Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Hà Nội vừa phối hợp với Cục CSHS Bộ Công an và nhiều đơn vị thuộc Công an TP triệt phá thành công một đường dây chuyên cho vay lãi “khủng” qua các app (ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính).
Điều đáng nói, các đối tượng trong đường dây đã thuê hàng trăm nhân viên (chủ yếu là người làm nghề tự do, sinh viên mới ra trường, còn ít tuổi) để tổ chức “khủng bố” những người có tên trong danh bạ điện thoại của con nợ. Từ gọi điện chửi bới cho đến dọa dẫm, cắt ghép ảnh con nợ vào ảnh khỏa thân… rồi tung lên mạng để gây sức ép lên con nợ và gia đình, bạn bè.
Có những người không hề liên quan cũng bị chúng gọi hàng trăm cuộc mỗi ngày để nhục mạ, đòi tiền… gây bức xúc trong dư luận.
1. Thượng tá Đặng Việt Quảng, Phó trưởng Phòng CSHS Công an TP Hà Nội cho chúng tôi biết. Khoảng vài tháng trở lại đây, Cơ quan công an liên tục nhận được đơn trình báo, tố giác của nhiều công dân đang sống trên địa bàn TP Hà Nội về việc bị nhiều đối tượng gọi điện thoại khủng bố để đòi nợ.
Họ có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp có tên và số điện thoại trong danh bạ của con nợ, cũng có người cả đời mới chỉ gặp con nợ một lần. Trong số đó nhiều người là chủ doanh nghiệp, là công chức viên chức nhà nước. Có cả các giáo sư, tiến sĩ khả kính cũng bị chúng gọi đến làm phiền mỗi ngày cả trăm cuộc, nhắn tin với nội dung vô văn hóa, tục tĩu… nhằm yêu cầu họ phải thúc ép con nợ trả tiền.
“Đa phần họ đều tỏ ra rất bức xúc vì bị gọi quá nhiều lần trong một ngày, với cùng một nội dung đòi nợ.Nhiều người tính đến việc bỏ sim đi thì không đành vì đã dùng số điện thoại này trong một thời gian dài.Nhưng, suốt ngày suốt tuần suốt tháng cứ phải nhận những cuộc gọi đến khiến họ phát rồ.Chặn số này thì bọn chúng lại dùng số khác.Thậm chí, có những người không hề quen biết với con nợ, song vẫn phải lấy tiền túi ra để chuyển khoản cho bọn chúng để đổi lấy sự bình yên” – Thượng tá Quảng cho biết.
Trước tình hình đó, Phòng CSHS đã tổ chức công tác trinh sát, thu thập các tài liệu chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. Sau khi được sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP, Phòng CSHS đã lập chuyên án, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm triệt phá đường dây tội phạm đang gây nhức nhối trong dư luận.
Ngày 25-5-2022 Cơ quan điều tra tổ chức hàng chục tổ công tác đồng loạt tiến hành bắt giữ, khám xét nhiều địa điểm thuộc TP Hà Nội, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên thuộc đường dây “tín dụng đen” trên. Đã có gần 300 đối tượng được đưa về Cơ quan công an. Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ nhiều tài liệu, tang vật có liên quan đến hoạt động của ổ nhóm tội phạm này.
“Với những thủ đoạn tinh vi, ổ nhóm dưới sự điều hành của một “ông trùm” người Trung Quốc, câu kết với nhiều đối tượng người Việt Nam để thành lập hàng chục công ty, vẽ ra nhiều app khác nhau nhằm cho vay và tổ chức đòi nợ thuê trên địa bàn cả nước. Điều tra ban đầu cho thấy, đường dây này cho vay với lãi suất lên hơn 1.000%/năm, đã thực hiện hàng triệu giao dịch, giải ngân hàng nghìn tỷ đồng cho khách. Lợi nhuận bất chính mà nhóm này thu được cũng rất lớn” – Thượng tá Quảng chia sẻ.
Cho đến thời điểm hiện tại, Cơ quan điều tra đã xác định ngoài ông trùm (tên L.Q, sinh năm 1988) đã xuất cảnh khỏi Việt Nam từ đầu năm 2021 thì có hàng chục đối tượng là tay chân đắc lực cho ông ta. Số này gồm: Nguyễn Quang Vũ (sinh năm 1987, thường trú tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội), Trần Thị Thu Huyền (sinh năm 1993, thường trú tại Phố Cò, TP Sông Công, Thái Nguyên), Trần Bá Phan (sinh năm 1990, thường trú tại xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên), Phan Đức Diễn (sinh năm 1991, thường trú tại phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội), Nguyễn Trọng Bằng (sinh năm 1988, thường trú tại phố Đồng Nhân A, P. Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Bùi Thị Như Hoa (sinh năm 1975, thường trú tại ngõ 155 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Hà Nội) và Zhang Min (sinh năm 1986, quốc tịch Trung Quốc, trú tại phố Kim Mã, Ngọc Khánh, Hà Nội)…
Mỗi đối tượng trong đường dây đều được phân cấp, phân nhiệm hết sức cụ thể, giúp ông trùm có thể vận hành một cách trơn tru đường dây với nhiều công ty khác nhau, tổng số nhân sự lên đến vài trăm người, hoạt động trong một thời gian dài. Những đối tượng cộm cán cũng được hưởng lương cao ngất ngưởng, lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Đặc biệt, những thủ đoạn hoạt động của đường dây này vô cùng tinh vi, khiến cho quá trình điều tra của lực lượng CSHS gặp vô vàn khó khăn.
2. Trung tá Lý Hoài Nam, Đội trưởng Đội CSHS đặc nhiệm, Phòng CSHS chia sẻ: Trong vụ án này, Cơ quan công an đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để săn tìm các đối tượng trên mạng cũng như ngoài đời thực. Bọn chúng đã thành lập nhiều công ty “ma”, liên tục thay đổi tên gọi cũng như địa điểm hoạt động.Các đối tượng cũng có kiến thức về công nghệ thông tin, mỗi bước đi đều cảnh giác, xóa dấu vết.Đặc biệt, việc giải ngân và tất toán sẽ được thực hiện qua nhiều cổng thanh toán điện tử khác nhau, khiến việc truy xét nguồn tiền gặp nhiều trở lực.Thêm vào đó, nhiều đối tượng trong đường dây là những khách hàng VIP của nhiều ngân hàng, nên việc điều tra cần phải hết sức khéo léo, kín đáo, tránh rút dây động rừng. Các trinh sát của Phòng CSHS cũng như Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phải “đấu trí” với những cao thủ về công nghệ thông tin, nhằm thu thập hàng ngàn Gb dữ liệu, cũng là những bằng chứng để đưa ổ nhóm này từ “bóng đêm” ra ánh sáng.
Tài liệu điều tra ban đầu từ Cơ quan công an cho thấy, dưới sự điều hành của ông trùm L.Q, ban đầu Nguyễn Quang Vũ tổ chức thành lập Công ty Newstar, với ngành nghề kinh doanh là dịch vụ cầm đồ. Vũ là phó giám đốc công ty này.Sau đó, Vũ thuê kỹ sư IT viết nhiều app cho vay tiền với lãi suất ưu đãi (chỉ khoảng 15-20%/năm) rồi tổ chức quảng cáo rầm rộ các app này trên nhiều nền tảng online như Google, Facebook, các trang livestream… nhằm tìm kiếm khách hàng.
Tiếp theo, Vũ còn chỉ đạo tay chân thành lập Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngôi sao Việt, Công ty Dịch vụ tài chính Thái Bảo… Các công ty này đều được chia thành nhiều bộ phận có chức năng nhiệm vụ khác nhau, như bộ phận chào mời khách vay, bộ phận thẩm định, bộ phận truy thu đòi nợ, bộ phận kế toán, bộ phận kỹ thuật vận hành, bộ phân quản lý nhân sự… Ngoài ra, có 3 công ty khác được thành lập chủ yếu với nhiệm vụ nhắc nhở, truy thu nợ cho Công ty Newstar, gồm: Công ty TNHH Phát triển tầm nhìn Metag, Công ty TNHH Dịch vụ chăm sóc khách hàng DCS và Công ty Dịch vụ và Tư vấn TN Việt Nam.
Đối tượng Trần Bá Phan, là một kỹ sư công nghệ thông tin có bằng thạc sĩ ở nước ngoài và cũng là tay chân đắc lực cho ông trùm. Phan rất thạo tiếng Trung Quốc nên thường nhận lệnh từ ông trùm và đối tượng Vũ để tham gia điều hành đường dây. Phan cũng thành lập Công ty Việt Tín và Công ty Ngôi sao Việt dưới các ngành nghề khác nhau, song bản chất là để liên kết với nhiều ngân hàng, các cổng thanh toán điện tử như nganluong, baokim… nhằm thực hiện việc giải ngân cũng như chốt sổ, tất toán với con nợ.
Trần Thị Thu Huyền được giao nhiệm vụ đối ngoại, xử lý các mối quan hệ phát sinh bên ngoài hoạt động của Newstar. Ngoài ra, Huyền còn được giao nhiệm vụ tìm kiếm khách hàng có nhu cầu đồng thời nhắc, thu nợ quản lý Công ty Dịch vụ và Tư vấn TN Việt Nam.
Các đối tượng Diễn, Bằng, Hoa, Zang Min… được giao nhiệm vụ tuyển và quản lý nhân sự, chăm sóc khách hàng, đối soát tiền giải ngân, làm việc với ngân hàng, kế toán…
Quá trình vận hành của đường dây này như sau: Khách có nhu cầu vay tiền sẽ phải cài đặt app của đối tượng gửi qua các đường links và phải đồng ý cho app truy cập danh bạ, tin nhắn… của điện thoại. Đây chính là sự thế chấp có giá trị nhất đối với chủ nợ.
Tiếp đó khách phải chụp ảnh hai mặt CCCD hoặc CMND và thế chấp bằng những tài sản có giá trị thấp.Với lãi suất ưu đãi chỉ từ 15-20%/năm các khách vay cảm thấy “ổn áp” và tiện lợi vì không phải gặp trực tiếp ký giấy tờ vay nợ.Các đối tượng sẽ gọi điện thoại cho một số người có trong danh bạ để xác minh nhân thân.Khi thấy đúng thì sẽ chuyển cho bộ phận kế toán.
Sau khi được giải ngân, đa phần khách vay đều “ngã ngửa” khi biết rằng mặc dù lãi suất lúc đầu bọn chúng đưa ra là khá ưu đãi, song con nợ sẽ phải trả rất nhiều khoản thuế, phí khác nhau. Tính tổng lãi suất lên đến cả ngàn %/năm.
Khi con nợ chậm trả, các đối tượng ban đầu chỉ gọi điện thoại nhắc “nhẹ”. Nếu con nợ tỏ ra chây ì, chúng sẽ áp dụng cấp độ cao hơn như nhắn tin, gọi điện chửi mắng, dọa dẫm… Khi con nợ tắt điện thoại hoặc có ý định “xù”, nhóm đối tượng sẽ lấy lần lượt các số trong danh bạ điện thoại của người vay, để gọi đến thúc giục họ liên hệ với con nợ trả. Bọn chúng sẽ “nã” những số điện thoại có trọng lượng đối với con nợ như: bố mẹ, anh chị em, sếp, đồng nghiệp cùng cơ quan… Dù họ có thanh minh rằng không biết con nợ ở đâu, làm gì… thì các đối tượng vẫn cứ gọi điện mỗi ngày hàng trăm cuộc, yêu cầu họ phải có trách nhiệm thúc giục con nợ trả tiền cho bọn chúng.
Thậm chí, các đối tượng còn dùng “biện pháp mạnh” như cắt ghép hình ảnh của con nợ vào những hình ảnh khỏa thân đồi trụy hoặc tạo các ảnh với nội dung “truy nã” khách vay đang phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản rồi tung lên mạng xã hội. Mục đích là bôi nhọ danh dự của con nợ và người thân, hòng ép con nợ phải trả tiền cho chúng.
Cũng có trường hợp con nợ đã tất toán xong, các đối tượng đánh giá đây là khách vay “có tiềm năng” nên tiếp tục giải ngân gói vay tiếp theo – dù họ không có nhu cầu. Bọn chúng sẽ chuyển tiền vào tài khoản con nợ vào buổi chiều, để sang ngày hôm sau, nếu con nợ có liên hệ thông báo không vay nữa thì vẫn phải trả đủ thuế, phí, lãi suất vay trong ít nhất là 1 ngày.
Cũng theo lãnh đạo Phòng CSHS, để có thể tìm ra và bóc gỡ được đường dây “tín dụng đen” và đòi nợ thuê này, cán bộ chiến sĩ Phòng CSHS đã phải dành rất nhiều thời gian, công sức rà soát và sàng lọc hàng trăm, hàng ngàn con người “ảo”, công ty “ảo” trên mạng để chỉ đích danh được con người thật, công ty thật. Phòng CSHS cũng được sự phối hợp chặt chẽ từ Cục CSHS cũng như Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội. Những đối tượng trong đường dây có trình độ cao về công nghệ thông tin, khi thành lập công ty cũng như các app đều tính trước việc có thể bị cơ quan chức năng sờ gáy, nên có nhiều biện pháp nhằm ẩn mình.
Trong vụ án này, các điều tra viên đều cảm thấy trăn trở khi một bộ phận giới trẻ vừa mới ra trường, còn ít tuổi song đã vội “đánh mất mình”. Thay vì có thể chọn làm những công việc tử tế, đàng hoàng (dù có thể vất vả) thì lại gia nhập vào đường dây đòi nợ thuê. Công việc hằng ngày là gọi điện khủng bố, sử dụng những ngôn ngữ hết sức tục tĩu, vô văn hóa để nhắn tin, gọi điện cho những người không quen biết, thuộc hàng cha chú mình. Thậm chí, còn dùng các phần mềm chỉnh sửa để cắt ghép hình ảnh. Những việc làm trên đã cấu thành hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” và sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Nguồn: cafef.vn