Tồn kho của các doanh nghiệp phân bón giảm bất chấp giá vẫn neo ở mức cao.
Tồn kho của nhiều doanh nghiệp phân bón lớn giảm
Theo thống kê của Người Đồng Hành trên 11 doanh nghiệp phân bón và hóa chất, tổng giá trị hàng tồn kho tính đến cuối quý I đạt 9.937 tỷ đồng, giảm gần 16% so với đầu năm.
Trong đó, Đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB) ghi nhận giảm mạnh nhất 46,3%, từ 527 tỷ đồng xuống 283 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn như Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) giảm 28% xuống 996 tỷ đồng, Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) giảm 21,6% xuống 2.177 tỷ đồng, Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) giảm 18,2% xuống 2.073 tỷ đồng…
Ngược lại, những đơn vị chuyên kinh doanh phân bón như Phân bón và hóa chất dầu khí Tây Nam Bộ (HNX: PSW) tăng mạnh tồn kho từ 75 tỷ đồng lên 126 tỷ đồng, Phân bón và hóa chất dầu khí miền Bắc (HNX: PMB) tăng từ 51 tỷ lên 142 tỷ đồng hay Phân bón và hóa chất dầu khí miền Trung (HNX: PCE) tăng từ 134 tỷ lên 203 tỷ đồng.
Tồn kho của các doanh nghiệp phân bón giảm trong bối cảnh giá phân bón thế giới tiếp tục tăng cao vì chi phí đầu vào tăng, gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt, các hạn chế xuất khẩu (Trung Quốc).
Giá lưu huỳnh tại Trung Quốc ngày 17/5 giao dịch ở mức 3.956 nhân dân tệ/tấn, tăng 95% so với đầu năm; giá DAP đạt 3.900 nhân dân tệ/tấn, tăng 8% trong vòng 3 tháng; giá ure đạt 3.262 nhân dân tệ/tấn, tăng 28% tính từ đầu năm; giá phot pho vàng biến động khá mạnh, hiện giao dịch vùng 39.000 nhân dân tệ/tấn, tăng 20% trong vòng 3 tháng qua và tương đương vùng giá đầu năm. Giá nhiều loại phân bón trên thế giới như MAP, DAP, KALI… cũng đạt mốc cao nhất mọi thời đại vào giữa tháng 5.
TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết sự biến động giá cả phân bón phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến cuộc xung đột Nga – Ukraine. Do giá dầu tăng cao, cả Nga và Trung Quốc đều kiểm soát xuất khẩu phân bón từ tháng 11/2021. Trung Quốc thực hiện kiểm soát 29 loại phân bón trong khi Nga kiểm soát ở mức vừa phải bằng cách cấp hạn ngạch. Tuy nhiên, kể từ 10/3, xung đột Nga – Ukraine diễn ra thì nước này dừng hẳn việc xuất khẩu phân bón ra thế giới. Theo số liệu năm 2020, Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới trong khi Trung Quốc đứng thứ 2. Riêng với kali, Nga và Belarus chiếm tới 40% lượng cung toàn cầu, cả 2 nước đều đang bị phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế.
Ông Hà dẫn nhận định của nhiều chuyên gia giá dầu sẽ không giảm nhiều nên giá phân bón có thể giảm nhưng vẫn ở mức cao.
Trong khi đó, các tháng đầu năm là thời điểm thấp điểm, nhu cầu phân bón không cao nên giá phân bón trong nước không có nhiều biến động và vẫn được neo ở mức cao. Giá ure duy trì mức 870.000 – 900.000 đồng/bao 50 kg, tăng 57-60% so với cùng kỳ năm trước. Giá DAP đạt 1-1,3 triệu đồng/bao, tăng 70-90% so với cùng kỳ. Giá NPK đạt 850.000 – 880.000 đồng/bao, tăng từ 20-50%.
Nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng cao vào quý II
Trong quý đầu năm, khi nhu cầu trong nước giảm nhưng nhu cầu thế giới cùng giá bán tăng, nhiều doanh nghiệp phân bón đã tranh thủ xuất khẩu đem lại lợi nhuận tăng mạnh. Đạm Phú Mỹ báo lợi nhuận ròng quý I đạt 2.114 tỷ đồng, gấp 12,4 lần cùng kỳ năm trước. Đạm Cà Mau lãi 1.518 tỷ đồng, gấp 10 lần. DAP Vinachem (UPCoM: DDV) lãi 137 tỷ đồng, gấp 3,8 lần.
Theo Chứng khoán KIS Việt Nam, tổng sản lượng tiêu thụ phân bón quý I không đổi so với cùng kỳ năm trước nhưng sản lượng xuất khẩu đạt 510.000 tấn, tăng 47%. Song, từ quý II, nhu cầu phân bón nội địa dự báo tăng cao cho vụ lúa Hè Thu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và cây công nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên do mưa nhiều. Do vậy, các công ty phân bón sẽ khó lòng đẩy mạnh xuất khẩu do phải ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ cuối quý III đến đầu quý IV, các công ty phân bón có thể phục hồi lại sản lượng xuất khẩu.
Mặt khác, tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành phân bón đạt đỉnh mới trong quý I tại mức 31,7%. Giá bán ure trung bình trong quý tăng 99% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 2% so với quý trước. Song, giá gas đầu vào tăng 20% so với quý trước và có xu hướng tiếp tục tăng. Với tốc độ tăng phi mã của giá nguyên liệu đầu vào do căng thẳng chính trị toàn cầu, tỷ suất lợi nhuận gộp của ngành phân bón có thể giảm trong các quý tiếp theo sau khi đạt đỉnh vào quý I. Dù vậy, KIS Việt Nam vẫn cho rằng ngành phân bón hứa hẹn đạt được những kết quả tích cực trong quý II so với cùng kỳ 2021.
Nguồn: cafef.vn