Trở lực M&A

Trở lực M&A

VPBank thâu tóm OPES, trở nên đa dạng hơn trong lĩnh vực tài chính.

Việc siết chặt hơn nguồn vốn tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tạo trở lực đối với các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia của PwC, các nhà giao dịch có lý do chính đáng để thiết lập lại các ưu tiên chiến lược của họ và thực hiện các động thái táo bạo để hoàn thành giao dịch M&A.

Tập trung vào đâu?

Những ưu tiên chiến lược nói trên đã được nhà giao dịch M&A trên thị trường Việt Nam thể hiện, với hàng chục thương vụ lớn tập trung trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, tiêu dùng…

Điển hình như loạt “càn quét” thâu tóm các dự án của Viva Land, một doanh nghiệp mới nổi, vốn thấp nhưng đã sở hữu Sài Gòn One Tower – dự án góp phần đưa cựu lãnh đạo Đông Á Bank vào khăn khó; cùng với đó là dự án mới tại Tuần Châu, tòa nhà văn phòng Capital Place tại Hà Nội…

Trong khối ngân hàng, các thương vụ M&A bảo hiểm và công ty chứng khoán tiếp tục sôi động khi các định chế, tập đoàn có tham vọng mở rộng hệ sinh thái. Điển hình VPBank thâu tóm OPES, Finhay thâu tóm Công ty Chứng khoán Vina, Momo nhảy vào Công ty Chứng khoán CV…

Dẫn đầu khối tiêu dùng, Masan chi 65 triệu USD cho Trusting Social, cùng với đó là các thương vụ có tính đầu tư toàn cầu ở mảng khoáng sản. Nova Consumer cũng kịp hoàn tất vụ M&A Sunrise Foods, tiến tới đưa mảng tiêu dùng vào hợp nhất doanh thu và lợi nhuận…

Những thách thức mới

Nguồn tài chính cũng có thể tác động lớn đến thị trường M&A khi việc kiểm soát đối với tín dụng bất động sản và tài trợ đầu tư trái phiếu để mua cổ phần góp vốn đã liên tục bị hạn chế. Ngoài ra, còn có các quy định dự kiến siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt qua góp vốn mua cổ phần và cho vay lẫn nhau theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020. Trong khi đó, vai trò quỹ tín dụng cho đòn bẩy vốn cổ phần tư nhân của Việt Nam cũng vô cùng hạn chế.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa- Chuyên gia tài chính, nguồn vốn trái phiếu khó khăn có nguy cơ khiến doanh nghiệp bán tháo doanh nghiệp, tài sản và dự án trong thời gian tới. Vì vậy, một số liệu nên được đánh giá 2 chiều, là vốn FDI vào Việt Nam qua M&A cũng đang suy giảm về lượt góp vốn, song giá trị góp vốn lại tăng lên.

Và khi các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với chi phí vốn cao hơn và áp lực tăng lợi nhuận, trong khi những thách thức bên ngoài vẫn đang rất lớn, thì rất cần chủ động xây dựng tình huống M&A, tránh bị động trong “trò chơi”. Theo PwC, điều này đang bị thay đổi bởi “người chơi” lạm phát; và cùng với đó còn phải kể thêm là người cầm trịch – có tiền?

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: