Theo lãnh đạo các nhà băng, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như ”cơn khát sau trận hạn hán”, nên tăng rất nhanh. Với ”room” tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 20/6/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 8,51% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 5,47%); tổng phương tiện thanh toán tăng 3,3% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,48%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,97% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%).
Trước đó, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2022, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.
Mặc dù, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước nhưng tốc độ tăng đã có dấu hiệu chậm lại trong quý II (5,97% tới cuối tháng 3; 6,75% tới cuối tháng 4; 8,04% tới cuối tháng 5; 8,15% tính đến ngày 9/6). Trước đó, sự mở rộng nhanh chóng của tín dụng trong quý I đã khiến nhiều ngân hàng tiệm cận trần hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).
Theo lãnh đạo các nhà băng, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm Covid giống như ”cơn khát sau trận hạn hán”, nên tăng rất nhanh. Với ”room” tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện nhiều nhà băng đã đề nghị NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng một cách phù hợp để các ngân hàng tham gia hỗ trợ khách hàng.
Năm 2022, nhiều tổ chức phân tích ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức cao hơn khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Do vậy, các ngân hàng cũng sẽ được cấp ”room” tín dụng nhiều hơn nhằm tạo điều kiện mở rộng cho vay, hỗ trợ khách hàng. Trong đó, những nhà băng tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém như Vietcombank và MB sẽ có cơ hội tăng trưởng ở mức rất cao.
Trả lời về đề xuất nới ”room” tín dụng của các ngân hàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay từ khi phân bổ hạn mức tín dụng kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát.
“Tăng trưởng tín dụng nóng dẫn đến kiểm soát lạm phát khó khăn. Ngược lại, thắt chặt tín dụng thì không thể tăng trưởng kinh tế. Do vậy, room tín dụng phải giải quyết thỏa đáng”, ông Tú cũng cho biết thêm: ”Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Và cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện”.
Nguồn: cafef.vn