StockX “ve sầu thoát xác”: Nhà đầu tư thiệt đơn, thiệt kép

Khi ứng dụng StockX bị xóa khỏi kho ứng dụng điện thoại, ứng dụng khác có tên APPE lại xuất hiện. Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng “ve sầu…

Lợi nhuận đâu không thấy, số tiền hơn 1 tỷ đồng đầu tư vào cái gọi là sàn chứng khoán tự xưng StockX sau nhiều tháng không rút được, vừa qua, một người đàn ông tham gia vào ứng dụng tiếp tục mất thêm 300 triệu đồng bởi chiêu trò của ứng dụng.

“Số lãi của em có thể đã lên hơn 600% rồi thì khi rút tiền, nó báo phải nộp phí 30%. Khi nộp tiền phí đó thì nó cũng biến mất luôn”, người tham gia vào ứng dụng StockX cho biết.

Tương tự, một người phụ nữ khác mặc dù đã có kinh nghiệm tham gia thị trường chứng khoán chính thống, nhưng vì bị thua lỗ và mong có thể gỡ gạc số tiền đã mất nên sa bẫy vào lời mời gọi tham gia đầu tư qua StockX kiếm lợi nhuận cao. Tuy nhiên thiệt đơn bây giờ thành thiệt kép.

Lỡ tham gia vào StockX và hơn 1 tỷ đồng đang có nguy cơ mất trắng. Khi nhóm môi giới giới thiệu thêm ứng dụng APPE và yêu cầu chị tham gia để duy trì tài khoản, nếu không sẽ bị xóa và mất hết số tiền trước đó. Dù thấy bất thường, nhưng chị vẫn quyết định nộp thêm tiền để mong chờ sự may mắn.

“Kiểu đâm lao phải theo lao, lúc đấy không biết bấu víu vào đâu, cũng nghĩ đến cuối kỳ mới có thể rút được tiền”, người tham gia vào ứng dụng StockX chia sẻ.

Theo các chuyên gia, đây là chiêu trò của nhóm lừa đảo, ép buộc người tham gia rơi vào nạn nhân kép, vừa mất tiền đầu tư ban đầu, nay lại mất tiền phí. Bởi các sàn chứng khoán chính thống không bao giờ bắt nhà đầu tư phải nộp tiền vào để rút tiền ra.

“Tôi cho rằng giao dịch mua bán của nhà đầu tư trên app này thì lệnh của nhà đầu tư không đẩy vào thị trường mà chỉ giao dịch với thông tin của app này. Thậm chí, chủ sàn có thể mua bán khớp lệnh của nhà đầu tư nên rủi ro rất lớn”, ông Lưu Chí Kháng, Công ty cổ phần chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, đánh giá.

Theo chuyên gia công nghệ, những ứng dụng trên được xây dựng mô phỏng các sàn chứng khoán. Tuy nhiên các ứng dụng này không có quan hệ hay kết nối với các sàn chứng khoán chính thống. Mã nguồn các phần mền này cũng được rao bán công khai với độ hoàn thiện lên đến 90% nên các đối tượng xấu đã lợi dụng để lừa đảo

“Những sàn giao dịch trên thế giới là thông số khách quan, lấy từ các nguồn giao dịch. Trong khi sàn lừa đảo này, những kẻ đứng sau hoàn toàn có quyền quản trị để thay đổi và thao đứng được”, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty CP An toàn thông tin Cyradar, cho hay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu như trước đây các phần mềm lừa đảo dạng này thường được mô phỏng theo các sàn chứng khoán, ngoại hối quốc tế thì nay vỏ bọc lại được tạo dựng dựa trên mô hình sàn chứng khoán nội địa, vừa là chiêu trò mới, vừa bắt theo xu hướng người dân ngày càng quan tâm đến chứng khoán trong nước.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: