Lợi nhuận từ đầu tư tài chính của hầu hết doanh nghiệp ngành này đều giảm trong quý I do thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi và lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp.
Với hoạt động kinh doanh đặc thù, các doanh nghiệp bảo hiểm là một trong những đơn vị sở hữu danh mục đầu tư tài chính lớn nhất trong nền kinh tế. Do đó, biến động trên thị trường chứng khoán và tiền tệ gần đây đang có tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của ngành này.
Vào cuối quý I, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) sở hữu danh mục đầu tư tài chính lên tới hơn 158.000 tỷ đồng, chiếm hơn 86% tổng tài sản.
Trong đó, chứng khoán kinh doanh có giá gốc lên tới gần 2.975 tỷ đồng, tăng hơn 133 tỷ so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 1,62% tổng tài sản. Đi sâu vào cấu phần chứng khoán kinh doanh, cổ phiếu niêm yết chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 70%) với giá gốc hơn 2.087 tỷ đồng với các mã chủ lực là VNR, POW, CTG, MBB và VNM.
Báo cáo tài chính cho biết, đến cuối tháng, giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết.của BVH có giá trị thuần hơn 2.059 tỷ đồng, đồng nghĩa tập đoàn này dự phòng lỗ hơn 27,7 tỷ đồng.
Danh mục của BVH còn có 851 tỷ đồng các cổ phiếu niêm yết khác, tăng hơn 4% so với cuối năm 2021 và gần 79 tỷ cổ phiếu chưa niêm yết. Trong đó, các cổ phiếu chưa niêm yết có mức lỗ dự tính lên tới hơn 37,5 tỷ đồng, chủ yếu là khoản dự phòng đối với cổ phiếu MBLand.
Bên cạnh cổ phiếu, doanh nghiệp này còn sở hữu gần 93.400 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và gần 56.400 tỷ trái phiếu. Đây đều là những loại tài sản rất nhạy với biến động của lãi suất.
Với đà sụt giảm của thị trường chứng khoán trong những tháng đầu năm cũng như mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, BVH chỉ thu về khoản lợi nhuận hơn 2.027 tỷ đồng từ đầu tư tài chính trong quý I, tăng không đáng kể so với cùng kỳ 2021 trong khi quy mô danh mục đầu tư bình quân tăng hơn 21% so với cùng kỳ 2021.
Một ông lớn khác trong ngành bảo hiểm là PVI cũng đang nắm giữ danh mục đầu tư tài chính lên tới 11.164 tỷ đồng, chiếm gần 43% tổng tài sản, chưa kể hơn 1.500 tỷ tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng. Trong đó, giá trị cổ phiếu và trái phiếu nắm giữ là gần 1.250 tỷ đồng, tăng hơn 31%. Số còn lại chủ yếu là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu dài hạn.
Hết quý I, PVI thu về 159 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư tài chính, tăng 5% và thấp hơn so với tốc độ mở rộng của danh mục đầu tư bình quân.
Tương tự, Bảo hiểm Bảo Minh (BMI) cũng đang sở hữu danh mục đầu tư tài chính lên tới gần 3.600 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản vào cuối quý I. Trong đó, chủ yếu là các khoản tiền gửi tại ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, cùng với nhiều cổ phiếu trên sàn như NTP, VNM, IMP, HTP,…
Ba tháng đầu năm, lợi nhuận mảng đầu tư của BMI giảm 39% xuống còn chưa đầy 39 tỷ đồng dù quy mô danh mục đầu tư bình quân tăng mạnh.
Tại hầu hết các công ty bảo hiểm khác, dù quy mô danh mục chứng khoán và tiền gửi ngân hàng tiếp tục mở rộng nhưng lợi nhuận đầu tư tài chính đều sụt giảm so với cùng kỳ 2021 như ABI (-3%), PTI (-3%), BVGI (-15%), PGI (-17%), VRE (-54%).
Trong báo cáo phân tích về ngành bảo hiểm mới phát hành, SSI Research cho biết thu nhập từ hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp ngành này đã giảm 5% trong 3 tháng đầu năm do cả lãi suất huy động bình quân thấp hơn và các doanh nghiệp không còn nhiều lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu như trong quý I/2021.
Nhóm phân tích dự báo kết quả lợi nhuận quý II/2022 có thể sẽ không mấy khả quan đối với hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm do diễn biến của thị trường chứng khoán không thuận lợi.
Theo đó, ngoại trừ ABI, tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đều có đầu tư cổ phiếu. Năm 2021, đầu tư cổ phiếu chiếm khoảng từ 2% – 9% tổng danh mục đầu tư và chiếm 10% – 46% lợi nhuận đầu tư. Với việc thị trường chứng khoán sụt giảm so với đầu năm, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể sẽ phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư cổ phiếu làm ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng.
”Mặc dù lãi suất tăng nhưng tỷ lệ bồi thường sẽ quay lại mức bình thường và lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu sẽ không còn thuận lợi như 2021, do đó, chúng tôi duy trì quan điểm là tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ khả quan. Tác động của môi trường tăng lãi suất sẽ thể hiện rõ hơn ở tăng trưởng lợi nhuận năm 2023”, SSI Research đánh giá.
Theo Chứng khoán Rồng Việt, nguồn thu từ đầu tư thường chiếm hơn 70% lợi nhuận của các công ty bảo hiểm và lãi cao từ hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư cổ phiếu và hoàn nhập dự phòng giảm giá đầu tư như năm 2021 sẽ không lặp lại, căn cứ vào bối cảnh thị trường cổ phiếu ảm đạm trong năm nay.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ chỉ tăng nhẹ 0,3 – 0,5 điểm % với các kỳ hạn dưới 1 năm (kỳ hạn gửi tiền phổ biến của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ) theo định hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ trong khi quy mô tiền gửi sẽ tăng tương ứng với quy mô phí bảo hiểm (13-14%).
”Mức tăng về lợi nhuận từ tiền gửi sẽ không đủ lớn để bù đắp cho phần giảm của lợi nhuận từ cổ phiếu. Do đó, lợi nhuận đầu tư cũng sẽ suy giảm trong năm nay’’, VDSC nhận định.
Nguồn: cafef.vn