USD giảm, Nhân dân tệ hồi phục khỏi mức thấp 2 năm sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ

USD giảm, Nhân dân tệ hồi phục khỏi mức thấp 2 năm sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ

Cả đô la Mỹ và euro đều giảm giá trong ngày 25/8 khi các nhà đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, vào thứ Sáu (26/8) để biết thêm manh mối về mức độ tích cực của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh giữa USD với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 25/8 theo giờ Việt Nam giảm 0,05% xuống 108,57. Mặc dù giảm song mức này vẫn gần sát mức cao nhất trong vòng 20 năm là 109,29 đạt được vào ngày 14 tháng 7. Trong phiên liền trước (thứ Tư, 24/8), DXY đạt lên 108,99, sau khi một số dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ trong quý 2/2022 kém hơn dự kiến. Đồng euro kết thúc ngày 25/8 theo giờ Việt Nam giảm 0,04% xuống 0,9964 USD, sau khi chạm mức thấp nhất trong 20 năm là 0,99005 USD vào Thứ ba (23/8).

Các nhà đầu tư trở nên bối rối và khó đoán Fed sẽ tăng lãi suất 50 hay 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9 trong bối cảnh thể chế này nỗ lực ngăn chặn lạm phát song đồng thời cũng phải đối mặt với một số dữ liệu kinh tế không khả quan.

Theo những dữ liệu vừa công bố, đơn đặt hàng mới đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất tăng chậm lại trong tháng 7 so với tháng trước đó, cho thấy đầu tư thiết bị của lĩnh vực kinh doanh có thể khó phục hồi sau khi đã giảm trong quý 2. Ngoài ra, doanh số bán căn hộ đơn lẻ trong tháng 7 giảm xuống xuống mức thấp nhất 6,5 năm, và hoạt động của khu vực tư nhân Mỹ trong tháng 8 yếu hơn dự kiến.

Shaun Osborne, giám đốc chiến lược tiền tệ thuộc Scotiabank (trụ sở ở Toronto), cho biết: “Dường như các thị trường đang mong đợi một thông điệp từ ông Powell rằng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ”.

Thực vậy, các nhà đầu tư đang giảm hy vọng về việc Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất khi lạm phát vẫn ở mức 8,5% (so với cùng kỳ năm trước), cao gấp nhiều lần so với mục tiêu 2%.

Tuy nhiên, “Kể từ khi biên bản cuộc họp tháng 7 của FOMC (Ủy ban Thị trường mở của Fed) được công bố, các dữ liệu kinh tế ở cả trong và ngoài nước Mỹ đều không thực sự tốt. Tôi nghĩ rằng với việc giá xăng dầu ở Mỹ đang giảm khá nhiều cho thấy áp lực lạm phát có thể đã lên đến đỉnh điểm”, ông Osborne nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Kansas, Esther George, cho biết còn quá sớm để dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất bao nhiêu vào tháng tới, vì các báo cáo quan trọng về lạm phát và thị trường lao động vẫn chưa được công bố. Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, cũng nói rằng ông vẫn chưa quyết định liệu Fed có nên tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản hay 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng tới hay không.

Hiện thị trường đang định giá có 59% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 9 tới, và có 41% khả năng tăng 50 điểm.

Trọng tâm bài phát biểu của ông Jerome Powell tại Hội nghị chuyên đề Jackson Hole sẽ là mức độ suy giảm kinh tế – có thể làm thay đổi tốc độ thắt chặt tiền tệ của Fed, hoặc sự liệu việc chế ngự lạm phát có ảnh hưởng tiêu cực lên các yếu tố kinh tế khác hay không?

Marc Chandler, người phụ trách mảng chiến lược gia thị trường của Bannockburn Global Forex (ở New York) cho biết: “Đồng USD vẫn được giá cao và theo tôi, thị trường đã đi đến kết luận rằng những dữ liệu này sẽ không làm thay đổi quan điểm của Fed về những gì sẽ xảy ra vào tháng tới”. “Mặc dù quan điểm của các nhà đầu tư có thể dao động qua lại giữa hai vấn đề lạm phát và suy thoái, nhưng các ngân hàng trung ương thì không. Họ tập trung vào vấn đề lạm phát”.

EUR là đồng tiền duy nhất đã tăng trở lại trên mức ngang giá với USD trong một thời gian ngắn của phiên vừa qua, trước khi giảm trở lại sau khi một số dữ liệu cho thấy tâm lý của các nhà kinh doanh ở Đức tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2020.

Xu hướng tỷ giá USD/EUR tuần này chủ yếu được thúc đẩy bởi giá khí đốt tự nhiên tăng cao, tương quan với đồng euro giảm đi do khu vực này phụ thuộc vào khí đốt đáp để ứng nhu cầu năng lượng của mình. Điều đó, cộng với những lo lắng về nền kinh tế toàn cầu đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào USD vào đầu tuần này.

Giá khí đốt kỳ hạn giao sau 1 tháng tại Hà Lan – tham chiếu cho thị trường châu Âu – đã tăng trở lại trong những ngày qua do khả năng Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 trong 3 ngày cuối tháng. Đồng euro đang bị “tổn thương” bởi những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của khu vực này do phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng.

Nhà phân tích tiền tệ Ingvild Borgen Gjerd của DNB Markets cho biết: “Giá xăng tăng mạnh và sự không chắc chắn về điều này trong tương lai sẽ tiếp tục đè nặng lên đồng euro.

Trong khi đó, các đồng tiền như đô la Australia và đô la New Zealand trong phiên vừa qua bật tăng trở lại, mặc dù đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Theo đó, đô la Australia tăng 0,7% lên 0,6955 USD, trong khi đô la New Zealand tăng 0,4% lên 0,214 USD.

Đồng bạc xanh cũng giảm 0,22% so với đồng yên Nhật, xuống 136,81 JPY/USD. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) buộc phải duy trì các biện pháp kích thích tiền tệ trong chủ trương chính sách ôn hòa cho đến có những dấu hiệu rõ ràng hơn về tăng trưởng kinh tế, thông tin từ một thành viên của BoJ cho biết.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng hồi phục từ mức thấp nhất 2 năm so với USD khi Chính phủ nước này chủ trương nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế.

Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ kết thúc ngày 25/8 tăng 0,13% lên 6,8641 CNY/USD. Đồng tiền này gần đây dao động quanh mức thấp nhất 2 năm so với đồng USD khi Bắc Kinh tăng cường các biện pháp nới lỏng tiền tệ như cắt giảm lãi suất chính sách để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Tính riêng trong tháng 8 này, CNY đã mất 1,6% giá trị so với USD.

Trung Quốc cho biết nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ thực hiện nhiều hành động hơn nữa để hỗ trợ kinh tế, bao gồm cả tăng cường hỗ trợ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường hỗ trợ cho các công ty tư nhân và công ty công nghệ.

“Tỷ giá CNY/USD đã phá vỡ mức 6,80 – ngưỡng được thị trường theo dõi chặt chẽ. Chúng tôi nghĩ rằng điều này có nghĩa là tỷ giá này sẽ giao dịch trong một phạm vi mới và tăng lên khoảng 6,75-7,00 CNY trong thời gian còn lại của năm nay và trong nửa đầu năm tới”, các nhà phân tích của HSBC cho biết.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin tiếp tục giao dịch quanh mức 21.000 USD, lúc kết thúc ngày 25/8 theo giờ Việt Nam có giá 21.529 USD.

Giá vàng hồi phục nhẹ do USD giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư vàng tập trung theo dõi sự kiện hội nghị Jackson Hole để tìm kiếm thêm manh mối về kế hoạch tăng lãi suất của Fed.

Lúc kết thúc ngày 25/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% xuống 1.754,43 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 18/8; giá vàng kỳ hạn tháng 12 tưng 0,4% lên 1.767,7 USD.

Trong khi đà tăng của đồng USD đang làm tổn hại đến vàng, “thị trường tương đối yên tĩnh. Các nhà giao dịch kim loại đang chờ xem điều gì xảy ra tại cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo tài chính ở Jackson Hole và muốn biết thêm về lộ trình tăng lãi suất của Fed”, Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO cho biết.

Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA viết: “Liệu vàng có phá vỡ ngưỡng 1.730 USD hay không cũng có thể phụ thuộc vào những gì ông Powell nói cũng như liệu các nhà giao dịch có tâm trạng lắng nghe hay không? Liệu anh ta (ông Powell) có bám vào kịch bản diều hâu của các đồng nghiệp của ông hay không?”.

Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: “Vàng đang chứng kiến sự phục hồi điều chỉnh sau giai đoạn ch ịu áp lực bán gần đây. Trong ngắn hạn, biểu đồ vàng vẫn giảm. Nhưng trong dài hạn, vàng vẫn có tiềm năng tăng giá vì sẽ có một số nhu cầu trú ẩn an toàn bất cứ khi nào nền kinh tế ‘chao đảo’.”

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: