USD thấp nhất kể từ giữa tháng 6, vàng lên cao nhất 1 tháng

USD thấp nhất kể từ giữa tháng 6, vàng lên cao nhất 1 tháng

Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6 so với đồng yen Nhật trong bối cảnh các nhà đầu tư cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không tăng lãi suất mạnh mẽ như những dự đoán trước đây.

Chỉ số Dollar index (DXY) – so sánh USD với rổ 6 đồng tiền đối tác chủ chốt – vừa trải qua một phiên giao dịch đầy biến động sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ tháng 7 chậm lại ít hơn dự kiến. Tuy nhiên, tuần này sẽ có một dữ liệu quan trọng đối với các nhà đầu tư, đó là báo cáo về số việc làm hàng tháng của Mỹ, sẽ công bố vào thứ Sáu (5/8).

DXY đã giảm 0,6% xuống 105,189 trong phiên 1/8.

Marc Chandler, chiến lược gia thị trường thuộc Bannockburn Global Forex ở New York, cho biết: “Đó là thời điểm bắt đầu của một tháng mới và trọng tâm thực sự là khả năng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất”.

Ông nói: “Trọng tâm lớn của thị trường lúc này là dữ liệu việc làm công bố vào cuối tuần, và điều đó có khả năng xác nhận rằng sự cải thiện trên thị trường lao động đang ở mức độ vừa phải”, “Dự báo đó là một con số “yếu”, nhưng đó chỉ là so với thời gian gần đây.”

Các nhà đầu tư tiền tệ cũng đang theo dõi tin tức về chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) dự kiến ​​của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, dự kiến vào thứ 3 (2/8).

Chỉ số DXY đã tăng khoảng 10% trong năm nay, được thúc đẩy bởi kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Fed sẽ áp dụng chính sách tăng lãi suất tích cực.

“Sau động thái tăng lãi suất tích cực như vừa qua, tôi gần như chắc chắn điều đó (Fed sẽ tăng lãi suất chậm lại)”, ông Chandler nói.

Tuần trước, Fed đã nâng lãi suất tham chiếu qua đêm thêm 3/4 điểm phần trăm. Động thái này diễn ra sau một đợt tăng 75 điểm cơ bản vào tháng liền trước và các đợt tăng ít hơn một chút vào tháng 5 và tháng 3, trong bối cảnh ngân hàng trung ương Mỹ nỗ lực hạ nhiệt lạm phát.

Cũng trong tuần trước, đồng đô la Mỹ giảm giá so với đồng yên và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm cũng giảm, sau khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ suy giảm trong quý thứ hai liên tiếp.

Ngày 1/8, DXY đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng yen kể từ tháng 6/2022, lùi rất xa khỏi mức cao nhất kể từ cuối năm 1998 – là 140 yen – đạt được vào tháng trước. Kết thúc phiên 1/8, USD giảm 1,2% so với yen, xuống 131,65 JPY.

Sự suy yếu rộng rãi của đồng đô la đã giúp đồng euro tăng 0,3% trong phiên vừa qua, lên 1,0260 USD. Trong khi đó, đô la Australia phiên vừa qua tăng 0,5% lên 0,7027 USD.

Đồng bảng Anh tăng lên mức cao nhất 1 tháng do tâm trạng lạc quan trên thị trường tài chính rộng lớn trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh sẽ diễn ra trong tuần này (vào thứ 5, ngày 5/8), với dự kiến 80% khả năng BoE sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.

Theo đó GBP tăng 0,7% lên 1,2274 USD, cao nhất kể từ 28/6. So với euro, bảng Anh cũng tăng 0,4% lên 83,56 GBP/EUR, gần sát mức cao nhất trong vòng 3 tháng chạm tới vào thứ Năm tuần trước.

Dữ liệu Anh vừa công bố cho thấy sản xuất của các nhà máy và đơn đặt hàng mới trong tháng 7 giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020, cho thấy nền kinh tế đang giảm tốc.

Đồng bảng Anh đã gặp khó khăn so với đồng đô la trong những tháng gần đây, mặc dù các động thái của đồng bảng chủ yếu được thúc đẩy bởi những diễn biến của đồng đô la, chẳng hạn như việc nhà đầu tư vội vã tìm đến nơi trú ẩn an toàn và lập trường tích cực của Fed về việc thắt chặt chính sách tiền tệ. So với euro, bảng Anh tăng ở vị thế tốt hơn nhiều, bởi đồng tiền chung chịu sức ép lớn vì lo ngại về sự suy thoái ở khu vực đồng euro và ảnh hưởng từ việc giá khí đốt tự nhiên tăng cao và tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá như xu hướng đã diễn ra suốt 5 tháng qua khi kết quả các cuộc khảo sát về quản lý sức mua cho thấy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn mong manh và lo ngại về căng thẳng Trung-Mỹ có thể bùng phát khiến các nhà đầu tư có thái độ cảnh giác.

Kết quả khảo sát chính thức của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy hoạt động của các nhà máy Trung Quốc đã giảm đột ngột vào tháng 7 sau khi phục hồi trở lại sau sự cố phong tỏa chống COVID-19 vào tháng 6/2022. Một cuộc khảo sát tư nhân khác cũng cho thấy hoạt động sản xuất tháng 7 mở rộng với tốc độ chậm hơn tháng trước đó, do sự bùng phát virus mới và triển vọng kinh tế toàn cầu u ám đè nặng lên triển vọng nhu cầu xăng dầu.

Alvin Tan, người phụ trách chiến lược ngoại hối châu Á của RBC Capital Markets, cho biết chỉ số PMI như trên nhấn mạnh tình trạng mong manh của nền kinh tế Trung Quốc. “Với những dấu hiệu ngày càng tăng cho thấy Bắc Kinh không sẵn sàng tung ra các biện pháp kích thích lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm và thay vào đó tìm kiếm một kết quả ‘nỗ lực tốt nhất’, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể phải dựa vào việc giảm tỷ giá hối đoái để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Tan nói, và cho biết thêm rằng tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu xuất khẩu sẽ tiếp tục suy yếu trong những tháng tới.

Kết thúc ngày 1/8, đồng nhân dân tệ trên thị trường nội địa giao dịch ở mức 6,7515 CNY/USD, giảm 82 pip so với phiên trước đó. Tỷ giá tham chiếu do PBIC ấn định là 6,7467 CNY/USD, cũng giảm hơn 30 pip so với phiên liền trước.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin ngày 1/8 giảm nhẹ từ mức khoảng 23.400 xuống 23.200. Tuy nhiên, đó là mức khá cao so với thời gian gần đây, sau một tuần diễn biến khá suôn sẻ.

Bitcoin và Ether, hai token kỹ thuật số lớn nhất thế giới về vốn hóa, vừa trải qua một tháng hoạt động tốt nhất kể từ năm 2021. Bitcoin tăng 28% trong tháng 7.2022 và Ether tăng 70%.

“Tiền điện tử và các thị trường rộng lớn hơn nói chung đã chứng kiến phần nào một đợt phục hồi trong vài ngày qua”, Adrian Kenny, chuyên gia kinh doanh bán hàng cao cấp của GlobalBlock, cho biết.

Giá vàng tăng vọt lên mức cao nhất gần 1 tháng do USD yếu đi, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang chờ dữ liệu kinh tế có thể ảnh hưởng đến đường lối thắt chặt chính sách của Fed.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.768,44 USD/ounce, trước đó có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ ngày 5 tháng 7, là 1.774,95 USD. Vàng kỳ hạn tháng 10 tăng 0,3% lên 1.787,70 USD.

Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, cho biết vàng có nhiều dư địa tăng hơn khi có “các vấn đề lớn với Nga, Ukraine và Trung Quốc” và khi đồng đô la vấp phải một số kháng cự.

Ông nói thêm rằng lãi suất vẫn là yếu tố lớn nhất đối với vàng và ngay cả khi Fed chưa hoàn thành việc nâng lãi suất, họ vẫn có thể sẽ tạm dừng. “Đó là một tín hiệu tốt để mua vào”, ông Pavilonis nói.

Vai trò trú ẩn an toàn của vàng cũng tăng lên khi dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy kinh tế thế giới đang suy yếu, bao gồm sự suy giảm bất ngờ trong nền kinh tế Mỹ trong quý II và hoạt động sản xuất của khu vực đồng euro chậm lại.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: