USD tạm nghỉ tăng, giá vàng đảo chiều đi lên, Bitcoin đi ngang trước khi Fed công bố dữ liệu lạm phát

USD tạm nghỉ tăng, giá vàng đảo chiều đi lên, Bitcoin đi ngang trước khi Fed công bố dữ liệu lạm phát

Đồng USD có nhiều biến động trong phiên vừa qua, dao động giữa tăng nhẹ và giảm nhẹ quanh mức cao nhất trong vòng gần 2 thập kỷ trước khi Mỹ công bố dữ liệu chính thức về lạm phát – yếu tố có thể giúp cho các nhà phân tích nhận định chính xác hơn về đường lối chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ.

Các nhà đầu tư bắt đầu có tâm lý chấp nhận rủi ro, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm từ mức cao 3,203% của phiên 9/4 về dưới mức 3% trong phiên 10/4, trong khi chỉ số chứng khoán S&P 500 của Mỹ hồi phục một cách chật vật sau 3 phiên giảm điểm trước đó.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – lúc kết thúc ngày 10/5 theo giờ Việt Nam đã tăng 0,087% lên 103,780; so với đồng euro, USD giảm 0,12% xuống 1,0542 USD.

Đồng yên Nhật cũng mạnh thêm 0,07% so với đồng bạc xanh, đạt 130,17 JPY/USD, trong khi bảng Anh giảm tiếp 0,14% xuống 1,2314 USD.

Đồng bạc xanh đã tăng gần 9% giá trị trong năm nay khi các nhà đầu tư hướng đến nơi trú ẩn an toàn này bởi lo ngại về khả năng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể làm giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái, và lo lắng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại do cuộc chiến tranh ở Ukraine và dịch Covid-19 lây lan ở Trung Quốc.

Sau khi Fed tăng lãi suất tham chiếu qua đêm thêm 50 điểm cơ bản vào tuần trước, mức tăng lớn nhất trong 22 năm, các nhà đầu tư đã cố gắng đánh giá xem ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết liệt như thế nào trong thời gian tới. Theo Công cụ FedWatch của CME, tất cả các nhà đầu tư đều kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm ít nhất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp của họ vào tháng 6.

Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ chỉ số giá tiêu dùng tháng 4, sẽ được công bố vào thứ Tư (11/5) để biết sớm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát có thể bắt đầu hạ nhiệt. Thị trường ước tính lạm phát của Mỹ tháng 4/2022 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 8,5% của tháng 3/2022.

Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao của Western Union Business Solutions ở Washington DC, cho biết: “Đây là khoảng thời gian trầm lặng trước khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát. Và điều đó cho phép các nhà đầu tư ‘xả hơi’ một chút, trong đó một số người hướng tới những tài sản rủi ro”.

Cũng theo ông Manimbo: “Về tăng trưởng của thế giới, đến nay vẫn chưa có gì được cải thiện, khi lo lắng về Trung Quốc vẫn còn đó. Do vậy, thị trường chỉ chú ý tới dữ liệu lạm phát mà Mỹ sắp công bố, và một chút sự thay đổi – có lợi cho các tài sản rủi ro”.

Trong ngày thứ Ba (10/5), nhiều quan chức của Fed tiếp tục lặp lại quan điểm rằng Fed cần phải tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tiếp theo. Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland, Loretta Mester, nói rằng việc tăng lãi suất thêm nửa điểm là “hoàn toàn hợp lý” cho một vài cuộc họp tiếp theo của Fed.

Tương tự, Chủ tịch Fed New York, John Williams, cũng nói rằng việc Chủ tịch Jerome Powell chỉ ra rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm tại hai cuộc họp chính sách tiếp theo là hợp lý.

Đáng chú ý, chứng khoán Châu Á phiên 10/5 đồng loạt giảm điểm theo xu hướng chứng khoán Phố Wall phiên trước đó (9/5), xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm, trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại việc Fed nâng lãi suất có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Trái lại, tiền tệ Châu Á đồng loạt tăng giá trong phiên này do đồng USD hạ nhiệt.

Theo đó, chỉ số chứng khoán MSCI Châu Á – Thái Bình Dương (không kể Nhật Bản) giảm 0,8% lúc đầu phiên, nhưng đảo chiều tăng vào cuối phiên. Mặc dù vậy, chỉ số chứng khoán của khu vực vẫn giảm 7 phiên liên tiếp, xuống 515,7 (giảm 2,3% so với phiên liền trước), tính từ đầu năm đến nay giảm 18%.

Thị trường chứng khoán Indonesia trong phiên vừa qua có lúc giảm 3,6% xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 trước khi hồi phục nhẹ để kết thúc phiên mức giảm còn khoảng 1,3%. Giá cổ phiếu Singapore phiên này cũng giảm 1,3%; chứng khoán Philippines giảm 0,6%.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Malaysia phiên vừa qua tăng 0,2%, trong khi đồng ringgit của nước này đi ngang, trước khi ngân hàng trung ương nước này họp về lãi suất cũng vào ngày thứ Tư (11/5).

Đồng peso của Philippines phiên này tăng 0,4% so với phiên liền trước, mức tăng vượt trội so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc phiên vừa qua tăng 0,2%, trong khi rupee Ấn Độ tăng 0,1%, sau khi chạm mức thấp kỷ lục ở phiên trước đó.

Trên thị tường tiền điện tử, Bitcoin phiên vừa qua dao động trong khoảng 31.000 USD. Lúc kết thúc ngày 10/5, Bitcoin tăng nhẹ 0,29% lên 31.029,07 USD. Trong phiên này, có lúc Bitclin giảm xuống dưới mốc 30.000 đô la lần đầu tiên kể từ tháng 7. Ethereum cùng ngày tăng 2,88% lên 2.356,96 USD.

Giá vàng tăng trong phiên này do USD tạm ngừng tăng trong khi các nhà đầu tư chuyển hướng trọng tâm chú ý sang dữ liệu lạm phát của Mỹ để biết thêm nhiều vấn đề.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 10/5 theo giờ Việt Nam tăng 0,2% lên 1.856,76 USD hay không.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: