Phó thủ tướng Phạm Bình Minh và 4 bộ trưởng sắp trả lời chất vấn Quốc hội. Một nội dung Quốc hội quan tâm là cơ chế cấp hạn mức tín dụng.
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn, còn kỳ họp giữa năm một Phó thủ tướng sẽ đăng đàn. Kỳ họp thứ ba này Phó thủ tướng Phạm Bình Minh được chọn.
Ngày 01/6, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội chọn 4 trong số 5 nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ ba.
5 nhóm vấn đề gồm: Tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Chịu trách nhiệm trả lời chính là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Thông tin và truyền thông, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Cụ thể, nhóm vấn đề 1 thuộc lĩnh vực tài chính là tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.
Các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Thứ hai là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng. Nội dung cụ thể là tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, việc phối hợp chính sách tài khoá và kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng vĩ mô.
Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại.
Việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay bất động sản, chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.
Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, gồm công tác bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ và khai thác có hiệu quả băng tần, tài nguyên thông tin quốc gia. Việc phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp an ninh thông tin.
Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác.
Công tác xây dựng, triển khai thực hiện các cơ sở dữ liệu quốc gia. Thực trạng và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số.
Nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải: Tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc.
Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.
Cuối cùng là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, gồm: Công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.
Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.
Theo chương trình kỳ họp, phiên họp chất vấn được tổ chức trong thời gian 2,5 ngày (từ chiều ngày 07/6 đến hết ngày 09/6/2022), được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Kênh truyền hình Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hoạt động chất vấn tại kỳ họp này sẽ được tổ chức theo cách thức lấy nhóm vấn đề làm trọng tâm, vấn đề thuộc trách nhiệm cá nhân nào thì người đó có trách nhiệm trả lời.
Về cách thức đặt câu hỏi chất vấn sẽ tiếp tục kế thừa cách thức thực hiện tại các kỳ chất vấn trước “hỏi nhanh, đáp gọn”, mỗi lượt có 3-5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người trả lời chất vấn sẽ trả lời không quá 3 phút/1 chất vấn.
Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Phần này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn; không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tổ chức tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
Người trả lời chất vấn được lưu ý không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn. Các thành viên Chính phủ , các trưởng ngành liên quan tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.
Cuối phiên chất vấn, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ.
Sau hoạt động chất vấn, Quốc hội ban hành nghị quyết để nâng cao hiệu lực thi hành, làm cơ sở giám sát việc thực hiện.
Nguồn: cafef.vn