USD tăng trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần giảm trong bối cảnh các nhà giao dịch cân nhắc mức độ tác động của dữ liệu lạm phát Mỹ – bắt đầu có dấu hiệu cải thiện – và cảnh báo từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ rằng cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc.
Dữ liệu vừa công bố cho thấy giá nhập khẩu của Mỹ trong tháng 7 giảm lần đầu tiên trong vòng 7 tháng nhờ chi phí nhiên liệu và các sản phẩm phi nhiên liệu giảm xuống.
Đây là báo cáo thứ 3 cho thấy lạm phát của Mỹ có thể đã đạt “đỉnh”.
Trước đó, hai dữ liệu quan trọng khác về lạm phát Mỹ, cũng công bố trong tuần này, cho thấy giá tiêu dùng và giá sản xuất trong tháng 7 đều hạ nhiệt, khiến các nhà giao dịch băn khoăn không rõ liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm lần thứ 3 liên tiếp trong kỳ họp tháng 9 tới hay không.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 12/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,533% lên 105,62.
Trong nước, đồng USD trên thị trường chợ đen đảo chiều tăng theo xu hướng tỷ giá quốc tế bất chấp tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm. Theo đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.153 VND/USD, tăng so với 23.163 VND ở phiên liền trước. Giá USD chợ đen trong nước ở mức 23.950 – 24.050 đồng (mua vào – bán ra), so với mức 23.780 – 23.880 đồng ở phiên thứ Năm (11/8).
Vào giữa tuần này, DXY đã giảm mạnh, giảm hơn 1% chỉ trong một phiên thứ Tư (10/8) sau khi dữ liệu giá tiêu dùng tháng 7 của Mỹ được công bố. Tính chung cả tuần, DXY giảm 0,8%.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Convera, cho biết: “Mặc dù tình hình lạm phát có sự cải thiện và điều đó dẫn tới việc đồng USD giảm giá trong tuần này, song niềm tin vào việc Fed sẽ giảm tích cực trong việc nâng lãi suất vẫn rất mong manh”.
Sự đảo chiều đi lên của đồng bạc xanh xuất phát từ quan điểm nhất quán của các quan chức Fed, những người đã luôn nói rõ rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Hôm thứ Năm (11/8), Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, Mary Daly, cho biết bà sẵn sàng cho khả năng tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa trong kỳ họp tháng 9.
Ông Manimbo cho biết: “Fed sẽ có xu hướng phủ nhận quan điểm rằng họ sẽ sớm thay đổi chính sách”, “Điều đó có thể sẽ làm mất đi những thành quả mà họ đã rất nỗ lực một cách khó khăn để giảm lạm phát”.
Các nhà giao dịch đang định giá khoảng 36,5% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9, và 63,5% khả năng tăng 50 điểm.
Kit Juckes, người phụ trách mảng chiến lược ngoại hối của Societe Generale, cho biết giao dịch đồng đô la có thể vẫn “thay đổi”.
So với yen Nhật, USD trong phiên vừa qua tăng 0,4% lên 133,51 JPY.
Ông Juckes nói: “USD sẽ không yếu đi đáng kể vì thị trường vẫn định giá mức lãi suất cuối kỳ sẽ ở mức cao do lạm phát vẫn còn lớn”.
Đồng bảng Anh giảm 0,745 xuống 1,2124 USD trong phiên vừa qua. Dữ liệu cho thấy GDP của Vương quốc Anh trong tháng 6 giảm ít hơn so với dự báo.
Đồng euro phiên này cũng giảm 0,54% xuống 1,0262 USD/EUR. Lạm phát của Pháp đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi ở Tây Ban Nha là 10,8%, mức cao nhất kể từ năm 1984.
Đồng euro đã chịu sức ép lớn bởi việc châu Âu có những biện pháp trừng phạt Nga, cuộc “săn lùng” những nguồn năng lượng khác ngoài Nga, và ảnh hưởng của việc thiếu mưa đối với Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Trong thông báo của mình, ngân hàng Commerzbank cho biết họ đã điều chỉnh giảm dự báo về đồng euro do nhận định suy thoái ở khu vực đồng euro là một “kịch bản cơ bản” (trước đây chỉ là một “kịch bản rủi ro”).
Ngân hàng dự kiến đồng euro sẽ giảm xuống 0,98 USD vào tháng 12 và sẽ không phục hồi cho đến cuối năm 2023.
Đồng đô la New Zealand trong phiên cuối tuần cũng tăng do kỳ vọng vào việc Ngân hàng Dự trữ New Zealand sẽ tăng lãi suất vào tuần tới.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc nhích tăng so với USD trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần tăng mạnh nhất trong vòng 2 tháng trong bối cảnh những người tham gia thị trường dự đoán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ rút một lượng tiền mặt khỏi hệ thống ngân hàng trong đợt cho vay chính sách vào thứ Hai tới.
Phiên thứ Sáu (12/8), PBOC ấn định tỷ giá trung tâm ở mức 6,7413 CNY/USD, giảm 89 pip so với phiên liền trước. Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ kết thúc phiên tăng 95 pip lên 6,7355 CNT. Tính chung cả tuần, CNY tăng 0,41% – nhiều nhất kể từ đầu tháng 6.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, nhưng nhìn chung duy trì trên ngưỡng 24.000 USD.
Đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng Bitcoin và thị trường tiền ảo đang bước vào chu kỳ tăng giá mới. Theo đó, dù thị trường tiền điện tử mới chỉ thoát khỏi khủng hoảng ít tháng nhưng khả năng cung cấp dịch vụ cho vay ký quỹ trên thị trường này không quá tệ. Một số chuyên gia cũng dự đoán triển vọng trong ngắn hạn của Bitcoin tương đối lạc quan, có thể tăng lên mức 29.000 USD.
Giá vàng tăng trong phiên cuối tuần do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, đưa giá trong cả tuần tăng tuần thứ 4 liên tiếp.
Cụ thể, giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 12/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 1.793,39 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng hơn 1%; giá vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,1% lên 1.808,50 USD/ounce.
Tuy nhiên, các bình luận gần đây của Fed tiếp tục mang tính “diều hâu” đã ngăn kim loại quý này phá vỡ trên mức 1.800 USD.
Trong nước, giá vàng ngày 12/8 tiếp tục tăng nhẹ thêm 200.00 đồng/lượng, vàng SJC lên 66,30 – 67,30 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), so với mức 66,1-67,1 triệu đồng/lượng ở phiên liền trước.
Trong khi đó, giá trong nước cao đã hạn chế nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ trong tuần này, trong khi sự không chắc chắn xung quanh các diễn biến liên quan đến Đài Loan đã khiến các nhà nhập khẩu vàng miếng ở Trung Quốc chỉ mua nhỏ giọt.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn