Thanh long Việt Nam có chỗ đứng vững chắc ở thị trường tỷ dân

Thanh long Việt Nam có chỗ đứng vững chắc ở thị trường tỷ dân

Giá thanh long ruột đỏ Việt Nam được bán tại siêu thị cao hơn nhiều so với thanh long Trung Quốc, nhưng vẫn được người tiêu dùng nước bạn ưa chuộng.

Thanh long Việt Nam có giá cao hơn thanh long nội địa

Trong 1 tuần trở lại đây, nhiều cửa khẩu với Trung Quốc đã khôi phục thông quan hàng hóa trở lại, trong đó có cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) và mới đây là 2 cửa khẩu ở Quảng Ninh đã chính thức được mở cửa trở lại sau 2 tháng bị tạm dừng do COVID-19. Việc này có ý nghĩa quan trọng đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Hiện nay đối với nông sản nhất là hoa quả tươi của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu qua các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma của Lạng Sơn. Năng lực thông quan của các cửa khẩu đã được cải thiện hơn nhiều so với tháng trước. Hôm qua (28/4), lượng xe từ Việt Nam được thông quan là hơn 130 xe, trong đó chủ yếu là xe trái cây với hơn 100 xe.

Nhờ bộ phận thông quan làm việc 24/7, duy trì trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc, nên khả năng thông quan 130 -150 xe/ngày như hiện nay có thể nói là đã được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, hiện Lạng Sơn vẫn còn khoảng 700 xe trái cây, trong đó có thanh long đang chờ xuất tại cửa khẩu.

3 tháng đầu năm, do tắc biên, do dịch bệnh, giá trị xuất khẩu rau quả xuất sang Trung Quốc giảm hơn 25% khiến nhiều loại trái cây chủ lực như thanh long, mít, dưa hấu lao đao.

Vừa bị ảnh hưởng bởi quản lý dịch bệnh nghiêm ngặt, vừa bị áp thêm các quy định mới về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu và các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm mới nên sản lượng thanh long sang Trung Quốc ngày càng ít.

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng từ đường bộ sang xuất bằng đường biển để tránh tắc biên. Tuy nhiên, điều này cũng không dễ bởi chi phí vận tải biển tăng cao, quá trình thông quan kéo dài khi gần đây phía Trung Quốc phát hiện một vài mẫu nhiễm COVID-19 trên bao bì.

Lâu nay, 98% thanh long nhập khẩu của Trung Quốc là thanh long Việt Nam, chỉ một ít là nhập từ Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước. Thanh long Trung Quốc không ngọt và mát bằng thanh long Việt Nam do thanh long của nước ta được trồng vùng nhiệt đới, nắng nhiều, thổ nhưỡng thích hợp.

Người dân Trung Quốc cũng rất thích ăn thanh long Việt Nam. Thanh long ruột đỏ Việt Nam hiện bán tại hệ thống siêu thị Hema từ 35 – 45 Nhân dân tệ, tương đương 130.000 – 165.000 đồng/1 kg, của Trung Quốc từ 95.000 – 105.000 đồng/1 kg. Còn tại các chợ tại Quảng Châu khoảng 50.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ Việt Nam.

Tại siêu thị, thanh long Việt Nam giá cao gấp 2 – 3 lần nếu đạt chuẩn so với thanh long nội địa. Còn cạnh tranh ngoài chợ, thanh long Việt Nam sẽ khó khăn hơn bởi giá thanh long nội địa ngày càng rẻ và có quanh năm. Hiện nay, Trung Quốc trồng khoảng gần 36.000 ha.

Các chuyên gia cho rằng trái thanh long Việt Nam vẫn tiếp tục có chỗ đứng vững chắc ở thị trường tỷ dân, nếu đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, xuất xứ hàng hóa, tiến sâu vào hệ thống siêu thị và các nền tảng thương mại điện tử.

Duy trì sản xuất thanh long đợi thị trường khởi sắc

Giá thanh long ruột đỏ Việt Nam được bán tại siêu thị cao hơn nhiều so với Thanh long Trung Quốc, nhưng vẫn được người tiêu dùng nước bạn ưa chuộng. Đây cũng là điều giúp người nông dân có thể tự tin hơn và việc thời gian này lượng hàng sang Trung Quốc còn ít do các biện pháp phòng chống dịch ở cửa khẩu. Tuy nhiên, trong lúc chờ tình hình trở lại bình thường cũng cần có những giải pháp thay thế.

Ở thủ phủ thanh long của cả nước là tỉnh Bình Thuận, rà soát bước đầu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, diện tích thanh long ở tỉnh này đã giảm hơn 900 ha. Tuy nhiên, trong khi một số hộ vội chặt bỏ thanh long, cũng có nhiều nông dân không đồng thuận với cách làm này. Một số hộ học cách thích ứng linh hoạt để tồn tại qua thời điểm khó khăn, tin tưởng chờ đợi thị trường khởi sắc trở lại

Với 9 ha thanh long, sau 5 đợt chong đèn nghịch vụ bị thất thu hơn 1 tỷ đồng, Trang trại Thanh long Sông Thiên, xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận đã rút kinh nghiệm tiết giảm một số chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất, có sản phẩm bán ra thị trường.

Có 2.200 trụ thanh long, nhờ áp dụng các biện pháp linh hoạt 3 giảm: giảm thuê công lao động; giảm đầu tư phân bón và giảm đợt xử lý nghịch vụ nên ông Triểm (xã Thuận Quý, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) không thua lỗ nhiều như một số hộ khác. Cách thức xoay trở linh hoạt trong thời điểm giá cả thanh long giảm sâu được chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng.

Xã Thuận Quý không có diện tích thanh long phá bỏ, mà chỉ có chuyển đổi 20 ha thanh long ruột trắng sang trồng thanh long ruột đỏ. Hiện tại, địa phương vẫn duy trì sản xuất 580 ha thanh long, trong đó gần 90% canh tác theo tiêu chuẩn VietGap. Đây là địa phương dẫn đầu trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung về thực hiện tốt sản xuất thanh long VietGAP để xuất khẩu.

Song song với việc duy trì sản xuất, việc tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn ở vùng trồng, tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện chuẩn hóa chất lượng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đang đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định của thị trường nhập khẩu. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu là những giải pháp đang được đưa ra lúc này với quả thanh long.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: