Hình minh họa
Thửa đất 1.000m2 có 15 người cùng đứng tên
Nhiều thửa đất nông nghiệp tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai dù chỉ có diện tích khoảng 1.000m2 nhưng có từ 10 – 15 người cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu. Chuyên gia pháp lý khuyến cáo, hình thức “góp gạo thổi cơm chung” này tuy không bị pháp luật nghiêm cấm nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro cho người mua.
Theo đó, trong hai năm 2021 – 2022, huyện Nhơn Trạch đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gần 200 thửa đất với diện tích 120ha. Huyện này cũng đã giải quyết gần 2.800 hồ sơ tách thửa và chấp thuận cho nhiều người cùng đồng sử dụng trong hơn 830ha. Cá biệt có nhiều lô đất nông nghiệp có diện tích khoảng 1.000m2 nhưng có từ 10 – 15 người cùng đồng sở hữu. Đoàn giám sát đã kiểm tra một số khu đất công nghiệp đã được người dân tách thửa, hiện đã làm đường, san lấp mặt bằng và xây dựng nhà trái phép. Tình trạng nhiều người mua chung và cùng đứng tên đồng sở hữu bất động sản diễn ra khá phổ biến trên thực tế. Thậm chí, đã từng có trường hợp hàng trăm người cùng đứng tên trên một sổ đỏ gây xôn xao dư luận.
Nới room tín dụng có phải là “đũa thần” cho thị trường bất động sản?
Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng được thực hiện trên cơ sở: kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Nhà đầu tư “ôm tiền” chờ giảm giá
Dù dấu hiệu cắt lỗ, thoát hàng đã manh nha trên thị trường Bất động sản, nhưng các nhà đầu tư có kinh nghiệm vẫn cho rằng lúc này chưa phải thời điểm gom hàng mà nên tiếp tục chờ đợt giảm giá sâu hơn. Hơn 4 tháng đăng bán lô đất ở Tây Ninh, chị Bình (TP.HCM) vẫn không tìm được người mua và bắt đầu lo lắng vì khoản nợ còn nhiều mà kinh phí dự phòng đã cạn kiệt.
“Nghe tin lạm phát, bạn bè tôi đổ xô đi mua đất, tôi cũng theo bạn về quê đầu tư. Sau khi mua được lô đất với giá 1,7 tỉ đồng, môi giới khuyên tôi nên nên giữ đất ít nhất 2-3 tháng, chỉ bán khi chênh lệch trên 500 triệu đồng”, chị Bình cho biết. Tháng 4/2022, chị Bình gửi môi giới bán mảnh đất trên với giá 2,3 tỉ đồng thì nhận được câu trả lời “sốt đất” đã đi qua, không hứa hẹn sẽ bán được hàng sớm.
Bất động sản cuối năm: Mở vốn có khơi thông thị trường?
Tín hiệu nới “room” tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước hé mở đang nhận được sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, thị trường Bất động sản vốn coi tín dụng như “mạch máu” đang là lĩnh vực ngóng chờ hơn cả.
Theo Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP. Thủ Đức, không thể phủ nhận những khó khăn do thị trường thiếu nguồn tín dụng trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây chỉ là một ngân nhân bổ sung với những tồn tại trước đó khiến thị trường chững lại là những vướng mắc về pháp lý buộc hàng trăm dự án phải tạm dừng. Quá đó khiến cho giá bán càng cao và chênh lệch cung cầu xảy ra.
Việc ngân hàng sẽ nới “room” là tín hiệu vui với thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, sau khoảng thời gian gián đoạn kênh huy động vốn trái phiếu cũng đã dần được khôi phục trở lại. Nhận định về thị trường những tháng cuối năm, vị Tổng giám đốc này cho biết, sau khi dòng vốn được lưu thông thì thị trường sẽ có cơ hội khôi phục trở lại, tính thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, mức hồi phục sẽ không phải thần tốc mà thị trường sẽ chuyển sang giai đoạn thanh lọc thật sự.
Yêu cầu rút gọn thủ tục, đẩy mạnh xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu
NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VAMC tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu theo Nghị quyết số 42; tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã được phân công tại Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 và các văn bản chỉ đạo của NHNN có liên quan đến việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 42 trong thời gian Nghị quyết được kéo dài.
Đồng thời, tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Chính quyền địa phương, cơ quan công an, thi hành án dân sự, cơ quan thuế, tòa án các cấp và các cơ quan liên quan để thực thi có hiệu quả các chính sách tại Nghị quyết số 42, đặc biệt là các chính sách về thu giữ tài sản đảm bảo (Điều 7), áp dụng thủ tục rút gọn trong tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án (Điều 8), thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12, Điều 15), các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai (Điều 9, Điều 15).
TP.HCM đầu tư 2 bến du thuyền trên sông
Theo báo cáo của Sở GTVT, kế hoạch xây dựng bến tàu khách quốc tế trên sông Nhà Bè với tổng kinh phí hơn 840 tỉ đồng. Cảng được thiết kế để phục vụ tàu có tải trọng đến 60.000GT. Công trình nằm trong dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ (quận 7) do Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư.
Chủ đầu tư đang hoàn thành thủ tục báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tiến tới thi công dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị quy mô 117ha tại phường Phú Thuận (quận 7).
Quy hoạch phát triển cảng hàng không 2021 – 2030: Đầu tư thêm 6 sân bay mới
Một trong những nội dung trọng điểm được được nêu lên là: nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa…) và phương án quy hoạch cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Cụ thể, các tỉnh Ninh Thuận và Đồng Nai đề xuất quy hoạch chuyển đổi mục đích khai thác 2 sân bay quân sự (Thành Sơn và Biên Hòa) thành sân bay dân sự. Theo kiến nghị của các địa phương, Chính phủ đã chỉ đạo lập Tổ công tác nghiên cứu việc chuyển đổi thành sân bay lưỡng dụng và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định trước tháng 9/2022. Đối với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, phương án quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 là 25 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hàng khách/năm; cảng hàng không Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 là 10 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hành khách/năm.
-
Nóng trong tuần: Cảnh báo rủi ro khi đầu tư bất động sản bằng vốn vay
Cẩn thận với “bom nợ” khi vay tiền đầu tư bất động sản; Diễn biến căn hộ cuối năm được dự báo ra sao; Hà Nội nghiên cứu xây dựng thêm sân bay quốc tế; Bình Chánh có tiềm năng gì khi giá đất vượt trăm triệu đồng/m2… là những thông tin nóng trong tuần qua.
Nguồn: cafeland.vn