Đồng USD giảm trong phiên cuối tháng, song tính chung cả tháng 9 vẫn tăng tháng thứ 3 liên tiếp do các nhà giao dịch nhận định Fed sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất mạnh mẽ.
Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 31/8 theo giờ Việt Nam giảm 0,184% xuống 108,56. Trong phiên đầu tuần (thứ Hai, 29/8), DXY đã tăng lên mức gần cao nhất 2 thập kỷ, là 109,48.
Mặc dù giảm ở phiên này, song DXY vẫn tăng hơn 3% trong tháng 8 và có mức đóng cửa phiên cuối tháng cao nhất kể từ tháng 5 năm 2002.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm thứ Ba (30/8) đã nhắc lại quan điểm ủng hộ việc tăng lãi suất hơn nữa để dập tắt lạm phát, trong đó Giám đốc Fed New York John Williams nói với Wall Street Journal rằng sẽ “mất một thời gian” trước khi lãi suất được cắt giảm. Bình luận của ông Williams sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại hội nghị chuyên đề ngân hàng trung ương Jackson Hole ở Wyoming vào cuối tuần trước làm tiêu tan kỳ vọng rằng Fed có thể xoay trục chính sách và bắt đầu hạ lãi suất vào giữa năm 2023, tạo ra một đợt tăng giá mới cho đồng USD. Các nhà giao dịch hiện đang dự đoán có khoảng 70% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng tới.
Erik Bregar, giám đốc quản lý rủi ro tiền tệ và kim loại quý của Silver Gold Bull cho biết: “Vào cuối tháng 7 thị trường đặt cược rằng Fed sẽ sớm xoay trục và giảm lãi suất. Vì vậy, khi điều đó không xảy ra, chúng tôi buộc phải mua lại USD vì Fed chưa hoàn thành chu kỳ tăng lãi suất”.
“Sự thay đổi thực sự duy nhất mà chúng tôi thấy bây giờ là ECB (Ngân hàng Trung ương Châu Âu) có vẻ như đang tuyệt vọng trong việc bắt kịp Fed về lãi suất, và do đó chênh lệch tỷ giá đang giúp tỷ giá USD-EUR bám trụ ở mức cao”, ông nói.
Đồng euro đã tăng trở lại trên mức ngang bằng so với USD, nhưng tính chung cả tháng 8 vẫn giảm tháng thứ 3 liên tiếp khi cuộc khủng hoảng năng lượng đang bùng phát làm tăng thêm lo ngại suy thoái kinh tế, trong khi ECB đẩy mạnh việc tăng lãi suất.
Hôm thứ Tư (31/8), Nga đã ngừng cung cấp khí đốt từ đường ống Nord Stream 1, làm căng thẳng thêm cuộc chiến kinh tế giữa Moscow và Brussels, đồng thời làm tăng nguy cơ suy thoái và buộc một số quốc gia giàu nhất thế giới phải phân bổ tiêu thụ năng lượng. Các nhà giao dịch lo ngại rằng Nga sẽ không tiếp tục bơm khí qua đường ống dẫn sau khi kết thúc giai đoạn bảo trì, theo kế hoạch là vào thứ Bảy (3/8).
Đồng euro lúc kết thúc ngày 31/8 theo giờ Việt Nam tăng 0,35% lên 1,005 USD.
Lạm phát tại khu vực đồng euro đã tăng lên mức kỷ lục mới trong tháng 8, vượt xa mức dự đoán và củng cố khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nữa.
Ngày càng có nhiều quan chức ECB kêu gọi tăng lãi suất mạnh mẽ để chống lại lạm phát gia tăng, có thể vượt quá 10% trong những tháng tới.
Theo dữ liệu của Refinitiv, thị trường tiền tệ đang xác định có 60% khả năng ECB sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong kỳ họp sắp tới.
Trong một diễn biến khác, đồng krone của Na Uy (NOK) đã giảm hơn 1% so với đồng đô la và đồng euro sau khi ngân hàng trung ương nước này cho biết họ sẽ mua thêm ngoại tệ cho quỹ tài sản quốc doanh của mình. Lúc đóng cửa ngày 31/8, NOK giảm 1,29% so với đồng bạc xanh xuống 9,9663 NOK/USD, mức thấp nhất trong một tháng.
Đô la Canada giảm trong phiên vừa qua, với mức giảm 0,1% xuống 1,311 CAD, hay 76,28 US cent, sau khi giao dịch trong phạm vi từ 1,3064 đến 1,3131 CAD.
Đồng bảng Anh tăng nhẹ trong phiên vừa qua, nhưng tính chung cả tháng 8 giảm mạnh nhất kể từ cuối năm 2016 so với USD và giảm nhiều nhất kể từ giữa năm 2021 so với euro do lo ngại nền kinh tế Anh đang giảm tốc nhanh chóng cũng như lạm phát tăng tốc đã khiến các nhà đầu tư đổ xô bán đồng tiền này. Theo đó, GBP giảm 4,4% so với USD, xuống 1,1645 USD/GBP. Hôm 29/8, GBP giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020, khi thị trường hoảng loạn sau thông tin về sự lây lan của dịch COVID-19. So với euro, bảng Anh cũng giảm 2,2% trong tháng 8, xuống 85,82 pence, trở thành tháng giảm nhiều nhất kể từ tháng 4 năm 2021.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng trong phiên 31/8, vượt lên trên ngưỡng quan trọng 6,9 CNY. Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ấn định tỷ giá trung bình ở mức 6,8906 CNY/USD, giảm 104 pips hay 0,15% so với phiên liền trước. Trên thị trường tự do, nhân dân tệ kết thúc tháng ở mức 6,9101 CNY.
Trên thi trường tiền điện tử, Bitcoin hồi phục lên trên ngưỡng 20.000 USD. Hiện tại, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang là những người mua chính.
Giá vàng giảm trong phiên cuối tháng và kéo dài chuỗi những tháng giảm giá dài nhất kể từ năm 2018 do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới liên tiếp tăng mạnh lãi suất.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên này giảm 0,6% xuống 1.712,56 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12 giảm 0,6% xuống 1726,2 USD. Trong tháng 8, giá vàng giảm khoảng 3%, là tháng giảm thứ 5 liên tiếp.
Vàng được biết đến như một khoản đầu tư an toàn trong thời kỳ khủng hoảng địa chính trị và kinh tế, nhưng môi trường lãi suất cao khiến tài sản không sinh lời kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nguồn: cafef.vn