USD tăng mạnh, các tiền tệ khác cùng vàng và Bitcoin lao dốc do lạm phát Mỹ vượt dự đoán

USD tăng mạnh, các tiền tệ khác cùng vàng và Bitcoin lao dốc do lạm phát Mỹ vượt dự đoán

USD hồi phục trở lại so với yen Nhật, euro và các loại tiền tệ khác sau khi dữ liệu chỉ ra lạm phát của Mỹ mạnh hơn dự kiến, cho thấy Ngân hàng trung ương Mỹ cần phải tiếp tục tích cực trong việc tăng lãi suất.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 13/9 theo giờ Việt Nam tăng mạnh, thêm 1,1% so với phiên liền trước, lên 109,39, trở lại gần sát mức cao nhất trong hai thập kỷ chạm tới vào tuần trước, là 110,79. DXY chuyển sang vùng tích cực ngay sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát.

Đồng euro, bảng Anh và yen Nhật đồng loạt giảm giá trong phiên vừa qua, trong đó euro giảm 1% so với đồng bạc xanh, xuống 1,0016 USD, sau khi chạm mức cao nhất gần một tháng, là 1,0198 USD, trong phiên liền trước. Chứng khoán toàn cầu cũng quay đầu lao dốc.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, giá tiêu dùng tại nước này bất ngờ tăng trong tháng 8 và lạm phát cơ bản cũng tăng trong bối cảnh chi phí thuê nhà và chăm sóc sức khỏe tăng, che mờ đà giảm của giá xăng dầu.

Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0,1% trong tháng 8 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không tính chi phí lương thực và năng lượng, CPI của Mỹ chỉ tăng 0,6% so với tháng 7 và 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá lương thực tại Mỹ đã tăng tới 0,8% trong tháng 8 và chi phí thuê nhà – chỉ số chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng trong CPI – tăng 0,7% so với tháng 7 và tăng 6,2% so với một năm trước. Thêm vào đó, giá dịch vụ chăm sóc y tế cũng vọt lên khi tăng tới 0,8% trong tháng 8 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước.

Karl Schamotta, chiến lược gia trưởng phụ trách mảng thị trường của Corpay ở Toronto, cho biết: “Dữ liệu mạnh hơn nhiều so với dự kiến. Đặc biệt đáng lo ngại là lạm phát cơ bản gần như gấp đôi ước tính.”; “Điều đó (lạm phát) sẽ ngay lập tức tác động đến kế hoạch lãi suất của Mỹ, và khiến tỷ giá USD tăng cao đáng kể. Điều quan trọng là chúng tôi hiện đang xem xét tỷ lệ cược gần như chắc chắn về động thái tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong kỳ họp sắp tới”.

Thực vậy, ngay sau báo cáo về lạm phát, thị trường dự đoán chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất một đợt thêm 75 điểm cơ bản nữa vào tuần tới, thậm chí có một tỷ lệ nhỏ dự đoán là mức tăng sẽ còn cao hơn thế. Thị trường hiện nhận xác 81% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9.

Trước đó, trong những phiên gần đây, đồng USD đã giảm giá sau đợt tăng mạnh kéo dài trước đó.

So với yên Nhật, đồng USD tăng 0,9% vào lúc kết thúc ngày 13/9 theo giờ Việt Nam, lên 144,095 JPY. Trước đó, đồng tiền Nhật Bản đã tìm thấy sự hỗ trợ từ các bình luận của các quan chức nước này báo hiệu Chính phủ có thể thực hiện các biện pháp để chống lại sự suy yếu quá mức của đồng Yên.

Đồng euro đã tăng trong những phiên gần đây sau những thong tin về thái độ tích cực từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong việc thắt chặt lãi suất. Tuần trước, 5 nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết tỷ lệ lãi suất tham chiếu ở châu Âu có thể tăng lên 2% hoặc cao hơn nữ để kiềm chế lạm phát.

Bảng Anh cũng giảm so với euro trong phiên vừa qua, khi giảm 1,2% xuống 1,1544 USD. Trước đó, lúc đầu phiên vừa qua, bảng Anh đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần sau khi tỷ lệ thất nghiệp ở nước này giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974, trong khi tiền lương (không bao gồm tiền thưởng) tăng 5,2%, mức cao nhất kể từ ba tháng tính đến tháng 8/2021.

Đô la Canada cũng giảm sau dữ liệu lạm phát Mỹ, lùi xa khỏi mức cao nhất trong vòng gần 3 tuần. Theo đó, đô la Canada kết thúc phiên vừa qua giảm 0,7% xuống 1,3083 CAD/USD. Giá dầu, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Canada, đã đảo ngược xu hướng tăng của phiên trước, theo đó, dầu thô Mỹ kỳ hạn tham chiếu giảm 0,3% xuống 87, 54 USD/thùng.

Trước phiên này, CAD đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 26/8, là 1,2955 CAD/USD. Thị trường đã đặt cược vào việc Ngân hàng Canada sẽ tăng lãi suất tham chiếu lên 50 điểm cơ bản, thay vì 25 điểm cơ bản, trong kỳ họp chính sách tiếp theo diễn ra vào 26/10.

Riêng nhân dân tệ Trung Quốc dao động quanh mức cao nhất 1 tuần so với USD. Trên thị trường nội địa, tỷ giá CAD tăng 78 pip lên 6,9221 CAD/USD.

Các nhà giao dịch cho biết đồng nhân dân tệ đã được hưởng lợi sau kỳ nghỉ lễ Trung thu kéo dài ba ngày, từ việc đồng USD giảm giá trong mấy phiên trước, nhưng lưu ý vẫn có khả năng nhân dân tệ giảm xuống dưới mức quan trọng – 7 CNY/USD.

Trên thi trường tiền điện tử, Bitcon duy trì gần suốt phiên 13/9 ở quanh mức 22.500 USD, nhưng đột ngột lao dốc vào cuối phiên, mất 8% sau báo cáo lạm phát của Mỹ khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi các tài sản rủi ro.

Lúc kết thúc ngày 13/8 theo giờ Việt Nam, Bitcoin chạm mức 20.790 USD, mặc dù trước đó có thời điểm Bitcoin đạt mức cao nhất 1 tháng, là 22.764,49 USD, trước khi giảm.

Giá vàng giảm hơn 1% do đồng USD nhảy vọt sau khi giá tiêu dùng bất ngờ tăng trong tháng 8 củng cố dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất tích cực.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 13/9 theo giờ Việt Nam giảm 1,1% xuống 1.705,94 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 1,3% xuống 1.717,30 USD.

Tai Wong, một nhà giao dịch cấp cao thuộc Heraeus Precious Metals, ở New York, cho biết: “Vàng đã giảm giá do CPI (của Mỹ) cao hơn dự kiến, với việc tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản hiện đã được xác nhận chắc chắn. USD đang tăng và có thể tiếp tục gây áp lực lên vàng”.

Theo ông Wong: “Vàng có khả năng duy trì trong phạm vi 1.690-1700 USD trong ngắn hạn và USD khó có thể tạo ra mức cao mới trừ khi có một kết quả kinh tế rất khiêm tốn của Fed vào tuần tới. Có khả năng mọi người sẽ chờ để xem kết quả cuộc họp sau đó, vào tháng 11”.

Mặc dù vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát, nhưng lạm phát của Mỹ tăng cao sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi.

Tham khảo: Refinitiv, Cnbc

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: