USD tiếp tục giảm trên cả thị trường trong nước và quốc tế sau khi báo cáo cho thấy lạm phát của Mỹ trong tháng 7 không “nóng” dự đoán, khiến các nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào việc Fed sẽ tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới.
Các nhà đầu tư đã giảm tỷ lệ đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp trong kỳ họp tháng 9 tới, sau khi dữ liệu hôm thứ Tư (10/8) cho thấy giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ trong tháng 7 không thay đổi, và dữ liệu hôm thứ Năm (11/8) cho thấy giá sản xuất Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 7, giữa bối cảnh giá năng lượng hạ nhiệt.
Các nhà giao dịch hiện đang nhận định có 66% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9, và 34% khả năng tăng 75 điểm cơ bản.
Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán thế giới tăng điểm trong khi USD giảm so với hầu hết các tiền tệ chủ chốt khi các nhà giao dịch điều chỉnh lại dự báo trên cơ sở nhận định lạm phát của Mỹ – cao nhất trong vòng hàng thập kỷ – có thể đã đạt “đỉnh”.
Karl Schamotta, chiến lược gia thị trường trưởng thuộc công ty Corpay, cho biết: “Nhu cầu đối với những tài sản ‘rủi ro’ tăng trở lại khi triển vọng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ”.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền chủ chốt – lúc kết thúc ngày 11/8 theo giờ Việt Nam giảm 0,257% xuống 104,95, sau khi đã giảm 1% trong phiên liền trước – mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng.
Phiên này, USD có lúc còn giảm sâu hơn nữa, nhưng sau đó đã hồi phục một phần khi các quan chức của Fed cố gắng ‘xoa dịu’ kỳ vọng về khả năng sẽ nới lỏng đáng kể chính sách tiền tệ.
Trong nước, đồng USD cũng tiếp tục giảm. Theo đó, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.163 VND/USD, giảm so với 23.174 VND ở phiên liền trước. Giá USD chợ đen trong nước duy trì ở mức 23.780 – 23.880 đồng (mua vào – bán ra).
Chuyên gia phân tích Neel Kashkari cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ “còn rất xa mới tuyên bố chiến thắng” trong cuộc chiến với lạm phát.
“Nới lỏng các điều kiện tài chính là xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu và các quan chức Fed không muốn đi ngược với chính sách này”, nhà phân tích Schamotta cho biết.
Dữ liệu mới đây nhất cho thấy giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng Bảy trong bối cảnh chi phí cho các sản phẩm năng lượng giảm và lạm phát nhìn chung đang có xu hướng giảm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng tuần thứ hai liên tiếp bất chấp thị trường lao động vẫn thắt chặt.
Đồng euro và yên Nhật là một số trong những đồng tiền được hưởng lợi từ việc USD suy yếu, theo đó cả 2 loại tiền đều tiếp tục xu hướng tăng từ phiên liền trước.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 11/8 tăng 0,34% lên 1,03345 USD, trong khi yen Nhật
tăng 0,22% lên 132,59 JPY/USD, sau khi tăng hơn 1% hôm 10/8.
Marshall Gittler, người phụ trách bộ phận nghiên cứu đầu tư thuộc BDSwiss Holding Ltd cho hay: “Nếu lạm phát toàn cầu bắt đầu chậm lại thì các ngân hàng trung ương khác cũng có thể cắt giảm kế hoạch thắt chặt tiền tệ của họ, có nghĩa là khoảng cách lãi suất dự kiến giữa các nước đó và Mỹ sẽ không thu hẹp nhiều.
“Nhưng vì Nhật Bản không dự kiến sẽ tăng lãi suất nên bất kỳ thay đổi nào trong dự đoán về lãi suất của Mỹ sẽ đều có tác động đến khoảng cách dự kiến giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản.
Đồng bảng Anh phiên vừa qua tăng 0,06% so với đồng USD, lên 1,2224 USD, sau khi tăng hơn 1% vào ngày hôm trước.
Tại các thị trường châu Á, các nhà đầu tư đã giảm tỷ lệ đặt cược vào khả năng tỷ giá các tiền tệ châu Á mới nổi sẽ giảm với kỳ vọng các biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ giúp hạ nhiệt lạm phát đang ‘nóng’, trong đó tỷ lệ đặt cược vào tỷ giá baht Thái trong ngắn hạn giảm mạnh sau khi nước này tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 4 năm. Tỷ lệ đặt cược vào peso Philippines, đô la Singapore và rupiah Indonesia cũng giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm khỏi mức cao nhất 2 tuần do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và các đợt giãn cách xã hội làm sâu sắc thêm mối lo ngại rằng kinh tế sẽ hồi phục chậm và không đồng đều.
Trước khi thị trường mở cửa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá trung tâm ở mức 6,7324 CNY/USD, tăng 288 pip hay 0,43% so với phiên trước đó. Tuy nhiên, trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ giảm 144 pip xuống 6,7389 CNY.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tăng mạnh, vượt ngưỡng 24.000 USD theo xu hướng gia tăng nhu cầu đối với tài sản rủi ro. Lúc kết thúc ngày 11/8 theo giờ Việt Nam, Bitcoin có giá 24.398 USD.
Giao dịch tiền điện tử phái sinh trên các sàn giao dịch tập trung đã tăng lên 3,12 nghìn tỷ đô la trong tháng 7, tăng 13% so với tháng liền trước, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu CryptoCompare cho biết.
Thị trường phái sinh hiện chiếm 69% tổng khối lượng tiền điện tử, tăng từ mức 66% vào tháng 6 và giúp đẩy tổng khối lượng tiền điện tử trên các sàn giao dịch lên mức 4,51 nghìn tỷ USD trong tháng 7.
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua do USD yếu đi và các nhà đầu tư cho rằng với các chỉ số lạm phát hạ nhiệt, Fed sẽ không tăng mạnh lãi suất nữa.
Lúc kết thúc ngày 11/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên sàn London tăng 0,1% lên 1.793,37 USD/ounce.
Trong nước, giá vàng ngày 11/8 tăng nhẹ thêm 100.00 đồng/lượng, lên khoảng 66,1-67,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại của High cho biết: “Vàng đang nhích dần đến ngưỡng quan trọng 1.800 USD khi thị trường giảm kỳ vọng vào việc Fed twang lãi suất – khiến đồng USD suy yếu.
Tham khảo: Refinitif, Coindesk
Nguồn: cafef.vn