng là sốt đất; Gần 3 tỉ USD vốn ngoại đăng ký vào bất động sản; Hàng loạt khách hàng góp vốn mua đất nền tại nhiều dự án ‘cầu cứu’ UBND tỉnh Quảng Nam; HoREA kiến nghị về chuyển nhượng dự án xử lý nợ xấu… là những thông tin nóng trong tuần qua.

Hình minh họa

Gần 3 tỉ USD vốn ngoại đăng ký vào bất động sản

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 11,71 tỉ USD, chỉ bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 53,4%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt ở mức 45,4% và 51,6%.

Cụ thể, có 578 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 5,7% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 4,12 tỉ USD (giảm 53,4% so với cùng kỳ). Trong khi đó, có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 15,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,61 tỉ USD (tăng 45,4% so với cùng kỳ). Đồng thời có 1.339 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,98 tỉ USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ.

Bộ Xây dựng rà soát các dự án có nhu cầu chuyển từ nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại

Tổng hợp danh mục các dự án nhà ở tái định cư trên địa bàn, số lượng nhà ở tái định cư đã đầu tư xây dựng, việc bố trí, quản lý sử dụng nhà ở tái định cư. Đồng thời, tổng hợp các dự án, số lượng nhà ở tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để bố trí tái định cư và có nhu cầu chuyển đổi quỹ nhà này sang làm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác.

Chỉ đạo của Bộ Xây dựng được đưa ra là nhằm thực hiện Kế hoạch số 06/KH-ĐGS ngày 30/9/2021 của Đoàn Giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch số 123/KH-ĐGS ngày 18/4/2022 của Đoàn Giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giám sát tại một số Bộ, ngành, địa phương về chuyên đề ‘Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021.

TP.HCM: Xem xét, tháo gỡ vướng mắc 64 dự án bất động sản

Sở Xây dựng đã rà soát và phân loại 64 dự án này thành 12 nhóm vướng mắc và thẩm quyền giải quyết của 8 sở, ngành . 8 sở ngành này là: Sở QH-KT TP, Sở TN&MT, Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở GTVT, Chi Cục Tài chính doanh nghiệp – Sở Tài chính, Cục Thuế TP.HCM và UBND TP Thủ Đức, UBND quận, huyện.

Các dự án vướng mắc được phân loại theo nhóm nội dung. Như về quy hoạch (điều chỉnh quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/2000 hoặc 1/500) có 4 dự án. Về thủ tục liên quan đất đai, gồm chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng; giao đất bổ sung có 13 dự án vướng mắc. Về tiền sử dụng đất, gồm xem xét thời điểm thẩm định giá đất; xem xét miễn tiền sử dụng đất đối với dự án; thẩm định và phê duyệt tiền sử dụng đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính; nộp tiền sử dụng đất: 18 dự án cần tháo gỡ.

Làm sao chặn “điệp khúc” cứ đề xuất hạ tầng là sốt đất?

Nhiều dự án cơ sở hạ tầng dù chỉ mới là đề xuất, chưa có cơ sở rõ ràng để xác định có triển khai được hay không. Nhưng chừng đó là đủ để trở thành “mồi nhử” cho nhiều nhóm đầu cơ tạo nên các cơn sốt đất ảo. Đáng nói là tình trạng này lặp đi lặp lại rất nhiều lần nhưng chưa có thuốc “đặc trị” hữu hiệu.

Thông tin về dự án này cũng khiến Đắk Nông được quan tâm nhiều hơn. Trong thời gian gần đây, địa phương này cũng xuất hiện nhiều trên mặt báo như một thị trường bất động sản mới nổi giàu tiềm năng. Đặc biệt, sau khi xuất hiện dồn dập thông tin nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đang đổ về đây để xin nghiên cứu đầu tư các dự án đô thị quy mô lớn. Rõ ràng, với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Đắk Nông, việc hạ tầng giao thông được đầu tư, những doanh nghiệp “đại bàng” xin đề xuất xây dựng đô thị lớn là những thông tin tích cực, hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo của địa phương.

HoREA kiến nghị về chuyển nhượng dự án xử lý nợ xấu

HoREA cho biết, trong Nghị quyết 42 Quốc hội cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quy định này đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản. Trong lúc các doanh nghiệp bất động sản bình thường (không có nợ xấu) muốn chuyển nhượng dự án bất động sản thì phải có Giấy chứng nhận (sổ đỏ) theo quy định.

Hàng loạt khách hàng góp vốn mua đất nền tại nhiều dự án ‘cầu cứu’ UBND tỉnh Quảng Nam

Nhiều khách hàng góp vốn đặt mua các sản phẩm đất nền tại nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã tiếp tục tìm đến trụ sở tiếp công dân của UBND tỉnh để ‘cầu cứu’ chính quyền địa phương. Ông Lê Văn Thiện trú tại thôn Phú Quý 3, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành và một số người góp vốn, đăng ký nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nền tại dự án Khu đô thị Viêm Minh – Hà Dừa do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Bàn làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Phú Gia Thịnh là đơn vị phân phối.

Ông Thiện đề nghị UBND tỉnh thông tin về tình hình thực hiện dự án, việc nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư và đôn đốc chủ đầu tư sớm triển khai hoàn thành dự án để Nhà nước cấp giấy CNQSD đất cho dự án và lập thủ tục giao đất cho người dân.

“Cởi trói” hạ tầng, bất động sản Long An bứt phá

Nguồn: cafeland.vn

Bài viết cùng chủ đề: