Kể từ đầu năm 2022, đây là tháng đầu tiên tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng ghi nhận tăng trưởng âm.
Tiền gửi của doanh nghiệp giảm mạnh trong tháng 4
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật số liệu tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến hết tháng 4/2022 cho thấy tốc độ tăng trưởng đang dần chậm lại.
Cụ thể, tại ngày 30/4/2022, tiền gửi tại các ngân hàng đạt hơn 11,3 triệu tỷ đồng, giảm 11.849 tỷ đồng so với cuối tháng 3. Nguyên nhân chủ yếu do tiền gửi của nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế sụt giảm tới hơn 69.000 tỷ đồng trong tháng 4. Trong khi đó, tiền gửi dân cư vẫn tăng hơn 57.500 tỷ trong tháng 4 lên hơn 5,5 triệu tỷ đồng.
Theo đó, so với cuối năm 2021, tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư lần lượt có tăng trưởng là 2,66% và 4,37%.
Tiền gửi của khách hàng nói chung đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Trước đó, trong 3 tháng đầu năm, dù có yếu tố mùa vụ là Tết Nguyên đán, tiền gửi vẫn tăng bình quân hơn 130 nghìn tỷ đồng hàng tháng.
Số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố gần đây cũng cho thấy diễn biến này tiếp tục kéo dài trong tháng 5, tháng 6. Cụ thể, đến ngày 20/6/2022, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới tăng 3,97% trong khi đến hết tháng 4 đã tăng khoảng 3,5%.
Ngoài ra, mặc dù huy động vốn tăng nhanh hơn so với cùng kỳ (cùng thời điểm năm 2021 tăng 3,13%) nhưng vẫn còn chậm hơn so với tăng trưởng tín dụng (đạt 8,51%).
Việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh trong tháng 4 có thể do doanh nghiệp rút tiền để đầu tư, sản xuất kinh doanh khi toàn bộ ngành nghề trong nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Người dân kém “mặn mà” gửi tiết kiệm lấy lãi
Trong khi đó, tiền gửi dân cư vẫn tăng trưởng dương nhưng có dấu hiệu chậm lại. Theo Chứng khoán VNDirect, khách hàng cá nhân vẫn đang tìm kiếm các công cụ đầu tư có lợi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp.
Bởi vậy, cuộc đua tăng lãi suất huy động cũng đang ngày một nóng lên. Mới đây, 2 ngân hàng quốc doanh là BIDV, Agribank cũng đã nhập cuộc và tăng khoảng 0,1 điểm % ở một số kỳ hạn dài, mức tăng không mạnh nhưng theo giới quan sát thì đây có thể là tín hiệu cho một cuộc đua lãi suất diễn ra rộng hơn chứ không còn là cục bộ.
Ngoài ra, đáng chú ý, tăng trưởng tiền gửi của khách hàng cá nhân tại ngân hàng từ đầu năm đến nay chủ yếu nhờ tăng trưởng ở loại hình tiền gửi không kỳ hạn (với lãi suất rất thấp chỉ quanh 0,1%/năm) cho thấy người dân dường như vẫn không mấy mặn mà với gửi tiết kiệm để lấy kiếm lời dù lãi suất có tăng thời gian qua.
Trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi nói chung của dân cư tăng 173.994 tỷ đồng (tăng 3,3%). Trong đó, tiền gửi thanh toán của cá nhân tăng tới hơn 103 nghìn tỷ, tương đương tăng 11%. Sự bùng nổ của công nghệ thanh toán hiện đại là yếu tố chính giúp tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng tăng trưởng chóng mặt trong vài năm trở lại đây.
Việc tiền gửi tiết kiệm của dân cư tăng trưởng chậm lại cũng sẽ ảnh hưởng tới thanh khoản của một số ngân hàng trong thời gian tới. Mặc dù hiện tại thanh khoản hệ thống vẫn đang khá dư thừa do nhiều ngân hàng đã hết room tín dụng.
Theo VnDirect, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý 3/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đà tăng của lãi suất có thể tăng tốc trở lại trong quý 4/2022 sau khi NHNN nâng hạn mức tín dụng cho các nhà băng. Lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng thêm 30-50 điểm cơ bản trong 6 tháng cuối năm 2022. Dư báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng có thể tăng lên mức khoảng 5,9-6,1%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022, mức này vẫn thấp hơn so với mặt bằng trước đại dịch là khoảng 7%/năm.
Nguồn: cafef.vn