Dù nhận định thị trường thế giới có biến động mạnh, thị trường Việt không nằm ngoài xu hướng, tuy nhiên với việc VN-Index đã điều chỉnh sâu, cộng với kinh tế được đánh giá tăng trưởng tốt là các yếu tố hỗ trợ thị trường…
Tại Talkshow do báo Đầu tư tổ chức ngày 19/5, đánh giá về thị trường hiện nay, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC) cho rằng, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần đối diện với biến động lớn. Đó là biến động xuống khả năng cao xảy ra khi Fed tăng lãi suất. Phân tích ở các ngân hàng lớn cho thấy, thị trường Việt có tương quan khá với thị trường Mỹ. Trong thời gian gần đây xu hướng thị trường chưa được xác lập rõ ràng.
Theo vị này, chúng ta đã sống qua thời kỳ lãi suất thấp, lạm phát, giá hàng hóa rẻ, tiền rẻ, điều đó cũng đã thay đổi, đặc biệt ở thị trường Mỹ. Hiện, NHNN rà soát lại việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hút thanh khoản khỏi thị trường, các công ty chứng khoán đối diện với chuyện đó. Lãi suất cao hơn, ít tiền hơn rõ ràng không tốt cho thị trường.
Ông Giang nêu, nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng quý 4 năm nay hoặc quý 1, chậm thì quý 2 sang năm có thể tăng trưởng âm. Việc kinh tế tăng trưởng âm 2 quý liền được gọi là đình đốn. Khi đình đốn thì thị trường trải qua đợt biến động, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh kỳ vọng vào thị trường, điều chỉnh đó thường là lớn.
“Với tôi, ở thị trường quốc tế như Mỹ và châu Âu vẫn là xu hướng đi xuống. Với Việt Nam, đã đi xuống khá rồi, vẫn có khả năng xuống tiếp. Nhưng kinh tế kỳ vọng tăng trưởng 6-7% trong năm nay và còn tốt hơn năm sau, với độ tự tin đạt được khá cao thì vùng chúng ta có thể mua được”, ông Giang chia sẻ.
Cụ thể, ông Giang cho rằng, đầu tư dài hạn nhìn vào lợi nhuận doanh nghiệp, mức giá theo PE 10 hay 12 lần, tăng trưởng lợi nhuận 15% trở lên, mua để vài ba năm có thể là khoản đầu tư tốt. Các ngành có thể cân nhắc như Năng lượng, Tiêu dùng, Tài chính ngân hàng, Chứng khoán.
Khối ngoại sẽ trở lại mua ròng với quy mô lớn hơn
Đề cập tới hoạt động của khối ngoại tại thị trường Việt, ông Trịnh Hoài Giang nêu, quý 1 đổ về trước khối ngoại bán ròng và mua ròng quý 2 nhưng với lượng không đáng kể, đây là hoạt động bình thường nhưng là tín hiệu tốt.
“Trong bối cảnh Fed nâng lãi suất, thông thường lãi suất đồng USD lên thì vốn khối ngoại hút về Mỹ nhưng với Việt Nam vẫn duy trì đó là tín hiệu tốt. Phần lớn vốn đó đi vào những quỹ ETF do những nhà đầu tư ngoại thấy cơ hội mua vào Việt Nam nhưng chưa đủ thời gian, công sức nghiên cứu kỹ nên mua luôn chỉ số Diamond và VN30, mua hai ETF tạo dòng vốn vào thị trường”, ông Giang nói.
Dự báo xu hướng khối ngoại, lãnh đạo HSC cho rằng, phụ thuộc vào nền kinh tế Việt Nam, nhìn chung xu hướng vẫn tiếp tục duy trì được xu hướng mua vào dù lãi suất đồng USD đi lên. Điều này đến từ điều hành của NHNN Việt Nam giúp ổn định tỷ giá, là yếu tố hỗ trợ cho khối ngoại tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt.
Cũng theo ông Giang, thị trường đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Khối ngoại vẫn tích cực tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam khi có cổ phiếu tốt. Hiện nay không chỉ có một mà nhiều ngân hàng, số lượng công ty có vốn hóa trên 1 tỷ USD cũng tăng lên. Theo ông Giang, khối ngoại khi đầu tư vào thị trường lưu ý đến 4 yếu tố.
Một là độ rộng, tính bao phủ của thị trường, số lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường. Ví dụ toàn thị trường hiện chiếm khoảng 75-85% GDP. Hai là độ sâu, tức vấn đề giao dịch trên từng mã cổ phiếu, họ có thể mua bán dễ dàng với chi phí phải chăng. Ba là minh bạch thông tin. Bốn là hệ thống pháp lý bảo vệ quyền lợi, sự minh bạch của thị trường, thông thoáng để giao dịch.
“Trước đây tỷ lệ giao dịch của khối ngoại chiếm khoảng 15-16% tổng giao dịch nhưng vừa qua chỉ còn khoảng 6-7%. Không phải giao dịch khối ngoại tụt lùi mà do lượng nhà đầu tư cá nhân trong nước gia nhập, gia tăng giao dịch. Tương lai 1-2 năm tới tỷ trọng giao dịch của khối ngoại sẽ tăng trở lại như trước”, CEO HSC đánh giá.
Các CTCK đang gặp khó trong cho vay margin
Chia sẻ thêm về hoạt động cho vay ký quỹ, ông Giang cho rằng để tăng nóng trở lại là khó khăn khi các ngân hàng rút hạn mức. Các công ty chứng khoán gặp khó trong cho vay margin là rõ ràng. Nhưng với HSC có thể vượt qua được vì có những nguồn khác, từ vay trực tiếp các công ty, từ phát hành trái phiếu, vay nhà đầu tư.
Về trái phiếu doanh nghiệp, ông Giang cho rằng đây là vấn đề thực sự khó. Trước đây, khi doanh nghiệp cần tiền ngoài đi vay ngân hàng, phát hành trái phiếu là một giải pháp, một hình thức vay trực tiếp của nhà đầu tư.
“Ngân hàng sống bằng nghề cho vay, họ còn nợ xấu không thu hồi vốn được huống hồ nhà đầu tư cá nhân, đây là rủi ro cao. Với việc phát hành dạng riêng lẻ, thực tiễn nước khác chỉ được phép phát hành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, chủ yếu là ngân hàng, các quỹ đầu tư, không phát hành cho nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó ở Việt Nam, phát hành riêng lẻ nhà đầu tư cá nhân tham gia khá nhiều, đó là vấn đề”, ông Giang cho biết.
Ông Giang cho rằng, để giảm bớt rủi ro đổ vỡ thị trường trái phiếu thì cần sửa đổi, việc phát hành riêng lẻ, giao dịch thứ cấp nằm trong riêng lẻ, giới hạn nhà đầu tư; hay nếu phát hành trái phiếu ra công chúng thì cần công bố đầy đủ thông tin.
Nguồn: cafef.vn