Thị trường chứng khoán châu Á nhìn chung chứng kiến dòng vốn nước ngoài ồ ạt chảy ra trong tháng 4 do kỳ vọng vào chính sách ‘diều hâu’ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và lo ngại về tác động của việc Trung Quốc phong tỏa chống Covid-19 đối với tăng trưởng của khu vực.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng cổ phiếu châu Á trị giá 14,22 tỷ USD trong tháng 4, là tháng thứ 4 liên tiếp bán ròng, dữ liệu của Refinitiv tổng hợp tình hình ở các sàn giao dịch chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan cho thấy.
Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2022 ở mức 45,76 tỷ USD, cao nhất trong 4 tháng đầu tiên kể từ ít nhất là năm 2008.
Các nhà phân tích cho biết sự gia tăng kỳ vọng về việc thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực ở Mỹ và việc phong tỏa chặt chẽ để chống Covid-19 ở Trung Quốc đã tác động đến các doanh nghiệp trong khu vực, từ đó khiến các nhà đầu tư chỉ đứng ngoài thị trường quan sát trong tháng 4 vừa qua.
Jun Rong Yeap, chiến lược gia thị trường thuộc IG cho biết: “Các cổ phiếu vốn nhạy cảm với tăng trưởng lãi suất đang chịu áp lực lớn hơn từ việc thu nhập của doanh nghiệp trong tương lai dự kiến sẽ giảm. Điều đó có thể dẫn đến dòng vốn ngoại chảy ra khỏi các thị trường Đài Loan và Hàn Quốc mạnh mẽ hơn so với các thị trường khác.”
Dòng vốn ngoại chảy ra khỏi các cổ phiếu của Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ lần lượt cao hơn 8,86 tỷ USD, 4,97 tỷ USD và 2,24 tỷ USD so với lượng mua vào trong tháng 4/2022.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương thuộc Natixis, cho biết lạm phát gia tăng cũng vẫn là mối lo ngại của các nhà đầu tư ở Hàn Quốc và Ấn Độ.
Lạm phát giá tiêu dùng của Hàn Quốc tháng 4/2022 đã đạt mức cao nhất trong hơn 13 năm. Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tuần này đã nâng lãi suất cho vay tham chiếu thêm 40 điểm cơ bản để kiềm chế giá bán lẻ đang tăng mạnh.
Tuy nhiên, không phải thị trường chứng khoán châu Á nào cũng chứng kiến dòng vốn chảy ra. Chứng khoán Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đã có dòng vốn ròng của ngoại đổ vào lần lượt là 1,57 tỷ USD, 289 triệu USD và 175 triệu USD trong tháng 4/2022, theo nguồn tin Reuters.
Suresh Tantia, chiến lược gia cấp cao về đầu tư của Credit Suisse cho biết: “Các thị trường Đông Nam Á đang có sức hấp dẫn lớn khi khu vực này chứng tỏ tiềm năng tăng trưởng tốt nhất”.
“Trên thực tế, khu vực này được kỳ vọng sẽ mang lại mức tăng trưởng thu nhập vượt trội so với các thị trường ở Bắc Á vì được hưởng lợi từ sự phục hồi sau đại dịch, giá hàng hóa tăng và các ngân hàng trung ương vẫn có dư địa để đưa ra những chính sách vừa chống lạm phát, vừa không làm tổn thương quá lớn đến nền kinh tế.”
Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 4 cũng chứng kiến nhiều phiên đỏ sàn theo xu hướng chung của thị trường quốc tế. Tuy nhiên, khối ngoại đã xem đây là cơ hội tốt để mua vào, với lượng mua đạt 819 triệu cổ phiếu, trị giá 39.154 tỉ đồng, trong khi bán ra 731 triệu cổ phiếu, trị giá 35.134 tỉ đồng trong tháng 4. Kết quả là tổng khối lượng mua ròng của khối ngoại ở mức 88,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là gần 4.200 tỉ đồng. Trước đó, khối ngoại bán ròng 8 tháng liên tiếp với tổng giá trị 43.529 tỉ đồng.
Trong đó, trên sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 8 tháng bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 3.914 tỉ đồng. Còn trên sàn HNX, khối ngoại có tháng bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị giảm 58% so với tháng liền trước và ở mức gần 31 tỉ đồng.
Tham khảo: Refinitiv
Nguồn: cafef.vn