Về triển vọng tăng trưởng, MBS đánh giá cao tiềm năng các ngành kinh tế như bất động sản, điện và sản xuất điện, dầu khí, bán lẻ, dệt may…
Sau khoảng thời gian điều chỉnh mạnh, thị trường chứng khoán đã dần có những dấu hiệu ổn định trở lại. Tuy nhiên, khi môi trường vĩ mô tại thời điểm hiện tại không còn được đẹp như năm 2021, liệu rằng nhà đầu tư có phải đối diện với một cuộc suy thoái hay không? Trao đổi tại hội thảo MBS’s Talk 22, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS cho rằng tuy nền kinh tế có khó khăn, tăng trưởng có suy giảm nhưng sẽ không có cuộc suy thoái nào diễn ra.
Bởi, nhà đầu tư cần nhìn vào khu vực có tầm ảnh hưởng trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc hay Euro Zone. Đối với Mỹ, mức tăng trưởng có sự suy giảm nhưng thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Bối cảnh hiện nay tại Mỹ với các mặt hàng hàng hoá cơ bản vẫn gia tăng chứng tỏ nhu cầu vẫn rất tốt. Bên cạnh đó, Trung Quốc với chính sách Zero Covid khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thời gian qua, mức tăng trưởng thấp 4-4,5% và đang có dấu hiệu chuyển biến, nới lỏng. Ngoài ra, các ngân hàng Trung ương Châu Âu cũng chưa có tiền lệ gia tăng xu hướng thắt chặt tiền tệ.
Xét bức tranh kinh tế Việt Nam, kinh tế trưởng MBS đánh giá rằng môi trường kinh tế vĩ mô nước ta hiện đang tương đối hài hoà. Lạm phát duy trì quanh mức 4% trong khi mức tăng trưởng kinh tế mở cửa trở lại tới 6%.
Hơn nữa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất năm nay có kết quả kinh doanh Quý 1 cực kỳ tốt, phản ánh vào nền kinh tế ở thời điểm hiện tại. Không chỉ vậy, chuyên gia còn cho biết lãi suất tại thời điểm hiện nay thấp hơn đáng kể so với tình hình trước Covid năm 2019. “Mặc dù môi trường vĩ mô của Việt Nam vẫn rất tươi sáng, ổn định, chúng ta vẫn cần cẩn thận, chọn lọc hơn trong hoạt động đầu tư” ông quan điểm.
Trên cơ sở phân tích bức tranh kinh tế thế giới và Việt Nam, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Nghiên cứu KHCN MBS lạc quan với kịch bản tích cực. Cụ thể, mức đáy của VN-Index có thể là vùng 1.150 – chân sóng C và hướng tới mức cao nhất 1.350 điểm và các đáy dần đều lên. “Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý thời điểm này chiến lược phòng thủ vẫn cần được ưu tiên khi không thể mua cao bán cao hơn. Do đó, kế hoạch phù hợp trong nửa cuối năm là bán ở vùng kháng cự cao, mua khi thị trường quay về ngưỡng hỗ trợ mạnh“, ông Sơn đưa ra nhận định.
Về triển vọng tăng trưởng, MBS đánh giá cao tiềm năng các ngành kinh tế như bất động sản, điện và sản xuất điện, dầu khí, bán lẻ, dệt may… Theo đó, 18 mã cổ phiếu được khuyến nghị và được cho là cơ hội đầu tư tốt nhất 2022.
Tại nhóm ngành Bất động sản cụ thể ở phân khúc nhà ở và chung cư, MBS khuyến nghị 2 mã cổ phiếu là HDG, NLG. BĐS nhà ở và chung cư hấp dẫn nhà đầu tư bất chấp dịch bệnh khi tỷ trọng FDI ổn định qua các năm. Lãi suất vay mua nhà có tăng lên song vẫn duy trì ở mức thấp thấp giúp gia tăng nhu cầu mua nhà. Đồng thời, phát triển cơ sở hạ tầng là động lực cho BĐS năm 2022 – 2025.
Đối với phân khúc BĐS KCN, MBS chỉ ra rằng tỷ lệ lắp đầy cao do nguồn cung mới hạn chế, giá thuê đất trung bình tiếp tục tăng trong năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19. Thương mại điện tử bùng nổ, yêu cầu hàng tồn kho tăng thúc đẩy nhu cầu đất KCN cho các dịch vụ kho bãi. Theo đó, 2 mã được quan tâm nhất là SZC, IDV,
Tiếp theo, nhóm ngân hàng với 4 cái tên nằm trong top cơ hội đầu tư: VIB, MBB, HDB, VCB. Các chuyên gia phân tích rằng nhiều yếu tố vĩ mô thuận lợi như nền kinh tế đang phát triển nhanh, thị trường tiêu thụ lớn, nguồn vốn FDI dồi dào, tình hình chính trị ổn định, tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do,… giúp nền kinh tế và ngành ngân hàng tiếp đà tăng trưởng cao sau sự gián đoạn bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, NIM tiếp tục được kỳ vọng sẽ gia tăng trong năm 2022 khi mà NHNN tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm duy trì lãi suất thấp. Đồng thời việc hỗ trợ giảm lãi suất cho vay sẽ dần được giảm lại, cùng với hạn mức tín dụng được nâng lên nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Điều này sẽ giúp bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022 sẽ càng khả quan hơn.
Đáng chú ý, MBS cũng đánh giá cao triển vọng tươi sáng của ngành điện và sản xuất điện khi nhu cầu tiếp tục tăng lên cùng tăng trưởng kinh tế trong năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất tăng 6,2% trong khi điện thương phẩm tăng 6,3% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng điện năng lượng tái tạo có mức tăng trưởng cao nhất với 38%, trong khi thủy điện cũng tăng tốt với 21%, tốt hơn dự báo ban đầu về nguồn nước hạn chế. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đưa ra Top 4 mã cổ phiếu khuyến nghị POW, REE, QTP, PC1.
Nguồn: cafef.vn