Trong phiên giao dịch cuối tuần các mặt hàng từ dầu, vàng, kim loại công nghiệp, quặng sắt và nông sản đồng loạt giảm, ngoại trừ dầu đậu tương lên cao nhất trong lịch sử do Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ.
Dầu có tuần giảm gần 5%
Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần giảm gần 5% do triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy yếu, lãi suất tăng và việc phong tỏa do Covid-19 tại Trung Quốc gây thiệt hại cho nhu cầu bất chấp EU cân nhắc một lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Chốt phiên 22/4, dầu thô Brent giảm 1,68 USD hay 1,6% xuống 106,65 USD/thùng. Dầu thô WTI giảm 1,72 USD hay 1,7% xuống 102,07 USD/thùng.
Dầu thô Brent đã đạt 139 USD/thùng trong tháng trước, cao nhất kể từ năm 2008, nhưng cả hai loại dầu đều giảm gần 5% trong tuần này do lo ngại về nhu cầu.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong tuần này đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022, có thể giảm tiếp nếu các nước Phương Tây mở rộng trừng phạt chống lại Nga và giá năng lượng tiếp tục tăng.
Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất nửa điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tới của Fed vào tháng 5, đẩy USD lên mức cao nhất trong hơn hai năm.
Về phía nguồn cung, công ty đường ống Caspian Nga-Kazakhstan dự khiến khôi phục xuất khẩu hoàn toàn từ ngày 22/4 sau gần 30 ngày gián đoạn.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số giàn khoan dầu của Mỹ tăng 1 giàn lên 549 giàn trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Tuy nhiên, nguồn cung thắt chặt do Libya dừng sản xuất 550.000 thùng dầu mỗi ngày.
Morgan Stanley nâng dự báo giá dầu Bretn quý 3 thêm 10 USD lên 130 USD/thùng do thiếu hụt nhiều hơn trong năm nay bởi nguồn cung giảm từ Nga và Iran.
Các nhà máy lọc dầu của Châu Âu đã xử lý 9,04 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 3, giảm 4% so với tháng trước và cao hơn 4,8% so với một năm trước, theo số liệu của Euroilstock.
Giá vàng giảm
Giá vàng giảm gần 1% trong phiên và có tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3, do dấu hiệu thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến của Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã nâng lợi suất trái phiếu và USD.
Vàng giao ngay giảm 0,9% xuống 1.934,06 USD/ounce, trước đó giá đã chạm mức thấp nhất trong hai tuần. Kim loại này đã mất 2,1% trong tuần này. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,7% xuống 1.934,3 USD/ounce.
Mặc dù vàng được xem như nơi trú ẩn an toàn trong giai đoạn lạm phát tăng, nhưng lãi suất tăng hạn chế giá tăng.
Trong thị trường vàng giao ngay, các đại lý vàng tại Ấn Độ đã giảm mức chiết khẩu trong tuần này do nhu cầu phục hồi nhẹ sau khi giá giảm, trong khi hoạt động tại Trung Quốc vẫn trầm lắng bởi những hạn chế do Covid-19.
Đồng thấp nhất trong một tháng
Giá đồng thấp nhất trong một tháng và hầu hết các kim loại công nghiệp khác giảm trong phiên cuối tuần, do lo ngại việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng và việc phong tỏa Covid của Trung Quốc sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,8% xuống 10.097 USD/tấn, mức yếu nhất kể từ ngày 17/3 và thiết lập tuần sụt giảm thứ ba.
Những hạn chế Covid tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, Trung Quốc cũng gây sức ép lên các kim loại.
Sản lượng công nghiệp tại Thượng Hải giảm trong tháng 3, tháng sụt giảm đầu tiên trong hai năm sau khi các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã làm dừng sản xuất ở một số nhà máy.
Dự trữ đồng tại LME đang tăng cũng là yếu tố giảm giá, trong tháng qua dự trữ tăng 72%.
Cũng đang gây sức ép lên thị trường là USD mạnh lên, khiến các kim loại được định giá bằng đồng bạc xanh này đắt hơn cho người mua bằng những đồng tiền khác.
Peru cho biết một nhóm cộng đồng bản địa đã kết thúc biểu tình phản đối mỏ đồng Cuajone của tập đoàn Southern Copper mà đã buộc mỏ này phải dừng sản xuất trong hơn 50 ngày.
Thị trường đồng đã tinh luyện trên toàn cầu dư thừa 16.000 tấn trong tháng 1 so với thiếu hụt 74.000 tấn trong tháng 12/2021, theo Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế.
Quặng sắt Đại Liên có tuần giảm lần đầu tiên trong hai tháng
Giá quặng sắt Đại Liên giảm trong phiên cuối tuần và có tuần giảm lần đầu tiên trong hai tháng, do lo lắng về nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc bất chấp những nguy cơ về nguồn cung.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 2,4% xuống 881 CNY(136,16 USD)/tấn, sau khi chạm mức 876 CNY trước đó trong phiên, mức thấp nhất kể từ ngày 14/4. Tính chung cả tuần giá giảm 2,6%.
Trên sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 tăng 0,4% lên 151,8 USD/tấn, nhưng cũng có tuần giảm giá.
Quặng sắt giao ngay tại Trung Quốc giảm 2,9% trong tuần này xuống 152 USD/tấn, tính tới ngày 21/4, theo công ty tư vấn số liệu SteelHome.
Trung Quốc cam kết giảm sản lượng thép trong năm nay phù hợp với mục tiêu giảm khí thải carbon. Triển vọng nhu cầu cũng u ám bởi nguy cơ bùng phát Covid-19 tái diễn ở Trung Quốc, đặc biệt tại các trung tâm sản xuất thép.
Tuy nhiên sản lượng quặng sắt cũng giảm theo báo cáo của các nhà sản xuất lớn. Công ty BHP Group cảnh báo tiếp tục giảm sản lượng quặng sắt.
Các thương gia vẫn hy vọng các kích thích kinh tế bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc sẽ thúc đẩy sản lượng thép khi những hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cam kết đưa ra chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các công ty nhỏ và các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 2,4%, thép cuộn cán nóng giảm 2,1%. Thép không gỉ tăng 0,6%.
Cao su Nhật Bản xuống mức thấp nhất 3 tuần
Giá cao su Nhật Bản có tuần giảm lần đầu tiên trong 6 tuần, theo su hướng thị trường yếu tại Thượng Hải, trong khi giá tiêu dùng lõi trong nước đang tăng làm giảm tâm lý.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 6,4 JPY hay 2,4% xuống 255 JPY (1,99 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 30/3 tại 253,5 JPY trong phiên này. Tính chung cả tuần cao su giảm 4%.
Chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản tháng 3 tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 2 năm, làm tăng lo lắng rằng chi phí lương thực và năng lượng cao có thể ngày càng ảnh hưởng tới sức mua của các hộ gia đình.
Thương nhân tại thị trường Thượng Hải theo xu hướng giảm giá do dự đoán phong tỏa tại thành phố này sẽ kéo dài. Nhu cầu cao su tự nhiên tại Thượng Hải vẫn yếu. Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải đã giảm 315 CNY xuống 13.015 CNY (2.011,22 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22/7 tại 13.101 CNY.
Dự trữ cao su tại kho Thượng Hải tăng 0,5% so với một tuần trước.
Đường thô giảm hơn 3%
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa giảm 0,63 US cent hay 3,2% xuống 19,24 US cent/lb sau khi giảm xuống 19,21, mức thấp nhất 3 tuần.
Các đại lý cho biết sản lượng lớn hơn dự kiến tại Ấn Độ có thể dẫn tới dư thừa đường nhẹ trong niên vụ 2021/22.
Một thăm dò của Reuters trong tháng 2 đã có sự đồng thuận mức thiếu hụt toàn cầu là 1,25 triệu tấn trong niên vụ 2021/22.
Sản lượng đường của Brazil dự kiến tăng 2,9% trong niên vụ mới lên 36,37 triệu tấn do các cánh đồng phục hồi một phần từ thời tiết bất lợi trong vụ trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 10,6 USD hay 2% xuống 530,5 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 0,95 US cent hay 0,4% xuống 2.2715 USD/lb sau khi tăng gần 4% trong phiên trước đó.
Các đại lý lưu ý rằng đồng nội tệ của Brazil giảm giá mạnh trong ngày 22/4, giảm 3,5% so với USD, một yếu tố có thể thu hút nông dân bán ra tại nước trồng cà phê lớn nhất thế giới này.
Tuy nhiên, các đại lý lưu ý rằng thời tiết vẫn khô tại hầu hết các khu vực cà phê của Brazil, khả năng làm giảm kích cỡ hạt, mặc dù có một số mưa tại Parama trong vài ngày tới.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 tăng 2 USD hay 0,1% lên 2.116 USD/tấn.
Dầu đậu tương tăng vọt do Indonesia cấm xuất khẩu, đậu tương, ngô giảm
Giá dầu đậu tương của Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục sau khi Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ, một loại dầu thực vật cạnh tranh, nhưng đậu tương và ngô giảm do chốt lời.
Lúa mì giảm sau một phiên biến động do các nhà môi giới cân nhắc việc dự trữ ngũ cốc toàn cầu thắt chặt với nhu cầu xuất khẩu lúa mì chậm chạp của Mỹ.
Dầu đậu tương kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa tăng 0,87 US cent lên 80,51 US cent/lb sau khi đạt 83,21 US cent, mức giá cao nhất từ trước tới nay.
Giá dầu đậu tương tăng sau khi Indonesia, nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ hàng đầu thế giới cấm xuất khẩu từ ngày 28/4 để giải quyết việc tăng giá trong nước. Việc nới lỏng những hạn chế Covid-19 đã khiến nhu cầu dầu thực vật cho lương thực và nhiên liệu sinh học tăng vọt.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 31-1/2 US cent xuống 16,88 USD/bushel, quay trở lại giảm sau khi tăng lên mức cao nhất hai tháng tại 17,34 USD/bushel. Ngô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 6-1/4 US cent xuống 7,89 USD/bushel.
Lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 7 giảm 1-1/4 US cent xuống 10,75-1/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 23/4:
Nguồn: cafef.vn