Sức mua của người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề qua 2 năm đại dịch, lạm phát tăng cao.
MWG: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 19/5, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT Đầu tư Thế Giới Di Động ( HoSE: MWG ) đánh giá tình hình thị trường điện tử, điện máy các tháng cuối năm không mấy khả quan. Trong mùa bán máy lạnh, điều kiện thời tiết có vẻ như không ủng hộ. Sau 2 năm dịch bệnh, dự trữ tiền của người dân có thể đã tiêu dùng gần hết, cùng với nhiều yếu tố bất lợi khác của diễn biến nền kinh tế thế giới.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường JFK, thị trường điện máy quý I tăng trưởng khoảng 10%, thị trường điện thoại tăng 7%, riêng chuỗi Thế Giới Di Động/ Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) tăng lần lượt khoảng 24% và 11%. Như vậy, ông Hiểu Em cho rằng nếu loại bỏ tăng trưởng của TGDĐ/ĐMX thì tăng trưởng của thị trường thấp hơn nữa.
“Do vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, chuỗi TGDĐ/ĐMX phải lấy thêm thị phần”, lãnh đạo MWG khẳng định.
Ông Hiểu Em cho rằng việc này đã được chứng minh trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022. Ví dụ như, sau khi MWG xác định tập trung cho nhãn hàng Apple với chuỗi Topzone, doanh số quý I đạt được 4.300 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả của việc doanh nghiệp tăng tốc lấy thị phần từ thị trường.
MWG đang tiếp tục đầu tư nhiều cho nhãn hàng Apple với mục tiêu năm 2022 doanh số 650 triệu USD và đến 2023 đạt 1 tỷ USD. Lý do tập trung cho Apple được lãnh đạo doanh nghiệp lý giải là cộng đồng người hâm mộ tại Việt Nam rất đông, giá cao và gần như không có nhãn hàng nào cạnh tranh ở phân khúc này. Đồng thời, qua 2 năm đại dịch, hàng xách tay đối với sản phẩm Apple gần như không có là cơ hội cho MWG.
“Không chỉ Apple mà tất cả các nhãn hàng còn lại, TGDĐ cũng đang có chiến lược tập trung gia tăng thị phần từ thị trường”, ông Hiểu Em nói.
Chuỗi TGDĐ/ĐMX tiếp tục mở chuỗi ĐMX Supermini với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng vào cuối năm. Cuối quý II và đầu quý III, đơn vị dự kiến cho ra mắt khoảng 20 trung tâm ĐMX nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp, diện tích trên 3.000 – 5.000 m2. Tương tự như vậy, chuỗi TGDĐ cũng có kế hoạch hướng tới cửa hàng diện tích lớn nhắm tới phân khúc cao cấp, tăng trải nghiệm hình ảnh. Tuy nhiên, ông Hiểu Em cho biết các cửa hàng theo mô hình này không nhiều và tập trung ở các trung tâm thành phố lớn.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT đánh giá yếu tố vĩ mô đang không thuận lợi cho cả các doanh nghiệp bán lẻ lẫn sản xuất. Nguyên nhân là do qua 2 năm đại dịch, sản xuất không bình ổn, tình hình công ăn việc làm của người lao động bất ổn, tiền để dành đã chi tiêu nhiều khiến sức mua giảm. Khi mọi thứ chưa kịp phục hồi thì xảy ra xung đột Nga – Ukraine khiến chi phí đầu vào của ngành nông nghiệp, chăn nuôi tăng quá mạnh khiến giá đầu ra tăng cao, giá xăng tăng kéo theo lạm phát. Nếu cuộc chiến này kéo dài thì ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, cả sức mua lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp.
“Rõ ràng sức mua của người tiêu dùng đã bị sụt giảm. Nhân viên của công ty cũng đang ở trạng thái như vậy. MWG không thể tăng lương cho nhân viên theo đà lạm phát được dù có điều chỉnh. Trước đây cầm trong tay 10 triệu đồng tiền lương có thể mua nhiều thứ nhưng hiện nay mua được ít đi và ảnh hưởng đến hành động của người tiêu dùng rất lớn”, ông Tài nói.
Tương tự như hàng hóa thông thường, hành vi tiêu dùng điện thoại, điện máy của người tiêu dùng cũng thay đổi. “Trước kia, người tiêu dùng có thể đổi điện thoại ào ào nhưng nay phải suy nghĩ, đắn đo và sẵn sàng bỏ qua một đời máy”, theo Chủ tịch MWG.
Ông Tài đánh giá khả năng phục hồi sức mua so với trước dịch bệnh hiện chỉ khoảng 50-70%, minh chứng là lượng người đến các trung tâm thương mại ít đi. Khuynh hướng mua hàng của người tiêu dùng cũng hướng tới đồ rẻ hơn và hạn chế, tức di dời các quyết định mua chưa thực sự cần thiết.
Nguồn: cafef.vn