Thị trường ngày càng nhiều “cá mập”, chuyên gia chỉ doanh nghiệp cách tạo “profile” gọi vốn

Thị trường ngày càng nhiều “cá mập”, chuyên gia chỉ doanh nghiệp cách tạo “profile” gọi vốn

Ông Huỳnh Minh Tuấn

Theo chuyên gia, doanh nghiệp cần có “profile” bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần…

Lưu ý được ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc CTCP tư vấn đầu tư FIDT đưa ra tại diễn đàn “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Ông Tuấn nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng. Theo vị này, khi room tín dụng ngân hàng ngừng từ tháng 4/2022, ông nhận nhiều thông doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tư vấn tái cấu trúc nguồn vốn.

“Nhưng khi hỏi doanh nghiệp có gì thì sổ sách đưa ra cho thấy doanh nghiệp lỗ nhẹ, do đó không có căn cứ cho vay vốn”, ông Tuấn cho biết.

Giám đốc FIDT cho rằng, các doanh nghiệp phải quan tâm quản trị tài chính. Đồng thời phải tính tới những sự kiện “thiên nga đen” như COVID-19 và những bất ổn 2 năm qua, không có thặng dư tài chính, doanh nghiệp cuống cuồng huy động vốn.

“Doanh nghiệp cần có “profile” bài bản để bước vào thị trường huy động vốn, IPO hoặc kêu gọi vốn khi cần”, ông Tuấn đề cập.

Chuyên gia này khẳng định, thị trường chứng khoán Việt nam vừa qua có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với 3 triệu nhà đầu tư cho năm 2020-2021, vốn hóa 3 sàn chứng khoán HOSE, UPCOM, HNX có lúc vượt con số 360 tỷ USD.

“Chúng ta có thị trường vốn hoá đứng thứ 3 khu vực. Do đó, chiến lược để doanh nghiệp được phát hành ra công chúng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán hoặc được M&A là rất quan trọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Lưu ý để doanh nghiệp chuẩn bị “profile” cho quá trình IPO, ông lãnh đạo FIDT cho biết, hiện có 5 triệu nhà đầu tư với hơn 600-700 triệu USD giao dịch mỗi ngày trên thị trường chứng khoán, do đó đây là thị trường huy động vốn hiệu quả. Thống kê 2 năm qua có nhiều doanh nghiệp IPO thành công trên thị trường này, chiếm khoảng 3-5% nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp.

“Khi chuẩn bị IPO, các doanh nghiệp cần tập trung đáp ứng các tiêu chuẩn pháp định rất rõ và minh bạch, như vốn từ 120 tỷ đồng, 2 năm hoạt động liên tục có lãi và thêm một số yêu cầu về hiệu suất hoạt động…”, ông Tuấn chia sẻ.

Giám đốc FIDT cũng cho rằng, đối với chiến lược IPO thành công thì mô hình kinh doanh cực kỳ quan trọng. Doanh nghiệp phải chuẩn bị một mô hình kinh doanh với mức tăng trưởng hấp dẫn. Hiện hầu hết doanh nghiệp chuẩn bị chỉ mang tính đối phó và sau đó bị bỏ lỡ giai đoạn vàng để gọi vốn.

Ông Tuấn nêu, trên thị trường hiện nay nhiều “cá mập” với lượng tiền lên tới hàng tỷ USD, gồm cả vốn FDI, FII. Quan trọng nhất vẫn là sự minh bạch của doanh nghiệp khi họ thực hiện M&A. Nhiều khi M&A chưa kịp thành công đã gặp thất bại do giá trả quá cao hoặc không có những cam kết giữa lại founder đầu tiên của công ty, làm cho “deal” mất hiệu quả theo thời gian.

Gần đây thị trường Masan thành công chuỗi Phúc Long, được định giá 450 triệu USD, là vụ M&A điển hình của năm 2022.

Qua thị trường vốn, đầu tiên muốn huy động thị trường chứng khoán doanh nghiệp phải chọn thời điểm thuận lợi. Giai đoạn 2020, đặc biệt là 2021 là thời điểm thuận lợi để huy động vốn qua thị trường này. Qua 2022 thị trường được đánh giá không còn nhiều thuận lợi, nhưng nếu doanh nghiệp có đặc điểm vượt trội vẫn có thể huy động được.

Với vai trò nhà đầu tư, để huy động vốn thị trường này, kế hoạch kinh doanh sử dụng vốn phải hoàn toàn minh bạch, mục tiêu kinh doanh tham vọng, rõ ràng, giá chào bán có mức chiết khấu hấp dẫn cho nhà đầu tư chiến lược, dài hạn.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: