Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 của ngân hàng ở mức thấp chỉ 0,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160,8%.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank – TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm 2022 đạt 6,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 23,0% so với cùng kỳ năm trước).
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý 1 năm 2022 tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 10,1 nghìn tỷ đồng, dẫn dắt bởi sự tăng trưởng ở cả thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi. Trong đó, thu nhập từ lãi đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ danh mục tín dụng được mở rộng và biên lãi thuần (NIM) ổn định.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,1%, đạt 2,0 nghìn tỷ đồng, với sự đóng góp của thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) và thu từ thư tín dụng (LC), tiền & các khoản thanh toán tăng lần lượt 35,3% và 55,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đạt 1,1 nghìn tỷ nhờ phí từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu tăng 132,5% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 41,0%. Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ với tập khách hàng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,7% với chi phí hoạt động tăng 21,3% so với cùng kỳ. Ngân hàng cho biết, chi phí hoạt động tăng chủ yếu do các khoản đầu tư vào công nghệ và hội sở mới (D’Capitale) để mở rộng kinh doanh, làm gia tăng chi phí khấu hao. Chi phí tư vấn (trong chi phí khác) tăng để hỗ trợ cho việc ra các quyết định chiến lược của ngân hàng.
Chi phí dự phòng giảm đáng kể, giảm 74,3% so với cùng kỳ năm trước, do nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, dẫn đến việc trích lập dự phòng thấp hơn, hoặc một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.
Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản Techcombank đạt 615,3 nghìn tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý 1 năm 2022 đạt 418,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2021. Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 171,6 nghìn tỷ đồng.
Tổng tiền gửi cuối quý 1/2022 là 328,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 165,7 nghìn tỷ đồng, duy trì tỷ lệ CASA cao ở mức 50,4%, không thay đổi so với quý 4 năm 2021. Trong đó, CASA của khách hàng cá nhân đóng góp 107,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8%.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 của ngân hàng ở mức 0,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160,8%. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 1,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng dư nợ, thấp hơn mức 1,9 nghìn tỷ đồng ở cuối năm 2021.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15,1% cuối quý 1 năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và nhích nhẹ so với cuối năm 2021.
Trong quý 1 năm 2022, Techcombank đã thu hút thêm hơn 0,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên hơn 9,8 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 1 năm 2022 lần lượt đạt 194,6 triệu giao dịch (tăng 42,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2,7 triệu tỷ đồng (tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái).
Sự kiện:
Lợi nhuận ngân hàng quý 1/2022
Xem tất cả >>
- Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng trong quý 1/2022, CASA vẫn cao kỷ lục
- Lợi nhuận trước thuế TPBank quý 1/2022 đạt hơn 1.600 tỷ, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng vọt
- Lợi nhuận Ngân hàng Bản Việt tăng 14% trong quý 1, ngân hàng số tiếp tục hút mạnh người dùng
- Thu lớn từ kinh doanh ngoại hối, ABBank lãi hơn 570 tỷ trong quý I
- LienVietPostBank lãi trước thuế gần 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2022
Nguồn: cafef.vn