Số tài khoản mở mới giảm mạnh trong bối cảnh thanh khoản thị trường cũng xuống đáy trong tháng 7 vừa qua với giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE chỉ còn khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên, thấp nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 199.128 tài khoản chứng khoán trong tháng 7, giảm 57% so với tháng trước. Đây là lần thứ 2 số tài khoản mở mới trong nước xuống dưới 200.000 đơn vị, lần gần nhất là vào tháng 2/2022 thời điểm trùng với dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày.
Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục là nòng cốt khi mở mới 198.988 tài khoản bên cạnh 140 tài khoản đến từ nhà đầu tư tổ chức. Mặt khác, trong tháng 7 vừa qua, nhà đầu tư cá nhân trong nước còn đóng 3.279 tài khoản. Tính đến cuối kỳ, số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 6,3 triệu tài khoản. Lũy kế 7 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 2 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số cả năm 2021 (1,53 triệu tài khoản).
Cùng với lượng tài khoản mở mới giảm mạnh, giao dịch trên thị trường cũng ảm đạm hơn trong tháng 7 vừa qua. Thanh khoản bình quân của 3 sàn giảm 24% so với tháng trước và giảm 45,7% so với cùng kỳ xuống còn 13.444 tỷ đồng. Trong đó, riêng giá trị khớp lệnh trên HoSE đã xuống sát ngưỡng 10.000 tỷ đồng/phiên, thấp nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Thanh khoản thị trường suy giảm có thể do hoạt động tín dụng bị dần chặt hơn, đặc biệt đối với một số lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán. Các nhà đầu tư cũng giảm tỷ trọng vay ký quỹ một cách triệt để nhằm tránh rủi ro bị ép bán trong bối cảnh thị trường không thuận lợi. Dư nợ margin trên toàn thị trường thời điểm 30/6 ước tính đã giảm khoảng 42.000 tỷ so với cuối quý 1 xuống còn khoảng 140.000 tỷ đồng.
Trái với sự hạ nhiệt của làn sóng nhà đầu tư trong nước, khối ngoại lại rất tích cực trong tháng 7 với 434 tài khoản được mở mới, tăng mạnh so với tháng trước và là con số cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Dù vậy, nhà đầu tư nước nước ngoài lại bất ngờ quay đầu bán ròng 1.000 tỷ đồng trong đó riêng giá trị bán ròng trên HoSE vào khoảng hơn 400 tỷ đồng. Trước đó, khối ngoại đã mua ròng liên tục trong 3 tháng của quý 2 với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng.
Thanh khoản xuống đáy trong tháng 7 cùng động thái bán ròng từ phía khối ngoại có thể đến từ tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư trước quyết định quan trọng của Fed trong kỳ họp vào cuối tháng 7. Việc tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % không nằm ngoài dự báo trước đó kèm theo những động thái cho thấy khả năng giảm tốc độ siết chặt tiền tệ đã hỗ trợ tích cực đến tâm lý thị trường.
Thực tế, trong 3 phiên đầu tháng 8, thanh khoản thị trường đã được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước với giá trị khớp lệnh trên HoSE duy trì trên mức 15.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối ngoại liên tục mua ròng hàng trăm tỷ đồng mỗi phiên cũng phần nào củng cố niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng của thị trường chứng khoán.
Nguồn: cafef.vn