Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng sau khi Bắc Kinh giữ nguyên lãi suất cho vay để tránh việc chính sách tiền tệ của mình tiếp tục phân hóa so với các nền kinh tế khác.
Đồng euro tăng trong phiên thứ Hai (20/6) khi thị trường tập trung sự chú ý vào các công cụ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) để chống lại sự “phân mảnh” (sự chênh lệch) trong khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), loại bỏ nguy cơ bế tắc chính trị ở Pháp hiện nay sau khi Tổng thống Emmanuel Macron mất đa số tuyệt đối phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội.
Liên minh Ensemble của ông Macron đã giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội (246 ghế) nhưng lại không đạt đa số tuyệt đối cần thiết (289 ghế) để kiểm soát Quốc hội, kết quả bầu chính thức do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 20/6 cho thấy.
Các nhà phân tích và các thương nhân đã chú ý xem xét kết quả bầu cử thay vì tập trung vào nỗ lực của ECB trong việc kiềm chế chi phí đi vay (lãi suất cho vay) ở các nước phía nam của khối và triển vọng chính sách tiền tệ toàn cầu.
Ingvild Borgen Gjerde, nhà phân tích tiền tệ của DNB Markets cho biết: “Mặc dù nhiệm kỳ Tổng thống của ông Macron và đa số trong quốc hội sẽ là yếu tố rất ‘tích cực’ cho sự hợp tác ở khu vực đồng euro, v.v. .”, song “Có hai điều rất quan trọng đối với đồng euro: Loại bỏ công cụ chống lại sự “phân mảnh” mà ECB có thể đưa ra, và triển vọng chính sách tiền tệ.”
Chủ tịch ECB Christine Lagarde vào ngày 20/6 đã tái xác nhận kế hoạch ECB sẽ tăng lãi suất hai lần vào mùa hè này, trong khi chống lại sự gia tăng chênh lệch về chi phí đi vay của các quốc gia khác nhau trong khu vực đồng euro.
Đồng euro lúc kết thúc ngày 20/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,4% so với đồng USD, lên mức 1,05365 USD. So với yen Nhật, EUR chỉ thay đổi nhẹ, ở mức 135,03 JPY trong cùng thời điểm, sau khi có lúc chạm mức 135,44 JPY – gần sát mức cao nhất kể từ tháng 10/1998, đạt được vào thứ Tư (15/6).
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt, bao gồm euro và yen, lúc kết thúc ngày 20/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,4% xuống 104,31, nhưng vẫn gần sát mức cao nhất trong vòng 2 thập niên, là 105,79, đạt được ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong nỗ lực kiềm chế lạm phát cao.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ điều trần trước Thượng viện và Hạ viện vào thứ Tư và thứ Năm tuần này.
Các đồng tiền nhạy cảm với rủi ro như đô la Australia và đô la New Zealand đều tăng lần lượt 0,5% và 0,4% khi tâm lý đối với tài sản rủi ro của nhà đầu tư trở nên ổn định trở lại sau tuần vừa qua biến động mạnh.
Đồng USD giảm 0,3% so với franc Thụy Sĩ trong phiên vừa qua, xuống 0,96685 CHF, trong khi bảng Anh tăng tăng 0,3% lên 1,2256 USD.
Đối với yen Nhật, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda hôm 20/6 cho biết ngân hàng trung ương nước này hy vọng sẽ có phản ứng phù hợp trên thị trường tiền tệ với sự phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, đưa ra một cảnh báo mới về việc đồng yên giảm mạnh gần đây.
Đồng rúp Nga duy trì gần mức cao nhất trong nhiều năm do chính sách kiểm soát vốn của ngân hàng trung ương nước này, và dự kiến rúp sẽ tiếp tục vững giá cho đến cuối tháng này, do các khoản thanh toán thuế tập trung vào cuối tháng.
Theo đó, rúp Nga kết thúc phiên 20/6 giảm 0,2% xuống 56,52 RUB/USD, và giảm 0,5% xuống 59,18 RUB/EUR, song vẫn là mức gần cao nhất trong vòng 5 năm.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong một tuần do lãi suất tham chiếu tiền cho vay ổn định, sau khi Bắc Kinh giữ nguyên lãi suất cho vay để tránh việc chính sách tiền tệ của mình tiếp tục phân hóa so với các nền kinh tế khác.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 20/6 ấn định tỷ giá trung tâm ở mức 6,712 CNY/USD, giảm 0,3% so với phiên liền trước. Trên thị trường giao ngay, CNY kết thúc ngày 20/6 tăng 401 pip so với phiên liền trước, lên 6,6772 CNY/USD.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin dao động quanh mức 20.000 USD sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, là 17.592,78 USD vào hôm thứ Bảy (18/6), mức thấp chưa từng thấy kể từ cuối năm 2020. Vào lúc kết thúc ngày 20/6 theo giờ Việt Nam, Bitcoin ở mức 19.940 USD.
Thị trường tiền điện tử đang trong giai đoạn biến động mạnh khi các nhà đầu tư lo ngại rằng những vấn đề ở đơn vị kinh doanh tiền điện tử lớn có thể dẫn đến tác động lây lan trên diện rộng.
Sự sụt giảm của Bitcoin kéo theo các vấn đề tại một số công ty tiền điện tử lớn. Những người tham gia thị trường cho biết sự sụt giảm hơn nữa có thể xảy ra khi các nhà đầu tư tiền điện tử khác buộc phải bán số tiền mà họ nắm giữ để thực hiện các nghĩa vụ ký quỹ và bù lỗ.
Giá vàng trong phiên 20/6 dao động trong biên độ hẹp khi USD yếu đi và thị trường dấy lên lo ngại khi Fed thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ và tập trung theo dõi quan điểm của một số ngân hàng trung ương trong tuần này.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 20/6 theo giờ Việt Nam vững ở 1.837,46 USD/ounce, vàng giao tháng 8 cũng vững ở 1.840,20 USD.
Nhà phân tích cấp cao Lukman Otunga của FXTM cho biết: “Kim loại quý có khả năng sẽ duy trì trong một phạm vi hẹp do chịu tác động bởi cả yếu tố hậu thuẫn giá tăng cũng như yếu tố gây áp lực giảm giá”.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn