SGI Capital: Đợt điều chỉnh mang tới cơ hội đầu tư với định giá hấp dẫn hàng đầu trong 5 năm trở lại đây

SGI Capital: Đợt điều chỉnh mang tới cơ hội đầu tư với định giá hấp dẫn hàng đầu trong 5 năm trở lại đây

Theo SGI Capital, định giá P/E của thị trường hiện tại là 13,8 và sẽ là 12,5 nếu tính forward tới cuối năm. Và đợt suy giảm này của thị trường đã mang tới một cơ hội đầu tư với mức định giá rẻ hơn 95% thời gian tính trong 5 năm trở lại đây.

Trong báo cáo mới công bố, SGI Capital đánh giá thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 5 đã có biến động rất mạnh khi S&P500 giảm chạm ngưỡng -20% từ đỉnh trước khi phục hồi một phần vào cuối tháng, đưa định giá định giá PE forward về mức trung bình 10 năm là 17.x. Thị trường chứng khoán Trung Quốc và Châu Âu cũng ổn định vào cuối tháng 5, một phần nhờ thông tin gói kích thích kinh tế và thông tin dỡ bỏ phong tỏa tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. 

Trong tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa chịu áp lực giảm đồng pha với thế giới, vừa chịu ảnh hưởng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước và chính sách tiền tệ thận trọng hơn. Kết quả là VN-Index đã có nhịp giảm mạnh về 1156 điểm, -24% từ đỉnh, sau đó là hai tuần hồi phục theo xu hướng tăng trở lại của thị trường toàn cầu cũng như sự cân bằng trở lại của thị trường tài chính trong nước. 

Theo các khảo sát, sự quan tâm của nhà đầu tư hiện tập trung vào hai rủi ro chính là: (1) khả năng lạm phát tiếp tục tăng cao, khiến FED và các NHTW thắt chặt tiền tệ quá mức sẽ (2) đẩy kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu vào suy thoái. 

Kinh tế Việt Nam vẫn trong quá trình phục hồi vững chắc

Theo SGI Capital, sự hồi phục của TTCK vừa qua bắt nguồn từ sự ổn định trở lại của thị trường trái phiếu khi lạm phát Mỹ được đánh giá đang tạo đỉnh từ mốc cao CPI 8,5% trong tháng 3. Giá năng lượng, lương thực và chi phí dịch vụ tiếp tục tăng vẫn đang gây sức ép lên kỳ vọng lạm phát. 

Tuy vậy, một số thành phần quan trọng khác trong rổ tính CPI Mỹ như giá xe, giá thuê nhà, và một số hàng hóa cơ bản, đang nguội bớt, cùng chi phí logistics đang ổn định lại nhờ các tắc nghẽn chuỗi cung ứng dần được khắc phục. Các định chế quốc tế lớn đang dự báo lạm phát tại Mỹ sẽ giảm dần trong nửa cuối năm về quanh 5% và giảm về dưới 3% vào giữa 2022, chủ yếu do hiệu ứng so sánh nền giá cao và sự giảm tốc của nhu cầu. 

Về rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ và toàn cầu, đội ngũ phân tích cho biết  tham khảo các mô hình dự báo có độ tin cậy cao trong quá khứ cũng như rủi ro đổ vỡ từ những khu vực yếu kém nhất trong nền kinh tế. Những dữ liệu dựa trên yield spread của New York Fed và dự báo tỷ lệ phá sản ở nhóm doanh nghiệp yếu kém vẫn đang ở mức an toàn cho thấy khả năng xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới là thấp. 

Theo đó, điều Fed mong muốn và chúng ta sẽ chứng kiến trong những tháng tới là đà tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chậm lại, cùng chiều với lạm phát. Ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, các cảng biển tại Thượng Hải đã quay trở lại 95% công suất thông thường. Chính phủ Trung Quốc và Ngân hàng TW Trung Quốc đều đưa ra những chính sách hỗ trợ với gói chi tiêu đầu tư và hạ lãi suất chính sách (là lãi suất tham chiếu) cho những khoản vay 5 năm. Các chỉ số dự báo nhu cầu tín dụng, nhu cầu sản xuất, đầu tư bắt đầu có tín hiệu phục hồi.

Nhà đầu tư thường đặt ra câu hỏi là quy mô bảng cân đối của FED đã lên tới 9.000 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi sau 2 năm và gấp 3 sau 10 năm liệu có tạo nên bong bóng nợ sẽ xì hơi hay đổ vỡ khi quá trình đảo ngược chính sách tiền tệ xảy ra?

Nhìn từ góc độ lịch sử, hoạt động mua lại tài sản quy mô lớn được NHTW tại Nhật Bản (BoJ) và Châu Âu (ECB) thực hiện ở quy mô lớn không kém so với Fed tính trên giá trị tuyệt đối và lớn hơn rất nhiều lần theo % GDP. Tài sản Fed đang nắm giữ tương đương 38% GDP Mỹ, so với mức 70% của ECB và 135% tại BoJ. Điểm quan trọng hơn trên góc độ rủi ro là phần lớn các đợt QE của Fed giúp giảm tỷ lệ nợ hộ gia đình và lành mạnh bảng cân đối của doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, bên tăng vay nợ lớn nhất chính là Chính phủ Mỹ. 

Đối với kinh tế Việt Nam, đội ngũ phân tích SGI Capital đánh giá nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi vững chắc. Doanh nghiệp mở mới tiếp tục gia tăng nhanh chóng, chi tiêu bán lẻ tăng mạnh, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, kèm theo đó là ngân sách Nhà nước liên tục thặng dư nhờ thuế. 

Điểm trừ chính là giải ngân đầu tư công chậm và hạn mức tín dụng của các ngân hàng chưa được SBV giao thêm tạo nên áp lực thiếu vốn cho nền kinh tế và làm chậm lại vòng quay của tiền trên thị trường tài sản.  Trong tháng 5/2022, VND có nhịp giảm giá dưới áp lực tăng mạnh của USD. Tuy nhiên tính từ đầu năm, VND chỉ mất giá 1,59%, là mức giảm giá trong biên độ kỳ vọng, và tiếp tục thuộc nhóm quốc gia có tỷ giá ổn định trên thế giới. 

Việt Nam là thị trường hiếm hoi được dòng tiền nước ngoài mua ròng mạnh mẽ

Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán giữa tháng 5 vừa qua, VN-Index đã giảm -24% chỉ sau 6 tuần, đưa Việt Nam vào top 3 TTCK giảm mạnh nhất thế giới trong 2022 chỉ sau Hungary và Nga. Trên một nền tảng vĩ mô ổn định, triển vọng tăng trưởng cao của doanh nghiệp, với định giá rất hợp lý, đợt giảm kỷ lục này là hiệu ứng cộng hưởng từ nhiều lý do cả trong và ngoài nước. Nhưng áp lực lớn nhất là dòng tiền ngắn hạn rút khỏi thị trường do ảnh hưởng từ việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp và hoạt động thao túng TTCK. 

SGI Capital cho rằng TTCK Mỹ và toàn cầu đã đi vào vùng quá bán và gần đây nhiều khảo sát cho thấy tỷ lệ tiền mặt trong các quỹ đầu tư toàn cầu và mức độ phòng thủ đã tăng lên cao nhất từ 2009. Do vậy, để các thị trường lớn giảm mạnh qua mức đáy cũ, cần phải có những diễn tiến tiêu cực mới ở mức độ cao hơn, khả dĩ đưa nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái. Còn nếu lạm phát Mỹ đang tạo đỉnh và giảm dần, Fed có thể sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất vào cuối 2022 và chấm dứt hoàn toàn vào giữa năm tới. 

“TTCK luôn đi trước các diễn biến kinh tế và có thể đang phản ánh những lo lắng về lạm phát và rủi ro thắt chặt tiền tệ ở mức độ cao nhất. Khi những tín hiệu của rủi ro lạm phát giảm bớt, dòng tiền sẽ quay trở lại. Nhìn vào thị trường trong nước, chúng tôi tiếp tục lạc quan với kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp cùng với đà phục hồi kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp có nền so sánh thấp trong giai đoạn ảnh hưởng Covid nặng nề trong quý 2 và quý 3/2021”, báo cáo SGI Capital phân tích. 

Tính tới những ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm tăng trưởng toàn cầu, áp lực tăng lãi suất, tỷ giá VND trong những tháng tới, đội ngũ phân tích  tin tưởng vào khả năng các doanh nghiệp trong VN-Index sẽ duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trên 20% cho năm 2022. 

Định giá P/E của thị trường hiện tại là 13,8 và sẽ là 12,5 nếu tính forward tới cuối năm. Và đợt suy giảm này của thị trường đã mang tới một cơ hội đầu tư với mức định giá rẻ hơn 95% thời gian tính trong 5 năm trở lại đây. Những hoạt động chấn chỉnh thị trường tài chính vừa qua có thể đã tạo ảnh hưởng tấm lý ngắn hạn lên nhà đầu tư trong nước, khiến VN-Index giữa tháng 5 đã lọt vào top các thị trường giảm mạnh nhất thế giới. Trong khi đó, TTCK các nước khác trong khu vực như Indonesia, Phillippines, Thái Lan đang duy trì xu hướng tăng dài hạn và hiện chỉ điều chỉnh giảm 3-5% so với đỉnh. 

Theo quan sát của SGI Capital, Việt Nam cũng là thị trường hiếm hoi nhận được dòng tiền nước ngoài mua ròng mạnh mẽ trong hai tháng qua, ngược chiều với áp lực rút vốn khỏi nhiều thị trường khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Những nền tảng vĩ mô vững chắc và triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam là khác biệt và những chính sách giúp thị trường minh bạch hơn chính là điều kiện cần cho thị trường vốn phát triển hiệu quả, hấp dẫn các dòng vốn lớn tiếp tục tìm đến.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: