USD giảm so với nhiều đồng tiền quan trọng, yên Nhật chạm đáy 24 năm, Bitcoin bật tăng

USD giảm so với nhiều đồng tiền quan trọng, yên Nhật chạm đáy 24 năm, Bitcoin bật tăng

Tâm điểm của thị trường tiền tệ trong phiên vừa qua là yên Nhật, khi đồng tiền này lao dốc xuống mức thấp mới. Tại phương Tây, giao dịch trầm lắng khi các sàn Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.

Đồng yên Nhật giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/1998 do chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trái ngược hoàn toàn với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết tâm ngăn chặn lạm phát đang tăng vọt.

Đồng yên đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 24 năm vào lúc kết thúc ngày 21/6 theo giờ Việt Nam, là 136,330 JPY/USD, kéo dài chuỗi ngày giảm giá, vốn đã khiến đồng yen mất hơn 18% giá trị so với USD trong năm nay. Đồng yen cũng giảm 1,3% so với euro, xuống 143,77 JPY/EUR, mức thấp nhất kể từ ngày 9 tháng 6.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA ở New York cho biết: “Mọi người vẫn tiếp tục giao dịch tiền tệ, khi mà Fed đang áp dụng chính sách thắt chặt mạnh mẽ, trong khi BoJ vẫn chưa thực sự nhúc nhích”.

Phiên vừa qua, JPY giảm giá mạnh bởi BoJ hôm thứ Sáu (17/6) đã làm tiêu tan kỳ vọng của thị trường về khả năng thể chế này sẽ có một sự thay đổi trong chính sách, và tiếp tục đứng tách biệt trong khi các ngân hàng trung ương lớn khác trong cam kết chấm dứt thời kỳ chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.

Không chỉ giữ nguyên lãi suất thấp, BoJ còn tăng cường mua trái phiếu chính phủ để giữ lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong phạm vi mục tiêu 0% đến 0,25%. Nhưng bất chấp những nỗ lực đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này vẫn thấp hơn so với mục tiêu.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã bật đèn xanh cho việc bán đồng yên khi ông nói rằng BoJ nên duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình.

Ông gạt sang một bên những lời kêu gọi điều chỉnh chính sách để nhắm vào chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Theo các nhà phân tích, đà giảm giá trị của đồng yên càng được đẩy nhanh bởi một số lệnh cắt lỗ bị khi JPY rơi xuống quanh mức 135,60 JPY.

Đồng yen đã mất giá nhiều hơn bất kỳ loại tiền tệ chủ chốt nào khác so với đồng bạc xanh do lập trường chính sách ôn hòa của BoJ khác xa với thái độ ‘diều hâu’ của đại đa số các nhà hoạch định chính sách tiền tệ toàn cầu ở thời điểm hiện tại.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 21/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,2% xuống 104,23, trong đó USD tăng 0,4% so với euro, lên 1,0553 USD/EUR.

Đồng tiền chung châu Âu tăng sau khi Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu Philip Lane cho biết ECB sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp vào tháng 7, nhưng quy mô của đợt tăng trong tháng 9 vẫn chưa được quyết định, cho thấy mức tăng lớn hơn (50 điểm cơ bản) có khả năng xảy ra.

Đồng bảng Anh cũng tăng so với đồng USD, theo đó tăng 0,4% lên 1,2290 USD, do thái độ “diều hâu” của các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BoJ).

Nhà kinh tế trưởng Huw Pill của BoE hôm 21/6 cho biết ngân hàng trung ương ANh trong tương lai gần sẽ cần tăng lãi suất hơn nữa để giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng.

Đồng đô la Australia phiên vừa qua tăng 0,4% lên 0,6977 USD, sau khi Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia, Philip Lowe, báo hiệu sẽ thắt chặt chính sách rất mạnh mẽ, mặc dù ông đã cho thấy có ít khả năng lãi suất tăng 75 điểm cơ bản.

Đồng rúp Nga tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 năm so với USD cũng như euro trên Sàn giao dịch Moscow do các biện pháp kiểm soát vốn và các doanh nghiệp đến kỳ thanh toán thuế cuối tháng.

Theo đó, rúp Nga lúc kết thúc ngày 21/6 theo giờ Việt Nam tăng 2,1% so với đồng đô la lên 54,44 RUB/USD, trước đó có lúc chạm 54,20 RUB, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2015. So với đồng euro, đồng tiền này cũng tăng 1,8% lên 57,80 RUB/EUR, sau khi có lúc chạm 57,025 RUB, cao nhất kể từ tháng 5 năm 2015.

Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng tăng giá so với đồng USD do những dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc hồi phục nhanh và dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Trung Quốc do khi Bắc Kinh công bố một loạt các biện pháp kích thích và nới lỏng các quy định đối với lĩnh vực công nghệ.

Việc Mỹ có thể dỡ bỏ một số thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc cũng hỗ trợ đồng nhân dân tệ, mặc dù một số nhà phân tích cảnh báo rằng vị trí của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như một nơi trú ẩn khỏi bất ổn thị trường toàn cầu có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Trên thị trường Trung Quốc, nhân dân tệ kết thúc ngày 21/6 ở mức 6,6869 CNY/USD, cao hơn so với phiên liền trước, sau khi sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tăng tỷ giá tham chiếu của đồng nội tệ.

Đồng tiền này đã ổn định trong tháng qua, sau đợt sụt giảm vào tháng 4 khi các nhà đầu tư bán phá giá tài sản bằng đồng nhân dân tệ, lo lắng về tác động của việc Trung Quốc phong tỏa chặt chẽ chống COVID và ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine.

Tại Việt Nam, ngày 21/6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của tiền đồng so với đô la Mỹ ở mức: 23.087 VND/USD (giảm 5 đồng so với phiên liền trước). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán). Giá USD tự do niêm yết ở mức mua vào 23.900 đồng/USD và bán ra 23.940 đồng/USD, giá mua không đổi nhưng giá bán giảm 40 đồng so với phiên liền trước. 

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin hồi phục nhanh, kết thúc ngày 21/6 theo giờ Việt Nam ở mức 21.141 USD, trong ngày có lúc vượt 21.500 USD khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ tận dụng cơ hội giá Bitcoin thấp để liên tục bắt đáy.

Giá vàng giảm trong phiên vừa qua sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và thị trường đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất tích cực, làm giảm sức hấp dẫn của vàng, mặc dù USD giảm giá trong phiên này.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 21/6 theo giờ Việt Nam đi ngang ở mức 1.839 USD; vàng kỳ hạn tháng 8 cũng vững ở mức 1.840,70 USD.

Sự hấp dẫn của vàng thỏi bị giảm sút khi lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và chỉ số chứng khoán Mỹ đang tăng giá. Tuy nhiên, đồng USD giảm giá đã ngăn giá vàng giảm mạnh.

Trong nước, cuối giờ chiều 21/6, giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 67,80 triệu đồng/lượng (không đổi so với cphiên liền trước) – bán ra 68,60 triệu đồng/lượng (giảm 40.000 đồng/lượng). Giá vàng Phú Quý – SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 67,90 triệu đồng/lượng (tăng 50.000 đồng/lượng) – bán ra 68,65 triệu đồng/lượng (không đổi). Giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 67,85 triệu đồng/lượng – bán ra 68,67 triệu đồng/lượng (không đổi cả 2 chiều mua bán).

Tham khảo: Refinitif, Coindesk

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: