Trong quý 1/2022, lượng giao dịch đất nền trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 4.334 lô trong khi nhà riêng lẻ chỉ giao dịch 189 căn và chung cư là 27 căn. Với nhiều tiềm năng, thị trường bất động sản Thừa Thiên Huế được các chuyên gia dự báo sẽ trở thành tâm điểm mới trong thời gian tới.
Giao dịch đất nền vượt trội
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế về thị trường bất động sản quý 1/2022, đất nền có lượng giao dịch vượt trội so với phần còn lại của thị trường. Lượng giao dịch đất nền trên địa bàn tỉnh này trong quý vừa qua đạt 4.334 lô trong khi nhà riêng lẻ chỉ giao dịch 189 căn và chung cư là 27 căn.
Về giá bán chung cư trên địa bàn tỉnh hiện đang dao động ở mức 25 triệu đồng/m2, giá bán nhà ở riêng lẻ dao động ở mức 28 triệu đồng/m2 và giá bán nhà ở xã hội hiện đang dao động ở mức 16,5 triệu đồng/m2.
Về dự án nhà ở thương mại, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 dự án đang triển khai với quy mô 644 căn chung cư và 580 căn nhà ở riêng lẻ.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 dự án nhà ở thương mại hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán trong quý 1/2022 với 644 căn chung cư và 289 căn nhà ở riêng lẻ.
Tỉnh này cho biết, trên địa bàn hiện có 21 dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp phép với quy mô 3.212 căn biệt thự du lịch và 10.818 phòng. Trong đó có 14 dự án đang triển khai và 7 dự án đã hoàn thành.
Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, có nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến doanh nghiệp và thị trường bất động sản địa phương, như thiếu hụt lực lượng lao động do đại dịch Covid-19 và giá cả vật tư, vật liệu và giá nhân công biến động tăng cao.
Từng là điểm nóng “sốt đất”
Theo khảo sát cho thấy, hiện giá đất tại Phú Vang dao động từ 9-17 triệu đồng/m2; TP. Huế dao động từ 27-61 triệu đồng/m2; Hương Thủy dao động từ 10-17 triệu đồng/m2; Hương Trà giá đất dao động 11-18 triệu đồng/m2; Phong Điền dao động từ 2,5-7 triệu đồng/m2; Phú Lộc dao động từ 3-9 triệu đồng/m2; Quảng Điền có giá dao động từ 6-12 triệu đồng/m2.
Trước đó, hồi giữa năm 2021, giá đất ở các vùng ven TP Huế ghi nhận tăng đột biến từ 30 – 40% so với thời điểm đầu năm. Cá biệt, có khu vực tăng gấp đôi. Sở dĩ có tình trạng này là do Trung ương thông qua điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính TP Huế.
Vào thời điểm đó, tại Thừa Thiên Huế hình thành một số điểm nóng về giá đất. Đơn cử như cuộc đấu giá những lô đất thuộc khu quy hoạch (mở rộng địa giới TP Huế) thôn Phước Linh, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang vào ngày 27/3/2021. Giá khởi điểm các lô thuộc vị trí 1 được đấu từ 6 triệu đồng/m2, sau đó tăng vọt lên hơn 18 triệu đồng/m2.
Hay cuộc đấu giá đất tạo “sốt” ở xã Hương Phong, thị xã Hương Trà vào hồi tháng 5/2021 cũng khiến nhiều người choáng. Khu đất vốn là đất ruộng được chính quyền thu hồi, chuyển mục đích sử dụng thành đất ở rồi cho đấu giá ở thôn Thuận Hòa, ban đầu chỉ hơn 1 triệu đồng/m2 nhưng kết thúc đấu giá, lô nhỏ nhất với diện tích khoảng 160m2 hơn 1 tỷ đồng.
Cũng trong cơn “sốt đất” thời điểm đầu năm 2021, đất ở khu vực trung tâm TP Huế ghi nhận tăng giá từ 10-15% so với thời điểm cuối năm 2020. Trước những diễn biến phức tạp trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã vào cuộc chấn chỉnh thị trường, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng sốt đất, sốt giá và bong bóng bất động sản.
Nhiều xung lực tạo “sóng” cho chu kỳ mới
Thừa Thiên Huế với định hướng đến năm 2025 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa đặc trưng.
Theo DKRA, Thừa Thiên Huế đã và đang đẩy mạnh đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, tập trung xây dựng bản đồ phát triển bất động sản để thu hút đầu tư. Đồng thời, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông liên vùng, trong đó ưu tiên thực hiện các dự án kết nối trực tiếp đến Đà Nẵng và Hội An.
Đồng thuận với định hướng này, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Bên cạnh không gian “Huế Xưa”, Thừa Thiên Huế sẽ có thêm không gian “Huế Mới” với các vùng đô thị hiện đại văn minh, với nhà cao tầng, dịch vụ vụ thương mại quốc tế, cũng như hệ thống hạ tầng hiện đại bao gồm sân bay, đường cao tốc, tuyến metro,…
Chúng ta có thể kỳ vọng các khu đô thị mới sẽ mang bản sắc thế kỷ 21 của Thừa Thiên Huế và đây sẽ là nơi an cư lạc nghiệp với môi trường đô thị đáng sống tầm cỡ quốc tế cho các thế hệ tương lai”.
Mặt khác, việc khuyến khích phát triển những dự án khu đô thị với hạ tầng hiện đại tại các vùng đất mới vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tương lai, vừa giúp giảm áp lực phát triển lên khu đô thị hiện hữu. Nhờ đó, vừa có thể tăng trưởng đô thị, vừa gián tiếp góp phần cho việc bảo tồn di sản Huế – Tiến sĩ, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Trong những năm gần đây, các “ông lớn” bất động sản như Bitexco, Apec, BRG… đã đua nhau rót hàng nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án đô thị, nghỉ dưỡng nhằm phát triển và khai thác tối đa tiềm năng du lịch tại đây.
Hồi tháng 3/2022, Tập đoàn Hòa Phát bày tỏ mong muốn các sở ban ngành tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ tìm kiếm vị trí phù hợp để Tập đoàn đầu tư khu đô thị hiện đại, có quy mô, trở thành một khu đô thị “đáng sống” tại Huế.
Theo DKRA, từ cuối năm 2021 – đầu năm 2022, một số tín hiệu báo động sự khởi đầu cho một thời kỳ mới đã xuất hiện trên thị trường bất động sản Huế sau khoảng thời gian yên ắng do tác động của dịch Covid-19. Không chỉ các chủ đầu tư chuẩn bị đón “sóng”, nhiều nhà đầu tư khắp cả nước cũng đang hướng trở lại khu vực miền Trung.
Những thông tin quy hoạch, hạ tầng giao thông hỗ trợ gia tăng thanh khoản, giá bán thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Nguồn: cafef.vn