Trung Quốc: Gửi ngân hàng 14 tỷ, chàng trai ngơ ngác khi hết kỳ hạn chỉ rút được 600 triệu

Trung Quốc: Gửi ngân hàng 14 tỷ, chàng trai ngơ ngác khi hết kỳ hạn chỉ rút được 600 triệu

Câu trả lời của vị giám đốc chi nhánh ngân hàng lại càng khiến chàng trai hoang mang.

Giàu nhanh từ đất quy hoạch không còn là câu chuyện hiếm gặp tại các vùng quê đang phát triển. Anh Chu sống tại Ninh Ba, Trung Quốc cũng là một người may mắn “phất lên” nhờ tiền đền bù đất.

Năm 2017, ngôi nhà của anh ở quê được mua lại để quy hoạch xây chung cư, anh cũng nhận được khoản đền bù tới 4,1 triệu NDT (tương đương 14 tỷ đồng).

Cầm khoản tiền khổng lồ trong tay, anh Chu bối rối không biết làm gì nên quyết định đem gửi tất cả số tiền này vào ngân hàng , tuy lãi suất không quá cao nhưng cảm thấy an tâm hơn nhiều.

Khi đến gửi tiền năm 2017, anh Chu được đích thân đón tiếp bởi giám đốc chi nhánh ngân hàng. Sau khi nói chuyện với giám đốc, anh được tư vấn gửi tiền với kỳ hạn 1 năm, anh nhanh chóng kỳ hợp đồng cùng nhân viên tư vấn và hoàn thành thủ tục.

Tới năm 2018, nhớ thời gian khoản tiền gửi đáo hạn, anh Chu ra ngân hàng để nhận tiền về nhưng lại nhận được thông báo khó hiểu: “Hiện tại anh chỉ có thể rút tiền lãi là 180.000 NDT (khoảng 600 triệu đồng). Khoản tiền gốc 4,1 triệu NDT đã tự động gia hạn và không thể rút trong vòng 1 năm nữa.”

Anh Chu vô cùng hoang mang. Anh không hiểu tại sao khoản tiền của mình là được gia hạn mà không có bất kỳ thông báo gì trước đó. Khi đưa hợp đồng tiền gửi của mình cho những người có kinh nghiệm xem giúp, anh mới nhận ra hợp đồng này hoàn toàn không giống như anh nghĩ.

Số tiền 4,1 triệu NDT của anh không phải tiền gửi tiết kiệm mà nằm dưới hình thức mua sản phẩm tài chính của bên thứ 3 – một công ty có tên Penghua Juxin.

Anh Chu thú nhận mình đã từng thấy cái tên này trong hợp đồng nhưng do anh không hiểu rõ nên nghĩ đây là một nghiệp vụ ngân hàng. Anh cho biết nhân viên ngân hàng cũng chỉ tư vấn cho mình đây là tiền gửi thông thường.

Theo đó, khoản tiền hiện tại anh Chu gửi đang nằm trong quyền quản lý của công ty kia, ngân hàng chỉ bán sản phẩm với tư cách đại lý. Nhân viên ngân hàng nói anh Chu phải tự liên hệ với công ty Penghua Juxin để giải quyết khiếu nại.

Trong lúc tuyệt vọng, anh Chu đã gọi điện tới công ty kia để đòi lại tiền nhưng nhận được câu trả lời “công ty không chủ động liên hệ với khách của ngân hàng và không có trách nhiệm thông báo khi gia hạn hợp đồng”.

Anh Chu đành phải quay lại nói chuyện với ngân hàng, thắc mắc về việc khoản tiền của mình đáo hạn và tự gia hạn mà không được thông báo. Thế nhưng vị giám đốc chi nhánh chỉ nói: “Đây là vấn đề trong khâu chăm sóc khách hàng, ngân hàng sẽ cố gắng cải thiện trong thời gian tới”.

Trước màn “đá bóng” trách nhiệm của hai bên, khoản tiền gốc của anh Chu vẫn không thể rút được do quy định của việc đầu tư sản phẩm tài chính, anh Chu chỉ cách chờ đợi thêm 1 năm để lấy tiền.

Hiện anh Chu cuối cùng đã phải nộp đơn khiếu nại ngân hàng và công ty đầu tư kia lên Hiệp hội Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng Tài chính thành phố Ninh Ba.

Tự bảo vệ mình khi đi gửi tiền

Trường hợp của anh Chu không phải hiếm gặp tại Trung Quốc. Những năm gần đây, nhiều sản phẩm tài chính xuất hiện nhưng người dân vẫn chưa thực sự hiểu và cách vận hành, cách đầu tư.

Nhiều người thường nhầm lẫn các sản phẩm tài chính như cổ phiếu quỹ với tiền gửi lãi cao mà không hiểu rõ về quy trình đầu tư, giải ngân. Một số nhân viên ngân hàng cũng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách, đặc biệt là khách hàng cao tuổi để tiếp thị một cách mập mờ, dẫn đến tình trạng “gửi tiết kiệm nhưng không rút ra được”.

Những người có nhu cầu gửi tiết kiệm nên tự bảo vệ mình bằng cách nghiên cứu kỹ hợp đồng, không nên ỷ lại hay quá tin tưởng vào nhân viên tư vấn.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: