Sự “lạc lõng” của thị trường vàng miếng trong nước được giới chuyên gia đánh giá là “một mình một chợ”, khi giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới.
Tại thị trường trong nước, lúc 9 giờ sáng ngày 9/7, giá vàng miếng SJC trong nước không có nhiều biến động, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều giữ nguyên giá mua và bán so với chốt phiên giao dịch trước đó, chỉ một số ít doanh nghiệp có mức tăng giá nhẹ lên 50.000 đồng/lượng.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng miếng SJC tại thị trường TP.HCM với mức giá 68.000.000 đồng/lượng mua vào và 68.600.000 đồng/lượng bán ra, không thay đổi so với giá chốt phiên giao dịch ngày trước đó. Tại thị trường Hà Nội và Đà nẵng, công ty SJC cũng giữ nguyên giá mua bán vàng miếng, nhưng giá bán vẫn cao hơn TP.HCM 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch biên độ mua và bán của thương hiệu này vẫn là 600.000 đồng/lượng.
Tương tự, thương hiệu DOJI Sài Gòn cũng giữ nguyên giá mua bán vàng miếng so với chốt phiên giao dịch ngày 8/7, lần lượt là 67.900.000 đồng/lượng mua vào và 68.500.000đồng/lượng bán ra. Vietinbank Gold cũng không thay đổi giá mua bán vàng miếng trong phiên giao dịch sáng nay, với giá mua bán lần lượt là 68.000.000 đồng/lượng và 68.620.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, thương hiệu DOJI Hà Nội tăng nhẹ giá mua bán vàng miếng SJC lên 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua, lên mức giá 67.950.0000 đồng/lượng mua vào và 68.550.000 đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, thương hiệu Phú Quý SJC giữ nguyên mức giá mua vào, nhưng tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, lần lượt là 67.950.000 đồng/lượng và 68.550.000 đồng/lượng.
Trong khi giá vàng miếng SJC trong có nhiều biến động trong phiên giao dịch sáng ngày cuối tuần, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ tại thị trường TP.HCM của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với chốt phiên giao dịch trước đó, lên mức giá 51.700.000 đồng/lượng mua vào và bán ra là 52.800.000 đồng/lượng. Mức tăng giá này cũng được PNJ áp dụng đối với thị trường Hà Nội, tuy nhiên, giá bán tại thị trường Hà Nội vẫn thấp hơn 1.100.000 đồng/lượng so với thị trường TP.HCM.
Tại thị trường thế giới, thời điểm 9 giờ sáng ngày 9/7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng tại kitco.com giao dịch quanh mức 1.742 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2022 trên sàn Comex New York tăng 3,2 USD lên 1.739,7 USD/ounce.
Đêm qua, giá vàng trên thị trường quốc tế có thời điểm vọt lên 1.750 USD/ounce khi Mỹ công bố dữ liệu kinh tế cho thấy tháng 6/2022, quốc gia này tạo ra 372.000 việc làm. Tuy nhiên, giá vàng thế giới sau đó đi xuống. Nguyên nhân được cho là dữ liệu kinh tế Mỹ khởi sắc đang mở đường cho Cục Dữ trữ Liên bang mỹ (FED) tăng thêm lãi suất cơ bản 0,75 điểm vào cuối tháng 7 này.
Tuần vừa qua được đánh giá là tuần tồi tệ của thị trường vàng khi giá kim loại quý liên tục lao dốc và mất khoảng 4% do thị trường tập trung vào động thái thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực của FED.
Theo chiến lược gia tiền tệ Adam Button tại Forexlive.com, FED đã không tìm thấy dấu hiệu nào từ dữ liệu việc làm để hạ nhiệt áp lực tiền lương. Điều này làm tăng khả năng FED sẽ tăng tiếp 75 điểm cơ bản tại cuộc họp cuối tháng này và tiếp tục lộ trình thắt chặt tích cực vào năm tới.
Trong khi đó, ông Edward Moya, nhà phân tích của Công ty Giao dịch Ngoại hối của Oanda (Mỹ) cho rằng, giá vàng thế giới có thể lùi về 1.700 USD/ounce và rơi xuống 1.650 USD/ounce. Mức giá này có thể là đáy của thị trường và khi đó các nhà đầu tư trở lại với kim loại quý.
Thị trường đang “ngóng” quy định mới
Trở lại với giá vàng trong nước, mặc dù trong những ngày qua, giá vàng trong nước có diễn biến theo chiều giá thế giới, thế nhưng, với mức giảm nhỏ giọt trong khi giá thế giới giảm sâu vẫn khiến giá vàng trong nước đắt đỏ hơn giá thế giới từ 18-20 triệu đồng mỗi lượng.
Theo đó, trong phiên giao dịch buổi chiều, ngày 6/7, giá vàng miếng SJC trong nước chỉ giảm 350.000 đồng/lượng, trong khi giá thế giới giảm tương đương 1.100.000 đồng/lượng. Tới ngày 7/7, giá vàng miếng SJC đứng yên, mặc cho giá thế giới giảm sâu về mốc 1.741 USD/ounce, tương đương với 49.330.000 đồng/lượng. Như vậy, giá bán vàng miếng SJC ngày 7/7 cao hơn giá vàng thế giới tới 19,12 triệu đồng/lượng.
Không chỉ chênh lệch bất thường so với giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC trong nước còn đắt hơn giá vàng nhẫn 9999 cũng của Công ty SJC lên tới 16 triệu đồng/lượng.
Thị trường vàng trong nước đang “lạc lõng” so với diễn biến trên thị trường thế giới và được giới chuyên gia đánh giá là “một mình một chợ”. Điều bất thường này đã diễn ra nhiều năm qua, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng được nới rộng, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái nào để thu hẹp khoảng cách này.
Giới chuyên gia cho rằng, với nhu cầu mua vàng SJC, vàng trang sức, vàng nhẫn 24K tại thị trường trong nước đang gia tăng, nếu Ngân hàng Nhà nước không có động thái can thiệp, xu hướng gom USD nhập lậu vàng theo đường biên mậu sẽ tiếp tục gia tăng. Đồng thời cho rằng, đã đến lúc cần xem xét lại các quy định trong Nghị định 24.
“Thị trường vẫn đang “ngóng” quy định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để phù hợp với diễn biến thực tế. Không phủ nhận khi Nghị định 24 ra đời đã góp phần tạo nên sự ổn định cho thị trường vàng trong nước. Nhưng đến nay, một số quy định trong Nghị định này đã không còn phù hợp với diễn biến của thị trường, dẫn tới tình trạng “một mình một chợ” và nảy sinh nhiều bất cập”, một chuyên gia nêu quan điểm.
Nguồn: cafef.vn