USD tiếp tục tăng lên mức cao mới chưa từng có trong vòng 20 năm, trong khi euro giảm xuống mức thấp mới trong vòng 2 thập kỷ khi giá năng lượng hồi phục và nguy cơ tình trạng thiếu hụt năng lượng sẽ còn trầm trọng hơn nữa phủ bóng đen lên nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone).
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 6/7 theo giờ Việt Nam tăng vượt 107, trong khi euro giảm xuống dưới 1,02 USD, đánh dấu việc cả 2 đồng tiền này đều ghi nhận những kỷ lục chưa từng có kể từ tháng 12/2002, nhưng với USD là kỷ lục cao, còn EUR là kỷ lục thấp.
Ông Shahab Jalinoos, người phụ trách mảng chiến lược toàn cầu của Credit Suisse, cho biết đồng USD đã mạnh lên do giá năng lượng cao và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhanh hơn so với hầu hết các ngân hàng trung ương khác.
“Các yếu tố vĩ mô truyền thống đang thúc đẩy sức mạnh của đồng USD vào lúc này, chứ không phải là một động thái bất lợi về rủi ro”, ông Jalinoos nói.
Cũng theo ông Jalinoos, Mỹ là nước xuất khẩu năng lượng ròng, trong khi Đức đang thâm hụt thương mại lần đầu tiên kể từ năm 1991.
“Lãi suất cao ở Mỹ và sự thay đổi cán cân thương mại có lợi cho Mỹ sẽ làm tăng thêm tính bền vững cho sức mạnh của đồng đô la”, ông nói.
DXY đã tăng 0,544% trong phiên vừa qua, trong khi EUR giảm 0,87% xuống 1,0177 USD.
Goldman Sachs nâng dự báo giá khí đốt tự nhiên, nói rằng việc khôi phục hoàn toàn dòng khí đốt của Nga qua Nordstream 1 không còn là kịch bản khả dĩ nhất nữa.
Tập đoàn Equinor cho biết tất cả các mỏ dầu và khí đốt của Na Uy bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công trong lĩnh vực dầu khí dự kiến sẽ hoạt động trở lại trong vài ngày tới.
Các nhà phân tích nhận định giá dầu sẽ phục hồi nhanh chóng khi nguồn cung vẫn còn khan hiếm và chênh lệch giá giữa hợp đồng tham chiếu với hợp đồng kỳ hạn giao sau 1 tháng vẫn được giữ vững mặc dù giá dầu giảm sâu hôm thứ Ba (5/7).
Moritz Paysen, cố vấn tỷ giá và ngoại hối của Berenberg, cho biết: “Không chỉ có mối đe dọa từ chế độ phân phối khí đốt đang đè nặng lên đồng euro, chi phí năng lượng vốn đã cao đang là một gánh nặng. Chi phí năng lượng ở châu Âu cao hơn nhiều lần so với ở Mỹ”.
Đồng thời, sự khác biệt giữa các chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên khắp Đại Tây Dương vẫn là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư.
Tỷ giá giữa đồng euro so với đồng franc Thụy Sĩ cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ từ bỏ giới hạn tiền tệ vào năm 2015. Theo đó, EUR giảm 0,6% xuống mức thấp nhất trong 7 năm là 0,9879. CHF/EUR.
Đồng Yên trong phiên vừa qua tăng nhẹ, nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ do ước tính lạm phát của các hộ gia đình Nhật Bản tăng trong quý 2 năm nay, với giá nhà dự báo sẽ tiếp tục tăng, từ mức cao nhất trong vòng 14 năm hiện nay. Đồng yên Nhật kết thúc phiên 6/7 tăng 0,16% lên 135,67 JPY/USD.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết họ sẽ không rút lại các biện pháp kích thích tiền tệ vì lạm phát là do chi phí nhiên liệu và nguyên liệu tăng cao gây ra bởi cuộc khủng hoảng Ukraine và có thể sẽ chỉ là tạm thời.
Bảng Anh phiên vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm, là 1,19 USD, tính từ đầu năm đến nay đã giảm gần 12%. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát mới nhất cho thấy bảng Anh có thể sẽ hồi phục và lấy lại một nửa những gì đã mất vào năm tới khi Ngân hàng Trung ương Anh tiếp tục tăng lãi suất.
Tại Châu Á, nhân dân tệ hồi phục từ mức thấp nhất trong vòng gần 2 tuần khi những dấu hiệu gần đây của căng thẳng Trung-Mỹ dịu đi.
Các nhà giao dịch tiền tệ cho rằng có khả năng đồng nhân dân tệ sẽ còn tiếp tục phục hồi, trong bối cảnh dự đoán Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể thông báo rút lại thuế đối với một số hàng hóa Trung Quốc.
Phiên 6/7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá tham chiếu của CNY ở mức thấp nhất trong ba tuần, là 6,7246 CNY/USD, giảm 260 pip hay 0,39% so với phiên trước đó.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa đã bật lên từ mức thấp nhất trong hai tuần là 6,7230 CNY trong phiên 5/7, kết thúc phiên 6/7 ở mức 6,7050 CNY, tăng 140 pip so với mức đóng cửa cuối phiên trước đó.
Tuy nhiên, các nhà giao dịch và nhà phân tích lưu ý rằng dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều khu vực trên khắp đất nước Trung Quốc, bao gồm cả một ổ dịch mới nổi ở Thượng Hải, khiến thị trường lo ngại về nguy cơ gián đoạn các hoạt động kinh tế của Trung Quốc trên phạm vi rộng lớn hơn.
Trên thị trường tiền điện tử, sắc xanh đã quay trở lại, khi Bitcoin tăng ngay từ đầu phiên giao dịch vừa qua và duy trì trên ngưỡng 20.000 USD trong suốt phiên. Lúc kết thúc ngày 6/7 theo giờ Việt Nam, Bitcoin tăng lên 20.270 USD.
Giá vàng tiếp tục lao dốc trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng do USD mạnh, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để biết rõ về bản chất và tốc độ tăng lãi suất.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 6/7 theo giờ Việt Nam giảm 1,6% xuống 1.737,00 USD/ounce, sau khi giảm 2,6% trong phiên liền trước; vàng kỳ hạn tháng 8 cũng giảm 1,4% xuống 1.738,30 USD.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities, cho biết: “Nhu cầu đối với tất cả các loại hàng hóa, bao gồm vàng, đang chịu áp lực giảm khi các quỹ giảm tải do lo ngại suy thoái kinh tế”. Theo ông: “Chúng tôi có thể thấy các nhà giao dịch vàng phản ứng với xu hướng ‘diều hâu’ của Fed. Chúng tôi tiếp tục thấy vàng giảm trong sáu tháng tới và giá sẽ chạm xuống dưới 1.700 USD.”
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn