Trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi và có tính chất phức tạp. Các hành vi xấu này không chỉ gây thiệt hại cho công ty bảo hiểm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của khách hàng tham gia bảo hiểm.
Tính chất của các vụ việc trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp và để lại hậu quả lớn cho xã hội. Điều đáng chú ý, có tình trạng các đối tượng vi phạm lại chính là những người được bảo hiểm. Các khách hàng thiếu thiện chí này bất chấp tính mạng, sức khỏe để có những hành vi trục lợi. Còn nhớ hồi tháng 5/2020 tại Đắk Nông đã việc giết người để trục lợi bảo hiểm, gây rúng động dư luận thời điểm đó; hay trường hợp năm 2021, một người đàn ông đã khai báo không trung thực và mua đến 19 hợp đồng bảo hiểm…
Vậy trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý thế nào, làm sao để ngăn chặn hành vi này…? Xoay quanh vấn đề, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Nguyễn Ngọc Lam, Tổng giám đốc Công ty Luật The Lam Law, Đoàn Luật sư TP.HCM và Luật sư Nguyễn Hưng, Công ty Luật Phúc Khánh Hưng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Luật sư đánh giá thế nào về vấn nạn trục lợi bảo hiểm thời gian gần đây?
Luật sư Nguyễn Ngọc Lam: Tính chất của các vụ việc gian lận trong hoạt động bảo hiểm ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Việc trục lợi bảo hiểm diễn ra ở cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Ở bảo hiểm nhân thọ, có các đối tượng bất chấp cả tính mạng và sức khỏe để gian lận. Đối với mảng phi nhân thọ, không ít trường hợp, khách hàng thiếu thiện chí đã dựa trên các kẽ hở, những điều khoản hợp đồng để có hành vi trục lợi.
Hậu quả do các hành vi này để lại là rất nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp bảo hiểm, tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vì bảo hiểm là quỹ chung của nhiều người tham gia, nên khi một hành vi trục lợi xuất hiện, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người có nhu cầu được bảo hiểm chính đáng.
Đây là những hành vi gây bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến tính minh bạch của môi trường kinh doanh, gây mất công bằng xã hội.
Luật sư Nguyễn Hưng: Có thể thấy rằng vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng trở nên nghiêm trọng, tinh vi, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm chân chính, mà còn tạo ra những vấn nạn xã hội.
Việc trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi, khó phát hiện, có sự móc ngoặc giữa người trục lợi bảo hiểm và cả nhân viên công ty bảo hiểm và thậm chí cả các cán bộ công chức Nhà nước. Trong đó, nhiều trường hợp có sự cấu kết, thông đồng giữa khách hàng, nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, bên thứ ba có liên quan như nhân viên giám định, bác sỹ, cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sửa chữa xe.
Một trong những hành vi trục lợi bảo hiểm thường gặp nhất là khách hàng cố ý không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật các thông tin liên quan đến tình trạng của đối tượng được bảo hiểm như: tình trạng sức khoẻ của bản thân trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm… nhằm đạt mục đích được tham gia bảo hiểm. Hoặc tự gây thương tích cho bản thân để được nhận tiền bồi thường bảo hiểm hoặc chi trả quyền lợi bảo hiểm.
Về hậu quả mà hành vi này để lại, đối với doanh nghiệp bảo hiểm: Làm giảm lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh của công ty bị hạn chế, thậm chí còn gây tác động xấu đến uy tín của doanh nghiệp.
Đối với khách hàng, người trung thực sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi, vì phí bảo hiểm mà họ phải nộp dành để chi trả cho cả những khoản tiền gian lận không được phát hiện ra.
Đối với xã hội, nó sẽ làm tha hóa, biến chất cán bộ nhà nước, làm cho môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh và thiếu sự công bằng. Từ đó dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, gây rối trật tự an ninh xã hội.
Hành vi trục lợi bảo hiểm gây hậu quả rất nghiêm trọng làm biến tướng quan hệ xã hội cũng như mục đích tốt đẹp của ngành nghề kinh doanh bảo hiểm. Dẫn đến hậu quả người dân mất niềm tin vào giá trị xã hội của ngành nghề này.
Hành vi trục lợi sẽ bị xử lý thế nào thưa các luật sư?
LS. Nguyễn Ngọc Lam: Các hành vi về trục lợi bảo hiểm cũng sẽ bị xử lý như các hành vi vi phạm pháp luật khác. Các cơ quan chức năng sẽ cân nhắc áp dụng các chế tài phù hợp tùy tình huống và tính chất nghiêm trọng của vụ việc, làm sao đảm bảo tính răn đe lại vừa ngăn chặn được những hành vi trục lợi.
Như điều 213, bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định về xử phạt tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, mức xử phạt hành chính có thể từ 30 – 100 triệu đồng, hoặc trường hợp nặng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ.
LS. Nguyễn Hưng: Trước tình hình hành vi gian lận trong kinh doanh bảo hiểm ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng thì việc đưa ra một chế tài có sức răn đe hơn là rất cần thiết. Dó đó, lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự 2015 của Việt Nam đã hình sự hóa tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm. Tội danh này được quy định, hướng dẫn tại Điều 213 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, nếu quá trình điều tra, nếu phát hiện người trục lợi bảo hiểm có hành vi gian dối nhằm lừa dối các công ty bảo hiểm thì người trục lợi sẽ bị xử lý theo điều 174 Bộ Luật hình sự năm 2015 với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân nếu số tiền trục lợi từ 500.000.000 đồng trở lên.
Vì sao dù đã có các quy phạm pháp luật, các chế tài xử phạt nhưng tình trạng trục lợi vẫn diễn ra?
LS Nguyễn Ngọc Lam: Thứ nhất, hệ thống pháp luật của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Dù quy định pháp luật đã có những dự liệu về hành vi gian lận có thể xảy ra, song không thể bao quát hết toàn bộ các vấn đề cùng một lúc.
Nguyên nhân tiếp theo là do không có sự liên kết giữa, chia sẻ dữ liệu giữa các nhà bảo hiểm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm còn thiếu một hệ thống quản lý xuyên suốt từ trên xuống dưới. Điều này đã tạo ra những kẻ hở cho các đối tượng xấu có thể trục lợi.
Một phần khác là do công tác tuyên truyền hay nâng cao nhận thức cộng đồng vẫn còn chưa đi vào thực tiễn và có nhiều giá trị về mặt chiều sâu, dẫn đến chưa tạo được cơ sở tốt cho việc phòng ngừa. Các chế tài chỉ mang ý nghĩa giải quyết hậu quả. Việc quan trọng là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
LS. Nguyễn Hưng: Để xảy ra tình trạng này một phần là quá trình kiểm tra và chế độ chi trả tiền bảo hiểm của các công ty bảo hiểm chưa chặt chẽ. Cũng có thể người trục lợi chưa hiểu biết hết quy định của pháp luật dẫn đến hành vi vi phạm. Một phần khác là do bộ phận người trục lợi bất chấp quy định và chế tài xử lý, họ vẫn cố ý thực hiện hành vi phạm tội đến cùng.
Giải pháp nào giúp ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm?
LS. Nguyễn Ngọc Lam: Các nhà bảo hiểm phải tăng cường quản trị về mặt hệ thống, con người và kỹ thuật, bảo đảm chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đào tạo chuyên sâu cho chuyên viên tư vấn bảo hiểm, cũng như những phòng ban tiếp nhận xử lý các sự kiện bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải giữ thái độ hợp tác với khách hàng, song phải có chuyên môn sâu để sẵn sàng từ chối, khước từ đối với các trường hợp cố tình trục lợi bảo hiểm. Các công ty cũng phải có biện pháp phòng ngừa, tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”.
Một điểm nữa đó là nên có thêm những nghị quyết của hội đồng thẩm phán, tòa án nhân dân tối cao và những án lệ cho hoạt động bảo hiểm. Điều đó sẽ giúp các cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể căn cứ vào đó để có những bổ sung hết sức cần thiết cho thị trường, tạo cơ sở hành lang pháp lý cho một môi trường phát triển lành mạnh, cải thiện hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước và tư pháp hiện nay.
LS. Nguyễn Hưng: Việc ngăn chặn tình trạng trục lợi này phải xuất phát từ việc tuyên truyền để người dân hiểu được đó là hành vi trái pháp luật và khi bị phát hiện sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc các chế tài khác rất nghiêm khắc./.
Nguồn: cafef.vn