Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Con số về chuyển đổi số ngành ngân hàng đạt được hiện nay, cách đây vài ba năm tôi không bao giờ nghĩ đến

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng: Con số về chuyển đổi số ngành ngân hàng đạt được hiện nay, cách đây vài ba năm tôi không bao giờ nghĩ đến

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng

Tại Hội thảo Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không tiền mặt diễn ra ngày 17/6, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng chuyển đổi số ngành ngân hàng có tác động tích cực tới tất cả các ngành kinh tế, trong mọi lĩnh vực đời sống.

Nhưng để làm chuyển đổi số cần sự hỗ trợ của tất cả các ngành và các lĩnh vực như an ninh bảo mật, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…”Những con số về chuyển đổi số ngành ngân hàng được nêu mà cách đây vài ba năm tôi không bao giờ nghĩ đến, đó là tỷ lệ người trưởng thành mở tài khoản ngân hàng đạt tới 68%. Ước mơ của tôi là đưa tất cả dịch vụ lên mobile và thực tế tăng trưởng trên mobile đạt tới 90%, nhiều ngân hàng đạt giao dịch trên kênh số đạt 90%, giúp tiết giảm chi phí, phục vụ tốt hơn cho khách hàng”, Phó Thống đốc bày tỏ.

Với những kiến nghị liên quan như làm sao để ngành phát triển được các dữ liệu, phát triển tốt hơn các dịch vụ ngoài dịch vụ thanh toán, Phó thống đốc cho hay các đơn vị trực thuộc nghiên cứu các ý kiến để thực hiện chuyển đổi số tốt hơn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tập trung tháo gỡ về pháp lý, xử lý các khoản vay nhỏ lẻ trên nền tảng công nghệ. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng của số lượng và giao dịch thì phải xây dựng các hạ tầng, bởi với mức tăng trưởng lên tới 80-90% cần có hạ tầng đáp ứng tốt.

Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp và tích hợp giữa hệ thống ngân hàng và các ngành lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Làm được những điều này thì mới gọi là ngân hàng số, thanh toán số.

Đối với vấn đề an ninh an toàn, Phó Thống đốc cho rằng cần phải hết sức quan tâm, vì đi cùng dịch vụ số, thanh toán số là những nguy cơ xảy ra.

Ông Phạm Tiến Dũng cũng khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan truyền thông, bởi người dân không thể tiếp cận được dịch vụ, phát triển dịch vụ nếu không có cơ quan truyền thông, đưa nhiều dịch vụ ngân hàng tới cuộc sống, phục vụ tốt hơn.

Bên cạnh về tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng còn nhiều con số ấn tượng khác cho thấy tăng trưởng rất cao của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo thông tin tại Hội thảo, đã có 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ ngân hàng được mở mới từ xa qua phương thức điện tử (eKYC). Giao dịch chuyển tiền nhanh 247 qua mã VietQR đạt 56.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 45-50% mỗi tháng.

Dịch vụ Mobile Money mới được triển khai không lâu nhưng đã có 1,1 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ, trong đó có gần 660.000 là khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Hoạt động thanh toán điện tử đã tăng mạnh trong 5 năm qua như số lượng giao dịch di động tăng 50-80% hàng năm.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%.

Số lượng và giá trị giao dịch qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

Tính đến nay, cả nước có hơn 110.920 tài khoản tiền gửi cá nhân, đây là các khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán thẻ, QR Code,…

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: