Đồng USD giảm 1% so với yen Nhật ngay sau thông tin về việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể can thiệp vào tỷ giá hối đoái sau khi đồng nội tệ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 24 năm.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 14/9 theo giờ Việt Nam giảm 0,3% xuống 109,55, trong đó USD giảm 1,4% so với yen Nhật, xuống 142,67 JPY.
Chỉ một ngày trước đó, trong phiên 13/9, DXY đã tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng mạnh ngoài dự đoán. Theo đó, CPI tháng 8/2022 tăng 0,1% so với tháng liền trước, trái với kỳ vọng của các nhà kinh tế là giảm 0,1%. Điều đáng lo ngại là lạm phát cơ bản (đã trừ các mặt hàng có giá cả dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) tăng 0,6% so với tháng 7. So với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản của Mỹ trong tháng 8 tăng 6,3%, cao hơn so với mức 5,9% của tháng 7.
Tuy nhiên, dữ liệu công bố hôm thứ Tư (14/9) cho thấy giá sản xuất của Mỹ trong tháng 8 giảm tháng thứ 2 liên tiếp do chi phí xăng dầu tiếp tục giảm, đồng thời lạm phát giá cơ bản của nhà sản xuất chỉ tăng nhẹ, cho thấy các chuỗi cung ứng đang “thông” trở lại.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 8 đã giảm 0,4% so với tháng 7, là 2 tháng giảm liên tiếp lần đầu tiên kể từ mùa xuân năm 2020. Trong 12 tháng tính đến tháng 8, chỉ số PPI tăng 8,7%. Đó là mức tăng hàng năm nhỏ nhất kể từ tháng 8 năm 2021, sau khi tăng 9,8% trong 12 tháng tính đến tháng 7.
Theo công cụ Fedwatch của CME, thị trường tài chính hiện dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ít nhất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Đồng euro EUR đã tăng 0,1% so với đồng USD trong phiên vừa qua, lên 0,9979 USD.
Đồng yen đang trở thành một trong những tâm điểm của thị trường tiền tệ trong những ngày gần đây khi lao dốc mạnh xuống mức thấp nhất 24 năm so với USD. Tuy nhiên, trong phiên 14/9, JPY đã tăng hơn 1% so với USD, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiến hành kiểm tra tỷ giá để chuẩn bị cho sự can thiệp tiền tệ. Chỉ số giá sản xuất của Mỹ giảm tháng thứ 2 liên tiếp cũng góp phần khiến USD giảm giá.
Lúc kết thúc ngày 14/9 theo giờ Việt Nam, yen Nhật tăng 0,01% so với USD, lên 142,935 JPY.
Vì lạm phát là một mối quan tâm nhỏ ở Nhật Bản, các nhà chức trách nước này đang giữ lợi suất trái phiếu chính phủ ở mức thấp để giúp phục hồi kinh tế. Ngược lại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đã tăng thêm 3,2 điểm cơ bản lên 3,788% sau khi tăng 18,5 điểm cơ bản và thứ Ba (13/9), cùng với kỳ vọng tăng lãi suất.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đang kiểm tra tỷ giá yen Nhật, theo đó, các quan chức của BoJ gọi cho các địa lý và hỏi mua hoặc bán đồng yen. Mặc dù vậy, việc thực sự can thiệp vào thị trường để hỗ trợ tỷ giá tiền tệ sẽ là một vấn đề khá lớn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản, Shunichi Suzuki, hôm 14/9 nói với các phóng viên rằng các diễn biến gần đây của đồng yên là “nhanh chóng và một chiều”, đồng thời nói thêm rằng việc can thiệp vào thị trường tiền tệ để mua đồng yên là một trong những lựa chọn của Chính phủ nếu những diễn biến như vậy còn tiếp diễn.
Bipan Rai, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ khu vực Bắc Mỹ của công ty CIBC Capital Markets, trụ sở ở Toronto, cho biết: “Hầu hết những người tham gia thị trường đang chờ đợi xem liệu Bộ Tài chính Nhật Bản có bất kỳ sự hỗ trợ nào hay không.”
Theo ông Rai: “Đó là một trong những điều mà chúng tôi đã thấy rất nhiều lần lần – bình luận về việc họ đang theo dõi và giám sát đồng yen. Việc họ kiểm tra tỷ giá qua đêm cho thấy họ đang tiến gần hơn đến việc can thiệp. Nhưng chỉ riêng sự can thiệp của BoJ thì chưa chắc sẽ thành công, mà có thể chỉ gây phản ứng trong thời gian ngắn”.
Sự tăng giá mạnh gần đây của đồng USD so với đồng yên đã gắn liền với lập trường quan điểm tăng lãi suất tích cực Fed trong việc tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.
Trên thị trường mới nổi châu Á, tỷ giá tiền tệ hầu hết giảm trong phiên vừa qua do ảnh hưởng từ dữ liệu CPI của Mỹ tăng mạnh.
Theo đó, won Hàn Quốc giảm 1,6% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2009; rupiah của Indonesia suy yếu xuống mức thấp nhất trong 6tuần, trong khi đồng ringgit của Malaysia giảm 0,4% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 1998.
Nhân dân tệ của Trung Quốc kết thúc ngày 14/9 ổn điịnh, sau có lúc khi giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần, khi lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ cao hơn dự kiến.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa nội địa biến động theo từng giờ. Tỷ giá CNY/USD đã nhích nhẹ 45 pip lên 6,9654 USD.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin dao động quanh mức 20.000 USD.
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua, nhưng dự báo về việc Fed sẽ tăng mạnh lãi suất đã kiềm chế đà tăng của giá vàng.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 14/9 tăng 0,1% lên 1.702,90 USD/ounce, đảo ngược xu hướng giảm ở phiên liền trước; song vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,2% xuống 1.713,30 USD.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA cho biết: “Vàng có khả năng ổn định, và ngay bây giờ thị trường vẫn đang nghiên cứu báo cáo lạm phát đó, nhưng có vẻ như mức 1.700 USD đang được giữ vững – đó là chìa khóa cho vàng”.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn