Thị trường không thuận lợi, loạt doanh nghiệp “tay ngang” mang tiền đầu tư chứng khoán ngậm ngùi ôm lỗ

Thị trường không thuận lợi, loạt doanh nghiệp “tay ngang” mang tiền đầu tư chứng khoán ngậm ngùi ôm lỗ

Thị trường chứng khoán có những đặc thù riêng với nhiều biến động mạnh và khó lường. Do đó, kiếm lời từ kênh đầu tư này chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp tay ngang.

L14: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam

Giá hiện tại
39.9
Thay đổi

Xem hồ sơ doanh nghiệp

Thị trường biến động không thuận lợi trong quý 2 khiến các quỹ đầu tư cũng như công ty chứng khoán gặp nhiều khó khăn. Do đó, những doanh nghiệp “tay ngang” mang tiền đầu tư chứng khoán nhưng kém hiệu quả là điều không quá bất ngờ. Nhiều cái tên thậm chí đã thua lỗ nặng trong đó điển hình phải kể đến “tay chơi” mới Licogi 14 (mã L14).

Sau khi bơm thêm 214 tỷ đồng đầu tư chứng khoán trong quý đầu năm, giá trị khoản mục chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 đã giảm nhẹ xuống còn gần 689 tỷ đồng vào cuối quý 2. Đáng chú ý, doanh nghiệp này đã phải trích lập dự phòng giảm giá lên đến 380 tỷ đồng trong khi thời điểm cuối quý 1 con số này mới chỉ gần 5 tỷ đồng.

Công ty không có thuyết minh cụ thể tại thời điểm 30/6 tuy nhiên không loại trừ khả năng danh mục đầu tư của Licogi 14 vẫn có 2 cổ phiếu “đình đám” CEO của CEO Group và DIG của DIC Corp. BCTC kiểm toán năm 2021 cho thấy Licogi 14 tạm ghi lãi 239 tỷ đồng với CEO và 91 tỷ đồng với DIG thời điểm 31/12/2021. Tuy nhiên, nếu vẫn nắm giữ đến thời điểm hiện tại, 2 khoản đầu tư trên đảo chiều lỗ cũng không quá bất ngờ khi chỉ riêng trong quý 2 cổ phiếu DIG đã giảm 62%, còn CEO cũng giảm 59%.

Được biết đến là doanh nghiệp bất động sản, nhưng tăng trưởng lợi nhuận chính cho L14 trong năm 2021 lại đến từ hoạt động tài chính với trọng tâm là khoản đầu tư chứng khoán. Thế nhưng, cục diện đã đảo chiều nhanh chóng khi thị trường gặp sóng gió, cổ phiếu đầu tư giảm giá mạnh khiến Licogi 14 lỗ kỷ lục 238 tỷ đồng.

Có kinh nghiệm hơn sau nhiều năm “phiêu lưu” với chứng khoán nhưng kết quả đầu tư quý 2 của Nhà Đà Nẵng (mã NDN) cũng không khả quan là mấy. Trong kỳ, lãi từ đầu tư chứng khoán giảm mạnh từ 72,9 tỷ đồng cùng kỳ xuống còn 14,2 tỷ đồng. Ngược lại, công ty phải tăng trích lập dự phòng giảm giá thêm hơn 68 tỷ và lỗ đầu tư chứng khoán gần 40 tỷ đồng.

Thời điểm cuối quý 2, giá trị đầu tư chứng khoán của Nhà Đà Nẵng đạt 310,6 tỷ đồng và tạm lỗ 90,5 tỷ đồng. Danh mục cổ phiếu đầu tư dài không kém gì tự doanh của CTCK trong đó đáng chú ý có khoản 124,1 tỷ đồng rót vào cổ phiếu SHB đang phải trích lập dự phòng 46,4 tỷ đồng; khoản 88,8 tỷ đồng đổ vào cổ phiếu VHM và trích lập dự phòng 17,8 tỷ đồng; khoản 59,2 tỷ đồng mua cổ phiếu TCB và trích lập dự phòng 18,3 tỷ đồng…

Đầu tư chứng khoán thua lỗ trong khi hoạt động lĩnh vực cốt lõi gần như “nằm bất động” khiến Nhà Đà Nẵng lỗ ròng kỷ lục 114,3 tỷ đồng trong quý 2. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp bất động sản này thua lỗ kể từ khi lên sàn tháng 4/2011.

Không đến mức thua lỗ nặng nhưng lợi nhuận quý 2 của Hóa An (mã DHA) cũng giảm đến 92% so với cùng kỳ xuống còn vỏn vẹn 1,7 tỷ đồng do đầu tư chứng khoán. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm chủ yếu đến từ chi phí tài chính tăng cao do trích lập dự phòng cổ phiếu HPG (hơn 20 tỷ đồng) trong khi lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh chính là khai thác khoáng sản chỉ ở mức 23,6 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá trị khoản chứng khoán kinh doanh của DHA lại tăng mạnh từ mức 36,9 tỷ đồng cuối quý 1 lên 86,3 tỷ đồng vào cuối quý 2 chủ yếu do “bắt đáy” lượng lớn cổ phiếu HPG. Theo thuyết minh, chỉ riêng trong quý 2, doanh nghiệp này đã mua thêm gần 2 triệu cổ phiếu HPG để nâng sở hữu lên 2,54 triệu đơn vị.

Tương tự, dù chỉ là “nghề tay trái” theo đúng nghĩa, Vĩnh hoàn (mã VHC) cũng tạm lỗ gần 63 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán tại thời điểm 30/6. “Nữ hoàng cá tra” đã liên tục tăng giá trị danh mục đầu tư chứng khoán từ 80 tỷ đầu năm lên 145 tỷ đồng vào cuối quý 1 và gần 200 tỷ vào cuối quý 2/2022.

Trong quý vừa qua, Vĩnh Hoàn đã rót 40 tỷ mua mới cổ phiếu KBC của Đô thị Kinh Bắc và tạm lỗ 17,7 tỷ đồng tính đến 30/6. Doanh nghiệp này tăng mạnh khoản đầu tư vào cổ phiếu NLG của Nam Long từ 24 tỷ lệ 69 tỷ đồng, tạm lỗ gần 24 tỷ đồng trong khi tiếp tục duy trì khoản đầu tư 53,2 tỷ đồng vào cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services và cũng tạm lỗ 35,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh chính là cá tra và các sản phẩm từ cá tra khởi sắc đã giúp Vĩnh Hoàn tạm quên đi khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán. Sản lượng và giá bán đều tăng đẩy doanh thu tăng 80% và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ gấp 3 lần lên mức 784 tỷ đồng. Đây là mức lãi cao nhất tính theo quý của Vĩnh Hoàng kể từ khi niêm yết.

Thị trường chứng khoán phát triển khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp (không chỉ có tự doanh công ty chứng khoán) hứng thú với đầu tư cổ phiếu. Có những doanh nghiệp tay ngang mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư kiếm lời ngắn hạn nhưng cũng có không ít cái tên gần như chấp nhận rời xa lĩnh vực cốt lõi để rẽ hẳn sang hướng đầu tư tài chính.

Hướng đi này trên thế giới cũng đã có những tấm gương thành công điển hình như trường hợp của “gã khổng lồ” Berkshire Hathaway trong tay nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán có những đặc thù riêng với nhiều biến động mạnh và khó lường. Do đó, kiếm lời từ kênh đầu tư này chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với các doanh nghiệp tay ngang.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: