Chốt phiên giao dịch 9/5 việc phong tỏa chặt chẽ vì Covid-19 tại Trung Quốc cùng với sự tăng giá của USD khiến hàng hóa đồng loạt lao dốc.
Dầu giảm khoảng 6%
Giá dầu giảm khoảng 6% cùng với chứng khoán do việc tiếp tục phong tỏa tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, làm dấy lên lo lắng về triển vọng nhu cầu.
Chốt phiên 9/5, giá dầu Brent giảm 6,45 USD hay 5,7% xuống 105,94 USD/thùng. Dầu WTI giảm 6,68 USD hay 6,1% xuống 103,09 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đã tăng khoảng 35% từ đầu năm tới nay.
Các thị trường tài chính toàn cầu hoảng sợ bởi lo ngại về việc tăng lãi suất và lo lắng về suy thoái bởi việc phong tỏa Covid-19 ở Trung Quốc thắt chặt hơn khiến tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế số hai thế giới chậm lại trong tháng 4.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng nhập khẩu tháng 4 tăng gần 7%.
Trong tháng 4, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Iran đã rời mức đỉnh được thấy vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022 do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu độc lập suy yếu bởi việc phong tỏa và do nhập khẩu dầu từ Nga tăng lên.
Chỉ số chứng khoán Phố Wall giảm và USD đạt cao nhất trong hai thập kỷ khiến dầu đắt hơn cho người mua bằng đồng tiền khác.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã giảm giá dầu thô bán sang Châu Á và Châu Âu trong tháng 6.
Tại Nga, phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết sản lượng dầu của nước này tăng trong đầu tháng 5 so với tháng trước và sản lượng đã ổn định sau khi sản lượng giảm trong tháng 4 do các nước Phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt về xung đột tại Ukraine.
Tuần trước, Ủy ban Châu Âu đề xuất một lệnh cấm vận dầu thô của Nga theo từng giai đoạn, khiến giá dầu Brent và WTI tăng tuần thứ hai liên tiếp. Đề xuất này cần Ủy ban Châu Âu bỏ phiếu để thông qua trong tuần này.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết nước này về nguyên tắc sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.
Vàng tiếp tục giảm
Giá vàng giảm hơn 1% do USD gần mức cao nhất trong hai thập kỷ làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Vàng giao ngay giảm 1,4% xuống 1.856,26 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 1,3% xuống 1.858,6 USD/ounce.
USD gần mức cao nhất trong hai thập kỷ khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng đồng tiền khác. Trong khi đó lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đi xuống sau khi đạt mức cao mới trong 3,5 năm cũng trong phiên này.
Kim loại công nghiệp giảm
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2021 và các kim loại khác cũng giảm do những hạn chế về Covid-19 tại Trung Quốc và lo sợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn làm giảm triển vọng nhu cầu.
Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,9% xuống 9.232 USD/tấn. Kim loại này đã giảm 15% kể từ mức cao kỷ lục 10.845 USD/tấn hồi tháng 3, khi các nhà đầu tư dự kiến nhu cầu mạnh và lo sợ xung đột tại Ukraine sẽ làm giảm nguồn cung kim loại này từ Nga.
Việc phong tỏa tại Trung Quốc, tăng lãi suất tại Mỹ và những nơi khác, USD mạnh lên đã gây áp lực cho giá đồng, theo nhà phân tích Jens Pedersen tại Ngân hàng Danke. Ông bổ sung thêm những kích thích kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể khôi phục giá kim loại.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 chậm lại, xuống một con số, thấp nhất trong hai năm, trong khi nhập khẩu hầu như không đổi. Nhập khẩu đồng giảm 4% so với cùng tháng năm trước.
Một khảo sát cho thấy tâm lý nhà đầu tư tại khu vực eurozone giảm trong tháng 5, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Giá USD tăng vọt lên mức cao mới trong hai thập kỷ, khiến các kim loại đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Dự trữ đồng trên sàn LME tăng lên 169.175 tấn từ khoảng 70.000 tấn trong đầu tháng 3, làm giảm lo ngại về nguồn cung.
Quặng sắt Trung Quốc giảm
Quặng sắt của Trung Quốc giảm khoảng 7%, giảm phiên thứ hai liên tiếp và giá thép giảm gần 4%, bởi những hạn chế về Covid-19 khiến các thương nhân thận trọng và lo ngại về nhu cầu toàn cầu.
Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 4 giảm gần 13% xuống 86,06 triệu tấn so với cùng tháng năm trước.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên có lúc giảm khoảng 7% xuống 796 CNY (118,45 USD)/tấn, đóng cửa giảm 5,8% xuống 807 CNY/tấn.
Giá nguyên liệu thô giảm cũng gây sức ép lên giá thép trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải.
Thép thanh kỳ hạn tháng 10 giảm 3,7% xuống 4.654 CNY/tấn. Thép cuộn cán nóng cũng giảm 3,7% xuống 4.748 CNY/tấn. Thép không gỉ kỳ hạn tháng 6 tăng 1,2% lên 19.320 CNY/tấn.
Cao su Nhật Bản đóng cửa ổn định
Giá cao su Nhật Bản đóng cửa gần như ổn định do lo lắng về kinh tế của Trung Quốc cân bằng với hỗ trợ từ đồng JPY yếu hơn.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 0,2 JPY hay 0,1% xuống 251,5 JPY (1.92 USD)/kg.
Giá cao su giảm do nhu cầu yếu tại Trung Quốc và thiếu sự lạc quan trên sàn giao dịch Thượng Hải trong bối cảnh phong tỏa. Đà giảm bị hạn chế bởi đồng JPY yếu hơn và sản lượng nguyên liệu thô hạn hẹp do mưa rào tại một số khu vực miền nam Thái Lan.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 385 CNY xuống 12.435 CNY (1.850,47 USD)/tấn, sau khi đạt mức thấp nhất kể từ ngày 30/9/2020 tại 12.410 CNY/tấn trong phiên này.
Đường thô giảm hơn 2%
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,5 US cent hay 2,6% xuống 18,66 US cent/lb.
Trong nửa đầu 4 tháng, các nhà máy Brazil ưa chuộng phân bổ mía để sản xuất ethanol hơn là sản xuất đường và thị trường này sẽ được theo dõi chặt chẽ để xem mức độ xu hướng đó thế nào.
Công ty dầu Petrobras của Brazil đã nâng giá dầu diesel nhưng quyết định không tăng giá xăng.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 9,9 USD hay 1,9% xuống 521,4 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 4,35 US cent hay 2,1% xuống 2,061 USD/lb sau khi giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng tại 2,0335 USD/lb.
Các đại lý cho biết sự suy yếu của đồng real Brazil bổ sung áp lực giảm giá cà phê. Đồng real yếu khuyến khích các nhà xuất khẩu bán cà phê theo giá USD.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 63 USD hay 3% xuống 2.020 USD/tấn.
Việt Nam đã xuất khẩu 739.046 tấn cà phê trong 4 tháng đầu năm nay, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngô, đậu tương giảm
Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần do thời tiết ở Mỹ ấm hơn thúc đẩy tiến độ gieo trồng.
Lúa mì được củng cố bởi tình trạng khô hạn tại vành đai trồng trọt ở Mỹ và Pháp.
Hợp đồng đậu tương giảm 36-3/4 US cent xuống 15,85-1/2 USD/bushel sau khi giảm xuống 15,78 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 4/4.
Ngô CBOT giảm 12-3/4 US cent đóng cửa tại 7,72 USD/bushel sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 13/4, trong khi lúa mì CBOT giảm 15-3/4 US cent xuống 10,92-3/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 10/5
Nguồn: cafef.vn